Những người khác nhau - từ trẻ con đến người già, từ kẻ thất học đến nhà khoa học - đã kể về những lần gặp gỡ với vị khách bí ẩn này của các cơn giông tố. Khác với những anh chị em của nó, sét hòn hầu như lặng lẽ và gây cảm tưởng vô hại. Song nhiều khi sét hòn là nguyên nhân của những điều bất hạnh.
Hai cậu bé trú mưa dưới mái chuồng bò. Bỗng nhiên trên ngọn cây dương xuất hiện một quả cầu lửa màu đỏ vàng. Nhảy từ cành này sang cành khác, nó hạ xuống đất và lăn về phía chuồng bò. Những tia lửa nhỏ màu da cam toé ra từ quả cầu như một thỏi sắt nóng đỏ vậy. Hai cậu bé đứng không nhúc nhích. Khi quả cầu lăn đến sát chúng, một cậu bé hơn đã lấy chân đá nó một cái. Quả cầu lạ lùng ấy nổ tung với tiếng rít chói tai. Hai cậu bé ngã lăn ra nhưng rất may là chúng còn sống. Nhưng trong số 12 con bò cái trong chuồng thì có 11 con bị chết.
Thật thú vị là các thông báo cho biết sét hòn sinh ra từ các đồ vật bằng kim loại. Nhà khí tượng học N. Nartưnốp có lần đã quan sát thấy sét hòn nhảy ra từ hộp máy điện thoại mở nắp. Quả cầu lửa lăn khắp sàn rồi nổ tung. Theo tin báo của Kônganôp ở thành phố Kolômana, sét hòn xuất hiện gần bảng đặt công tơ điện trong thời gian phóng điện của sét chuỗi. Người ta cũng quan sát thấy sét hòn vọt ra từ đui đèn điện không lắp bóng hay từ ổ cắm điện.
"Kỹ sư I. Môtsalôp ở thành phố Nigiơni Taghin thấy trên đầu van hệ thống lò sưởi một quả cầu nhỏ màu xanh da trời bắt đầu hình thành. Lúc đầu nó bé bằng hạt đậu, sau đó đường kính của nó tăng đến 4-6 cm, nó rời khỏi mép lò sưởi hơi nước và khi đi qua gần bàn, nó dừng lại gần ống đinh. Từ quả cầu nhỏ đó phát ra tia lửa, sau đó nhảy bật lên trên và tiếp tục lượn một lúc dưới bàn rồi nổ tung.
Thường thường sét hòn chuyển động trong không khí khá chậm, bằng tốc độ người chạy. Dễ dàng theo dõi nó bằng mắt thường. Đường đi của nó trùng với hướng gió. Đôi khi quả cầu đó dường như dừng lại hoàn toàn. Khi nó di động, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng rít hay lẹt xet khe khẽ. Màu sắc của sét hòn rất khác nhau: người ta thấy có những quả cầu sáng màu đỏ, cả mầu trắng chói lọi và màu xanh thẫm. Còn kích thước thì sao? Thường sét hòn không to quá 20 cm đường kính.
Ta cũng nên nhận thấy dạng phóng điện khí quyển đó thật may mắn: có đến một trăm giả định khoa học khác nhau giải thích bản chất của chúng. Không phải tất cả đều đáng được khoa học hiện đại thừa nhận. Nhưng mọi giả thuyết về nguồn gốc của hiện tượng điện học kỳ lạ được lập luận với cơ sở khoa học thoả đáng.
Một trong các giả thuyết đó thuộc về viện sĩ P. L. Kapitxa. Theo ý kiến của ông, sét hòn được cung cấp năng lượng nhờ các bức xạ vô tuyến xuất hiện trong những lần phóng điện khí quyển khi có giông. Nhà bác học cho rằng, nếu trong tự nhiên không tồn tại những nguồn năng lượng mà chúng ta còn chưa biết, thì trên cơ sở định luật bảo toàn năng lượng, ta nên thừa nhận là trong thời gian phát sáng, có năng lượng liên tục truyền cho sét hòn, và chúng ta buộc phải đi tìm nguồn năng lượng đó ở ngoài phạm vi sét hòn. Sét hòn sinh ra ở những nơi sóng vô tuyến đạt cường độ cực đại.
Cách giải thích do nhà bác học Xô Viết Kapitxa đề ra đó về sét hòn rất phù hợp với những đặc điểm của sét: đôi khi sét hòn lăn dọc bề mặt các đồ vật khác nhau mà không để lại vết cháy, sét hòn thường thâm nhập vào các phòng ở qua ống khói, cửa sổ và thậm chí qua các khe hở nhỏ.
Có thể, lời giải đáp cho bí ẩn của quả cầu đó là ở chỗ khác. Mặc dầu các nhà bác học vẫn cỗ gắng giải thích hiện tượng đã được người ta biết đến hàng ngàn năm nay, sét hòn vẫn còn là một điều bí ẩn. Một số nhà khoa học cho rằng nó là một dạng mới của năng lượng (một mẫu phản vật chất), song những người khác lại phủ định điều đó. Điều bí mật của sét hòn tiềm chứa cái gì trong nó? Có thể, nó chứa đựng một lĩnh vực mới mà tri thức chúng ta chưa từng biết đến? Ai mà biết được! Có thể, chính tại đây, khoa học sẽ mở được cánh cửa dẫn vào một trong những kho năng lượng của tự nhiên, sẽ đem lại cho chúng ta những khả năng mới để tái tạo hành tinh, để thâm nhập vào những bí mật mới của vật chất.
(Theo sách Bên cạnh điều bí ẩn)
(còn nữa)