Ảnh chụp con cá mập sông Hằng cái dài 2,6 mét được chia sẻ trong nghiên cứu xuất bản hôm 6/3 trên tạp chí Fish Biology, theo IFL Science. Với kinh phí đến từ tổ chức Our Seas Foundation, nghiên cứu này là kết quả lấy mẫu vật cá mập cập bờ trong gần hai năm, trong đó các nhà khoa học chụp hình, phỏng vấn và đo kích thước cá mập đánh bắt và buôn bán ở bến tàu Sassoon Docks.
Giới nghiên cứu biết rất ít về cá mập sông Hằng (Glyphis gangeticus). Phần lớn hiểu biết về loài cá nước ngọt hiếm gặp này đến từ ba mẫu vật trong bảo tàng ở thế kỷ 19. Nằm trong nhóm cực kỳ nguy cấp, cá mập sông Hằng không xuất hiện suốt hơn một thập kỷ qua.
Nhóm nghiên cứu chụp hình con cá mập cái hồi tháng 2/2016. Họ nhận dạng nó dựa vào phần mõm tròn, đôi mắt nhỏ và đặc điểm vây chỉ có ở loài này. Tuy nhiên, họ không thể đo kích thước hoặc lấy mẫu mô do tốc độ giao dịch nhanh của ngư dân và nhà buôn tại chợ. Họ cũng không biết chắc địa điểm đánh bắt, nhưng suy đoán nơi đó có thể nằm dọc bờ đông bắc biển Arab.
Đây không chỉ là lần phát hiện cá mập sông Hằng đầu tiên sau hơn một thập kỷ, mà còn là quan sát thực địa đầu tiên cơ thể loài này. Những ghi chép khác đến từ 6 bộ xương hàm do ngư dân và thương gia Pakistan cung cấp.
"Có rất ít mẫu vật cá mập sông Hằng trên khắp thế giới. Tất cả thông tin chúng tôi có là dựa trên mẫu vật bảo tồn từ thế kỷ trước hoặc từ xương hàm tìm thấy ở những ngôi làng xa xôi", Rima Jabado, nhà sáng lập Dự án Vịnh Elasmo, chia sẻ.
Tình trạng phân bố và độ nguy cấp của cá mập sông Hằng rất khó xác định chính xác do thiếu mẫu vật. Các nhà nghiên cứu cho rằng chúng sống ở cả môi trường sông và biển vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự phát triển của con người.