Những hình vẽ bàn tay người trong hang động ở đảo Sulawesi, Indonesia, có niên đại cách đây 40.000 năm cho thấy châu Âu không phải là nơi sản sinh ra khả năng sáng tạo nghệ thuật trừu tượng của con người. Trước nay, các bức tranh có niên đại cổ như thế này chỉ được tìm thấy ở Tây Âu.
Theo AFP, các bức vẽ trên hang động được tạo ra bằng cách phun màu đỏ nhạt xung quanh bàn tay ấn mạnh vào thành hang và trần hang. Chúng được phát hiện cách đây 50 năm nhưng đến bây giờ nhóm khoa học thuộc Đại học Griffith và Wollongong, Australia, mới xác định niên đại của chúng.
"Hình vẽ bàn tay ít nhất cũng phải 39.000 năm tuổi và đây là vết in bàn tay cổ nhất trên thế giới. Bên cạnh đó là hình con lợn niên đại 35.400 năm tuổi, một trong những hình vẽ miêu tả cổ nhất thế giới", tiến sĩ Maxim Aubert từ Đại học Griffith, Australia, nói.
Ngoài ra, còn có một số bức vẽ khác trong hang với niên đại cách đây 27.000 năm. Điều này cho thấy người dân ở đây đã liên tục vẽ tranh trong hang suốt 13.000 năm.
Theo BBC, nghệ thuật và khả năng suy nghĩ về khái niệm trừu tượng chính là điều phân biệt giữa con người và các loài động vật khác. Khả năng này dẫn dắt con người tới việc dùng lửa, sáng tạo ra bánh xe và công nghệ giúp loài người thành công. Sự xuất hiện những bức tranh hang động đầu tiên này đánh dấu khoảnh khắc quan trọng khi giống loài chúng ta trở thành loài người thực sự.
Trong nhiều thập kỷ, chứng cứ duy nhất về nghệ thuật hang động là ở Tây Ban Nha và miền nam nước Pháp. Điều này dẫn đến việc giải thích về nguồn gốc phát triển nghệ thuật và khoa học chúng ta biết đến ngày nay bắt nguồn từ châu Âu.
"Khám phá các bức tranh có niên đại tương tự ở Indonesia đã phá vỡ quan điểm này, nó cho phép chúng ta rời khỏi quan điểm về sự bùng nổ sáng tạo tập trung đặc biệt ở châu Âu chứ không phát triển ở các nơi khác trên thế giới", Chris Stringer, giáo sư tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, nói.
Lê Hùng