Trăn nôn xác cự đà
Trăn Miến Điện nôn xác cự đà. Video: National Geographic.
Video ghi hình một con trăn nôn xác cự đà gây sốt trên mạng xã hội vào cuối tháng 11, theo National Geographic. Trong video, phần chóp đuôi cự đà thò ra khỏi bộ hàm há rộng của trăn sau khi các nhân viên cứu hộ tìm thấy con vật trốn dưới sân một ngôi nhà ở Samut Songkram, Thái Lan. Khi con trăn lùi về phía sau, nó chậm rãi nôn ra xác cự đà chết còn nguyên vẹn.
Con trăn bị hoảng sợ khi đội kiểm soát động vật hoang dã cố gắng chuyển nó đến một khu bảo tồn, nơi nó được thả về rừng sau đó. Trăn cần nhanh nhẹn trườn đi xa hoặc mau chóng tấn công mối đe dọa nhưng chúng không thể làm được những việc này với con mồi nặng nề trong bụng.
Nằm trong số những loài trăn lớn nhất thế giới, trăn Miến Điện có thể nặng tới hơn 90 kg và dài 7 mét. Chúng sử dụng răng nanh để ngoạm con mồi và cơ thể to dày để siết chết mục tiêu. Sau khi con mồi chết, chúng sẽ nuốt chửng toàn bộ và sử dụng enzyme tiêu hóa để phân hủy xác. Đôi khi, trăn Miến Điện mất hàng tháng để tiêu hóa con mồi lớn.
Cá lớn đóng băng khi nuốt chửng cá bé
Cá lớn nuốt cá bé trong khối băng. Video: National Geographic.
Hai anh em Anton và Alex Babich tìm thấy một con cá chó (Esox lucius) bị đóng băng khi đang nuốt con cá vược nhỏ hơn tại hồ Wawasee ở phía bắc bang Indiana, Mỹ hồi cuối tháng 1. Chiếc đuôi của cá vược nhô ra từ mặt băng, nửa thân trước của nó bị con cá chó dưới băng nuốt chửng. Anh em Babich chụp lại cảnh tượng và chia sẻ trên Facebook cá nhân, thu hút hàng nghìn lượt thích, chia sẻ và bình luận.
Trước những bình luận hoài nghi về độ chân thực của bức ảnh, anh em Babich đã cưa cả tảng băng chứa xác hai con cá. Khi họ nhấc tảng băng lên khỏi mặt hồ, cảnh tượng bên trong đúng như họ đoán. Ở một đầu tảng băng là đuôi cá vược nhô ra và đầu kia là con cá chó.
Theo anh em Babich, một ngư dân câu được con cá vược nhưng khi thấy con cá dài 36 cm quá nhỏ, người này đã ném nó trở lại hồ. Con cá vược chết và nổi lên bề mặt. Cá chó trông thấy và lao tới ngoạm xác nó. Tuy nhiên, con cá chó có thể đã mắc nghẹn và chết. Lớp băng ngày càng dày hơn giúp lưu giữ xác hai con vật.
Rắn giẫy giụa nhô ra từ họng ếch
Năm 2011, khi đi bộ ở quanh vùng bắc Queensland, Australia vào một đêm trước khi cơn bão ập đến, nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Julie-Anne O'Neill nghe thấy tiếng kêu thất thanh. Trên nền đất trước mặt cô là một con ếch cây xanh Australia lớn. Từ bên trong chiếc miệng há to của nó, cô thoáng nhìn thấy đầu của một con rắn nâu nhỏ. Giẫy giụa ở sâu trong cổ họng ếch, con rắn đang điên cuồng tìm cách trườn ra.
Ếch cây xanh Australia cái có thể dài khoảng 10 cm trong khi con đực thường dài gần 8 cm. Chúng hay ăn côn trùng, nhưng đôi khi ăn cả con mồi lớn hơn như chuột, các loài ếch khác và rắn. Theo O'Neill, những vết thương hở rải rác trên lưỡi con ếch và cô nghĩ rằng đây sẽ là bữa ăn cuối cùng của nó. Nhưng khi quay trở lại vào sáng hôm sau, cô trông thấy con ếch vẫn còn sống.
Hải âu nhồm nhoàm ăn đầy miệng cá
Trong bức ảnh do Sunil Gopalan, một nhiếp ảnh gia kiêm kỹ sư máy tính chụp lại, con chim hải âu nhau đầy miệng những con cá ánh bạc nhỏ xíu trên quần đảo Fair Isle xa xôi ở phía bắc Scotland.
Là những tay bơi lội cừ khôi, hải âu trải qua phần lớn cuộc đời ở biển. Chúng sở hữu đôi chân có màng giống như bánh lái và có thể lặn xuống độ sâu hơn 60 mét, sử dụng cánh để bơi trước khi nổi lên 20 - 30 giây sau đó. Chim hải âu bố mẹ đi kiếm ăn ít nhất 8 lần mỗi ngày và chúng có thể bay trở về với khoảng 20 con cá trong mỏ.
Phương Hoa