Giáo sư, tiến sĩ toán học Ngô Bảo Châu. Ảnh: vnu.edu.vn. |
Time cho biết, vào năm 1979 nhà toán học Robert Langlands (quốc tịch Canada và Mỹ) phát triển một lý thuyết đầy tham vọng và mang tính cách mạng nhằm kết nối hai nhánh của toán học là hình học và số học. Nếu chứng minh được nó loài người sẽ gần như có được một cái nhìn thống nhất cho nhiều ngành của toán học hiện đại như số học, đại số và giải tích. Ngày nay người ta gọi lý thuyết ấy là “Chương trình Langlands”.
Langlands hiểu rằng chứng minh những giả định của ông sẽ là công việc của nhiều thế hệ. Nhưng ông tin rằng khi trở ngại đầu tiên – gọi là “bổ đề cơ bản” – bị chinh phục thì lý thuyết sẽ được chứng minh. Langlands cùng các cộng sự và sinh viên của ông đã chứng minh được những trường hợp đặc biệt của định lý cơ bản. Nhưng chứng minh trường hợp tổng quát là công việc khó hơn rất nhiều so với dự đoán của Langlands. Nó khó đến nỗi các nhà toán học phải chờ đợi tới 30 năm sau.
Trong nhiều năm qua giáo sư, tiến sĩ toán học Ngô Bảo Châu đã nỗ lực chứng minh "bổ đề cơ bản". Trên thực tế anh đã chứng minh được nó vào năm ngoái, nhưng để kiểm chứng gần 200 trang tài liệu của công trình, các nhà toán học phải mất gần một năm. Khi họ xác nhận chứng minh của Bảo Châu là đúng, giới toán học khắp thế giới đã thở phào nhẹ nhõm bởi từ đây "chương trình Langlands" sẽ bước sang một trang mới.
Những việc làm của bao nhà toán học trong lĩnh vực này trong suốt ba thập kỷ qua - dựa trên dự đoán rằng bổ đề cơ bản này là chính xác - bỗng nhiên được chứng minh là đúng đắn, Time bình luận.
Peter Sarnak, chuyên gia về lý thuyết số học của Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, ví von: "Giống như chuyện có những người làm việc ở tít bên kia sông đợi ai đó ở bờ đối diện bắc cho cây cầu. Rồi giờ đây, bỗng nhiên toàn bộ công sức của họ được công nhận".
Với việc chứng minh "bổ đề cơ bản", Ngô Bảo Châu là một trong những ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng toán học Fields (được xem như giải Nobel trong lĩnh vực toán học và chỉ dành cho người dưới 40 tuổi).
Ngô Bảo Châu (sinh năm 1972) từng học khối phổ thông chuyên toán của Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Nhà toán học trẻ là con của giáo sư, tiến sĩ Cơ học chất lỏng Ngô Huy Cẩn, Viện Cơ học Việt Nam, và phó giáo sư Trần Vân Hiền thuộc Viện Y học dân tộc.
Mùa hè 1988, anh tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại Australia và giành huy chương vàng. Mùa hè năm sau anh tiếp tục giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tại Đức. Cũng trong năm 1989 Châu sang Pháp để học tại Đại học Paris 6. Anh bảo vệ luận án tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại Đại học Sư phạm Paris - ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp. Năm 2003, ở tuổi 31, anh hoàn thành luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) tại Đại học Paris 11. Đầu năm sau anh trở thành giáo sư của đại học này.
Vào năm 2004 anh đã nhận giải thưởng nghiên cứu hàng năm của Viện Toán học Clay (Mỹ) dành cho những người đạt thành tựu xuất sắc nhất trong năm nhờ giải quyết một trường hợp đặc biệt của “chương trình Langlands”. Mỗi năm chỉ có 1-2 người được trao giải và Châu là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này.
Sau khi nhận giải thưởng Clay, anh được Viện nghiên cứu khoa học cao cấp tại Princeton (Mỹ) mời sang làm giáo sư. Viện này là nơi quy tụ của nhiều nhà toán học và nhà vật lý hàng đầu thế giới, trong đó nhiều người từng đoạt giải Nobel và giải Fields. Châu còn nhận được giải thưởng của Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach dành cho các nhà toán học trẻ châu Âu vào năm 2007 và giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp vào năm 2008.
Dù nghiên cứu và giảng dạy toán ở các trung tâm hàng đầu thế giới, GS. Ngô Bảo Châu vẫn giành thời gian đáng kể để tham gia giảng dạy và đào tạo toán học tại Việt Nam. Anh tham gia công tác hướng dẫn nghiên cứu và giảng dạy chuyên đề cho sinh viên ở Đại học khoa học tự nhiên và Đại học Sư phạm (Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 2005 Châu được đặc cách phong hàm giáo sư tại Việt Nam khi mới 33 tuổi, trở thành giáo sư trẻ nhất trong nước.
Minh Long
Bạn muốn chúc mừng Ngô Bảo Châu? Click vào dòng dưới đây nhé.