Một lá hình chén của cây Nepenthes bicalcarata. Ảnh: berkeley.edu. |
Loài cây nắp ấm Nepenthes bicalcarata sinh trưởng trong những rừng đầm lầy trên Borneo – hòn đảo nằm ở phía tây Thái Bình Dương và thuộc quyền quản lý của Brunei, Malaysia và Indonesia. Những rừng đầm lầy trên đảo Borneo chứa nhiều than bùn, loại chất chứa ít chất dinh dưỡng. Giống như nhiều loài cây nắp ấm khác, một số lá của N. bicalcarata có hình dạng giống chén có nắp để bẫy côn trùng.
Nhưng thành lá hình chén của N. bicalcarata không trơn và không chứa loại dung dịch nhầy có khả năng phân hủy chất hữu cơ, dẫn tới giảm hiệu quả bắt mồi. Loài cây này tự tìm ra cách khắc phục khi “liên minh” với một loài kiến có tên Camponotus schmitzi. Kiến cư trú trên những tua xoắn dưới đáy lá hình chén và thưởng thức mật hoa trên vành lá, Livescience cho biết.
Đương nhiên, kiến cũng cung cấp một số “dịch vụ” để trả công cho cây. Chúng làm sạch vành lá hình chén và duy trì mức độ trơn để cây bắt mồi. Nếu mọt - kẻ thù của cây nắp ấm - bám vào cây để ăn lá, kiến sẽ tấn công chúng. Kiến ăn những phần thừa của những con mồi lớn mà cây không tiêu hóa hết. Ngoài ra, chúng còn ẩn nấp dưới vành lá và đồng loạt tấn công những con mồi muốn thoát ra khỏi bẫy. Phân của kiến là một loại phân bón rất tốt cho cây.
Kiến Camponotus schmitzi sống trong những tua xoắn bên dưới lá hình chén của cây nắp ấm. Ảnh: Newscientist. |
Trước đây một số nhà khoa học cho rằng kiến là bên hưởng lợi trong mối quan hệ cộng sinh với cây nắp ấm. Tuy nhiên, Vincent Bazile – một nhà sinh thái của Đại học Montpellier 2 tại Pháp – lại khẳng định cả hai bên đều có lợi. Ông cùng các đồng nghiệp đã so sánh những cây nắp ấm có kiến với những cây không có kiến. Kết quả cho thấy những cây có kiến sinh trưởng nhanh hơn.
“Kiến có vai trò quan trọng đối với sự sinh tồn của những cây mà chúng cộng sinh”, Bazile phát biểu. Ông cũng cho rằng nhờ kiến mà cây nắp ấm sinh ra những chiếc lá (cả lá thường và lá hình chén) to hơn. Lá của chúng cũng giàu nitơ hơn. Nitơ là dưỡng chất có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất DNA, protein và nhiều phân tử hữu cơ khác. Ngược lại, lá của những cây không có kiến lại thiếu dưỡng chất trầm trọng.
“Sự hợp tác giữa cây ăn thịt và kiến là sự thích nghi độc đáo và đáng chú ý trong thế giới động vật. Nó giúp thực vật sinh trưởng tốt trên đất nghèo dưỡng chất. Điều đó giúp chúng ta hiểu tại sao cây N. bicalcarata có vòng đời dài và phát triển mạnh. Chiều cao của chúng có thể lên tới 20 m, một con số kỷ lục đối với giống cây nắp ấm” Laurence Gaume, một nhà sinh thái của Đại học Montpellier 2, nhận định.
Minh Long