Một khối đá granite đồ sộ trên dãy núi Freita, Bồ Đào Nha, gần làng Castanheira định kỳ đùn ra những hòn đá nhỏ cỡ viên sỏi, theo Amusing Planet. Người dân địa phương gọi hiện tượng địa chất hiếm gặp này là Pedras Parideiras, có nghĩa "đá sinh con".
Khối đá mẹ là một tảng đá granite khổng lồ trồi lên trên mặt đất, dài 1.000 mét và rộng 600 mét. Bao phủ bề mặt tảng đá là những mấu nhỏ giống chiếc đĩa lồi đường kính 2 - 12 cm. Do tác động của thời tiết nóng hoặc quá trình xói mòn, những mấu nhỏ này tách khỏi khối đá mẹ, để lại nhiều vết đen trên mặt đá.
Các mấu nhỏ hay "đá con" có cùng thành phần khoáng chất như khối đá mẹ, nhưng lớp ngoài cùng chứa biotite, một chất mica có độ kháng cơ học rất thấp. Nước mưa hoặc sương ngấm vào các kẽ nứt trên mặt mica. Khi mùa đông đến, nước đóng băng. Băng đóng vai trò như một chiếc nêm làm vết nứt sâu hơn cho đến khi mấu nhỏ rơi khỏi khối đá mẹ sau hàng trăm năm.
Tảng đá granite ngày nay nằm trong công viên Arouca Geopark và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc công nhận là Di sản Thế giới. Các nhà chức trách quy định khách tham quan không được lấy những viên đá con ra khỏi khu vực.
Tương tự, vách đá mang tên Chan Dan Ya (Sản Đản Nhai), có nghĩa là "vách đá đẻ trứng" trong tiếng Trung Quốc cũng đùn ra những quả trứng đá trơn nhẵn và tròn trịa. Chúng nhô ra trên vách đá và rơi xuống đất sau đó, gây kinh ngạc cho người dân địa phương tại châu tự trị Kiềm Nam thuộc tỉnh Quý Châu phía tây nam Trung Quốc.
Những quả trứng đá này lớn và nặng hơn nhiều so với "đá con" ở Bồ Đào Nha, có đường kính 30 - 60 cm và trọng lượng tối đa 300 kg. Hiện nay, khoảng 70 quả trứng đá vẫn dính vào mặt vách đá, có thể rơi ra bất cứ lúc nào trong vài thập kỷ tới.
Phương Hoa