Đám mây kỳ lạ có chiều cao hơn 3 km và chiều rộng xấp xỉ 2.000 km. Ảnh: Corbis. |
Đám mây hình thành bởi bụi đất sau một cơn bão lớn ở sa mạc Taklimakan ở phía tây bắc khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Nó có chiều cao 3 km và chiều rộng 1.987 km. Đám mây hầu như giữ nguyên hình dạng trong suốt trong suốt quá trình di chuyển. Khi tiến tới Thái Bình Dương lần thứ hai, nó hạ độ cao và "thả" một phần bụi đất xuống nước.
"Bụi ở châu Á thường tụ thành mây gần biển Hoàng Hải (nằm giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên), trong khi bụi ở sa mạc Sahara thường tích tụ quanh Đại Tây Dương và vùng bờ biển châu Phi. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy đám mây bụi ở Trung Quốc có thể hình thành ở Thái Bình Dương. Sắt chiếm khoảng 5% đám bụi nên đó là nguồn cung cấp sắt quan trọng đối với đại dương", Itsushi Uno, một nhà khoa học của Đại học Kyushu, cho biết.
Quỹ đạo di chuyển của đám mây tạo thành vòng tròn khép kín quanh trái đất. Ảnh: Corbis. |
Uno và cộng sự đã sử dụng một vệ tinh của NASA và mô hình toán học để theo dõi và đo chuyển động của đám mây bụi. Họ nhận thấy mây bay lên cách mặt đất 8-10 km trước khi chu du vòng quanh hành tinh.
"Kết quả quan trọng nhất là chúng tôi đã theo dõi đám mây khi nó bay đúng một vòng khép kín quanh trái đất. Có thể gọi là là hiện tượng kỳ quái vì giới khoa học chưa từng phát hiện đám mây nào di chuyển với quỹ đạo như thế. Sau khi đi được nửa vòng, mật độ bụi trong mây giảm tới mức rất thấp khiến việc quan sát trở nên khó khăn. Điều đó cho thấy trạng thái dày đặc của mây được duy trì rất lâu", Uno nói.
Nhóm nghiên cứu cho rằng hình dạng của đám mây hầu như không đổi trong suốt hành trình do nó được nâng lên ở nơi mà không khí khá ổn định.
Từ trước tới nay các nhà khoa học luôn tin rằng những hạt bụi là nhân tố tạo nên những đám mây có chiều cao lên tới vài km, nhưng họ chưa biết chúng làm tăng hay giảm nhiệt độ bề mặt trái đất.
Minh Long (theo Daily Mail)