Duan Biggs cho rằng các nước càng kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán sừng tê giác thì bọn săn trộm càng muốn giết tê giác. Ảnh: goafrica.about.com. |
Tiến sĩ Duan Biggs, một nhà khoa học của Đại học Queesland tại Australia, cùng các đồng nghiệp đã tìm hiểu tác dụng của lệnh cấm buôn bán sừng tê giác. Họ kết luận rằng nạn săn bắt tê giác đã vượt khỏi tầm kiểm soát của các chính phủ và lệnh cấm buôn bán sừng tê giác khiến tương lai của chúng trở nên ảm đạm hơn, BBC đưa tin.
"Chúng ta càng trì hoãn thời gian hợp pháp hóa hoạt động buôn bán sừng tê giác thì số lượng tê giác mà chúng ta mất càng tăng. Đây là một vấn đề cấp bách. Chúng ta phải khởi động quá trình bãi bỏ lệnh cấm bán sừng tê càng sớm càng tốt", Biggs phát biểu.
Lời kêu gọi của Biggs được đưa ra trong bối cảnh đại biểu của 178 nước sắp tới thủ đô Bangkok của Thái Lan để bổ sung những điều khoản mới vào Công ước buôn bán quốc tế các loài hoang dã nguy cấp (CITES). Công ước này, ra đời từ 40 năm trước, cấm hoạt động mua và bán sừng tê giác.
Giới bảo tồn ước tính khoảng 20.000 tê giác trắng đang sống trên thế giới. Phần lớn chúng phân bố ở Nam Phi và Namibia. Khoảng 5.000 tê giác đen vẫn còn sống, song loài tê giác đen phương Tây đã tuyệt chủng vào năm 2011.
Nghiên cứu của Biggs, được công bố trên tạp chí Science, chỉ ra rằng sự ra đời của CITES khiến nguồn cung sừng tê giác giảm và đẩy giá lên tới mức chóng mặt. Vào năm 1993, giá của một kg sừng tê giác vào khoảng 4.700 USD. Nhưng con số đó tăng lên tới 65.000 USD trong năm 2012. Do giá sừng tê giác tăng phi mã, bọn săn trộm càng đẩy mạnh hoạt động giết tê giác để lấy sừng.
Nỗ lực thuyết phục người Trung Quốc rằng sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh cũng thất bại.
Cưa sừng tê giác là giải pháp mà nhóm của Biggs đề xuất để bảo vệ tê giác, đồng thời đáp ứng nhu cầu đối với sừng tê giác. Theo họ, khối lượng sừng của mỗi con tê giác tăng thêm khoảng 0,9 kg mỗi năm. Việc cưa bớt sừng của tê giác không gây nên tác hại đối với chúng.
Nhóm nghiên cứu cũng ủng hộ ý tưởng thành lập một tổ chức điều phối hoạt động buôn bán sừng tê giác. Tổ chức này sẽ lưu trữ dữ liệu DNA của từng con tê giác để kiểm soát thị trường.
"Khi đó sừng tê giác sẽ trở thành hàng hóa hợp pháp, rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn", họ nhận định.
Minh Long