Elon Lindenstrauss (người Israel)
Ảnh: icm2010.org.in. |
Elon Lindenstrauss chào đời tại Jerusalem vào năm 1970. Anh đã kết hôn và có ba con. Anh lấy bằng cử nhân Toán và Vật lý tại Đại học Hebrew, Israel vào năm 1991. Bốn năm sau anh hoàn thành chương trình thạc sỹ toán tại trường này. Năm 1999 Lindenstrauss bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Hebrew với đề tài mang tên "Các đặc tính entropy trong những hệ động lực". Lindenstrauss đạt được nhiều thành tựu về thuyết ergod - bộ môn khoa học về các hình thái biến dạng. Anh được trao huy chương Fields vì các thành tựu này và những ứng dụng của chúng đối với lý thuyết số.
Hiện nay Lindenstrauss làm giáo sư của Đại học Hebrew và Đại học Princeton, Mỹ. Trước đó anh cũng từng làm việc tại Đại học Stanford và Viện Toán học Courant tại Mỹ. Anh nhận nhiều giải thưởng toán học, trong đó có giải Salem (2003) giải thưởng của Hiệp hội Toán học châu Âu (2004).
Stanisnav Smirnov (Nga)
Ảnh: icm2010.org.in. |
Nhà toán học Nga được sinh ra tại thành phố St. Petersburg vào năm 1970 và từng hai lần đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 1986 và 1987. Anh học Toán tại Đại học St. Petersburg. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1992 anh tới Viện Công nghệ California và lấy bằng tiến sĩ vào năm 1996 tại đây. Từ năm 1996 tới 1998 anh lần lượt làm việc tại Đại học Yale, Viện nghiên cứu cao cấp Princeton tại Mỹ và Viện Toán học Max Planck tại Đức. Sau đó Smirnov dành một khoảng thời gian khá lớn trong sự nghiệp tại Stockholm, Thụy Điển. Anh trở thành giáo sư tại Viện Khoa học hoàng gia Thụy Điển vào năm 2001. Kể từ năm 2003 tới nay anh là giáo sư của Đại học Geneva, Thụy Sỹ.
Smirnov nghiên cứu giải tích toán học, hệ động lực phức, vật lý thống kê, toán lý và xác suất. Anh từng đoạt giải thưởng của Hiệp hội Toán học St. Petersburg (1997), giải Clay (2001), giải Salem (2001), giải thưởng của Hiệp hội Toán học châu Âu. Đặc biệt, anh nhận giải thưởng Clay khi mới tròn 31 tuổi và là một trong số những người đầu tiên và trẻ nhất có được vinh dự này.
Các công trình nghiên cứu của anh nhận được sự hỗ trợ tài chính của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu và Quỹ Khoa học quốc gia Thụy Sỹ.
Cédric Villani (Pháp)
Ảnh: icm2010.org.in. |
Chào đời năm 1973 tại Pháp, Villani học toán tại Đại học Sư phạm Paris từ năm 1992 tới 1996. Anh lấy bằng tiến sĩ tại trường vào năm 1998. Kể từ năm 2000 Villani trở thành giáo sư của Đại học Sư phạm Lyon. Anh còn thường xuyên tới Mỹ giảng dạy trong các năm 1999, 2004 và 2009. Villani viết khoảng 50 công trình nghiên cứu, hai cuốn sách tham khảo về mạng truyền tải quang. Năm 2009 anh được bổ nhiệm làm giám đốc Viện Henri Poincaré tại Paris, Pháp kiêm giáo sư thỉnh giảng của Viện Nghiên cứu Khoa học cao cấp của Pháp.
Lĩnh vực nghiên cứu của Cédric Villani là phương trình vi phân, phương trình đạo hàm riêng và toán lý. Các giải thưởng nổi bật của anh bao gồm giải Jacques Herbrand của Viện Khoa học Pháp (2007), giải thưởng của Hiệp hội Toán học châu Âu, giải Henri Poincaré của Hiệp hội Toán Lý Quốc tế (2009), giải Fermat (2009).
Ngô Bảo Châu (người Việt Nam)
Ngô Bảo Châu chào đời năm 1972 tại Hà Nội và từng đoạt huy chương vàng trong hai kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 1988 và 1989. Sau đó Châu sang Pháp để học tại Đại học Paris 6. Anh bảo vệ luận án tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại Đại học Sư phạm Paris. Năm 2003, ở tuổi 31, anh hoàn thành luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) tại Đại học Paris 11. Đầu năm sau anh trở thành giáo sư của đại học này.
Ảnh: icm2010.org.in. |
Vào năm 2004 Châu đã nhận giải thưởng nghiên cứu hàng năm của Viện Toán học Clay (Mỹ) dành cho những người đạt thành tựu xuất sắc nhất trong năm nhờ giải quyết một trường hợp đặc biệt của “chương trình Langlands”. Sau khi nhận giải thưởng Clay, anh được Viện nghiên cứu khoa học cao cấp tại Princeton (Mỹ) mời sang làm giáo sư.
Sau khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của Chương trình Langlands, anh được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007). Công trình của anh đã được tạp chí đại chúng có uy tín Time Mỹ bình chọn là "một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009". Tháng 6 vừa qua, công trình của anh mang tên “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie” (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie) dày 169 trang đã được chính thức công bố trong tạp chí Publications Mathématiques de L'IHÉS do nhà xuất bản Springer phát hành.
Minh Long