Tác động của ô nhiễm không khí đến cơ thể người. Video: BBC.
Ô nhiễm không khí là mối đe dọa chung đối với cộng đồng, diễn ra không chỉ ở các thành phố có nhiều khói bụi như Bắc Kinh (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ) và Los Angeles (Mỹ), theo Huffington Post. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, khoảng 6,5 triệu người chết có liên quan đến ô nhiễm không khí hàng năm. Trung bình cứ 10 người trên thế giới thì có 9 người sống ở nơi không khí không đủ sạch cho sức khỏe của con người.
"Tình hình thực sự rất nghiêm trọng. Bạn không nên thở hít thở loại không khí có thể giết chết bạn", Maria Neira, giám đốc Cục Y tế Công cộng, Môi trường và Yếu tố xã hội về Sức khỏe của WHO, cho biết.
Đối với người dân ở nhiều nơi trên thế giới, việc chịu đựng ô nhiễm không khí là điều không thể tránh khỏi. Họ không thể di chuyển ra khỏi thành phố, nơi khói bụi phủ kín tới tận đường chân trời. Nhưng họ có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực.
Việc cố gắng không đi bộ hoặc tập thể dục dọc theo những đường phố đông đúc có thể giúp bạn tránh khỏi không khí ô nhiễm thải ra từ các phương tiện giao thông, Ed Avol, giáo sư y học dự phòng lâm sàng tại Đại học Southern California, Mỹ, cho biết.
Avol lưu ý rằng, vào thời điểm mức độ ô nhiễm không khí cao, nơi tốt nhất cho sức khỏe là ở trong nhà với một chiếc điều hòa không khí được trang bị bộ lọc. Bạn cũng nên hạn chế hoạt động để tránh thở gấp.
Trong những ngày nhiều khói bụi tại các thành phố như Bắc Kinh, khẩu trang thường không có hiệu quả chống ô nhiễm không khí, trừ khi chúng ôm khít quanh mũi và miệng. Khẩu trang y tế giá rẻ hoặc những "rào chắn" tạm thời như khăn tay ít có khả năng bảo vệ, do các chất ô nhiễm không khí có thể dễ dàng lọt qua mép của khẩu trang khi bạn hít vào. Bạn nên lựa chọn loại mặt nạ N95 để bảo vệ bản thân do chúng có đường viền ôm sát mũi và khuôn mặt. Khả năng lọc bụi của mặt nạ N95 khoảng 95%, nhưng nhược điểm của nó là khá đắt tiền.
Theo Neira, một loạt căn bệnh nguy hiểm bao gồm 36% ung thư phổi, 34% đột quỵ và 35% tắc nghẽn phổi mãn tính đều có liên quan đến ô nhiễm không khí. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ô nhiễm không khí làm tăng tỷ lệ hen suyễn và viêm phổi ở trẻ em, cũng như làm giảm trọng lượng của trẻ sơ sinh.
WHO đang thúc đẩy chính phủ của các quốc gia thực hiện cam kết của họ để khiến không khí sạch hơn. Chỉ số bụi PM2.5 trung bình hàng năm ở mức chấp nhận được theo tiêu chuẩn của WHO chỉ từ 20 - 25 microgram/m3, nhưng hiện nay 80% các thành phố trên thế giới đã vượt qua ngưỡng này.
Thu Thủy