Giáo sư Ren phát biểu tại buổi họp báo. Video: Pear Video.
Giáo sư Ren Xiaoping, 56 tuổi, khẳng định ông và cộng sự hoàn thành "mô hình phẫu thuật đầu tiên" để ghép đầu người, không phải thực hiện ca mổ, People’s Daily China đưa tin. Ông đưa ra đính chính chỉ vài ngày sau khi giáo sư người Italy Sergio Canavero tuyên bố giáo sư Ren và cộng sự lần đầu tiên thực hiện thành công phẫu thuật ghép đầu người trên tử thi trong ca mổ kéo dài 18 tiếng.
"Gần đây, đội ngũ của chúng tôi đã đạt được một đột phá khoa học quan trọng. Đó là hoàn thành mô hình phẫu thuật đầu tiên để ghép đầu người", giáo sư Ren phát biểu trong buổi họp báo hôm 20/11 ở Đại học Y Cáp Nhĩ Tân.
Giáo sư Ren là người hướng dẫn luận văn và chuyên gia phẫu thuật được đào tạo tại Mỹ của Đại học Y Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang phía tây bắc Trung Quốc. Theo giáo sư Ren, nhóm của ông đã thiết kế "mô hình phẫu thuật tiền lâm sàng" trên thi thể của người mới qua đời. Họ tìm ra một dung dịch giúp tái tạo tủy sống, một vấn đề khó trong giới y khoa.
Tại buổi họp báo, giáo sư Ren cho biết nhóm của ông đã ghép thành công đầu của một con chó nhằm giải quyết vấn đề kết nối tủy sống bị cắt đứt và từng tiến hành phẫu thuật tương tự trên một con chuột.
Phương pháp ghép đầu ở chuột. Video: Next.
Nhà phẫu thuật cho biết tủy sống của con chó bị cắt đứt hoàn toàn trong suốt thí nghiệm, và nhóm của ông đã nối lại thành công phần cột sống với chiếc đầu mới sử dụng một hợp chất hóa học tên polyethylene glycol. Giáo sư Ren nói con chó có thể đi lại sau ca mổ hai tuần và chạy nhảy sau hai tháng. Sau một năm, kết quả thí nghiệm có vẻ khả quan. Nhưng ông cũng chia sẻ con chó trong thí nghiệm không thể hoạt động hoàn toàn bình thường như những con chó khác.
Khi một phóng viên yêu cầu nêu chi tiết quá trình nối lại cột sống, giáo sư Ren nói câu hỏi "quá chuyên sâu". "Tôi không phải là nhà hóa học hay dược sĩ, tôi là phẫu thuật viên", giáo sư Ren nhấn mạnh. Sau đó, ông kêu gọi các phóng viên đọc báo cáo về thí nghiệm trên tạp chí Surgical Neurology International.
Giáo sư Canavero trong buổi họp báo hôm 17/11. Video: Facebook.
Trong buổi họp báo hôm 17/11 ở Vienne, Áo, giáo sư Sergio Canavero, giám đốc tổ chức Turin Advanced Neuromodulation Group tuyên bố ca phẫu thuật ghép đầu người đầu tiên trên thế giới đã được giáo sư Ren thực hiện trên một tử thi ở Trung Quốc. Giáo sư Canavero cho biết trong quá trình kéo dài 18 tiếng, các chuyên gia đã chứng minh có thể nối lại thành công cột sống, dây thần kinh và mạch máu của phần đầu bị cắt lìa.
Ông cũng thông báo ca phẫu thuật tương tự trên người sống sẽ sớm diễn ra. Bước tiếp theo của cả nhóm là thực hiện hoán đổi đầu giữa những người hiến tạng chết não.
Trước tuyên bố của giáo sư Canavero, các chuyên gia y khoa hàng đầu thế giới cho rằng phẫu thuật ghép đầu vừa trái đạo lý vừa nguy hiểm. "Trừ khi Canavero hoặc Ren đưa ra bằng chứng thực sự họ có thể thực hiện ghép đầu, hay đúng hơn là toàn bộ cơ thể, trên một động vật lớn và con vật bình phục với đầy đủ chức năng và sống tốt hơn, nếu không toàn bộ kế hoạch này hoàn toàn sai trái về mặt đạo đức", James Fildes, nhà khoa học nghiên cứu cao cấp ở Trung tâm Cấy ghép, Bệnh viện Đại học Nam Manchester kiêm chuyên gia điều tra nghiên cứu ở Trung tâm cộng tác nghiên cứu truyền nhiễm Manchester của Đại học Manchester, khẳng định.
Valery Spiridonov, bệnh nhân bị teo cơ tủy tình nguyện tham gia ca ghép đầu đầu tiên. Video: Telegraph.
"Có thể đáng lo ngại hơn là nỗ lực này dường như xoay quanh sự bất tử. Nhưng trong mỗi trường hợp cần một cơ thể để cấy ghép, như thế một người cần phải chết để phục vụ quá trình phẫu thuật. Canavero định lấy cơ thể hiến tặng từ đâu nếu mục tiêu là thay đổi quy luật tự nhiên? Và cuối cùng, nếu ghép cơ thể trở thành hiện thực, liệu Canavero đã cân nhắc cách đối phó với hiện tượng đào thải các bộ phận thuộc phần đầu? Còn hiện tượng đào thải da, cơ bắp, mắt và bộ não thì sao? Tôi hy vọng điều này không chỉ một loại ngụy khoa học ích kỷ", Fildes nói.
"Quả thực, thử tiến hành loại phẫu thuật như vậy trong điều kiện hiện nay không không khác gì phạm tội. Là một nhà khoa học thần kinh, tôi muốn cam đoan với công chúng rằng tôi hay bất kỳ đồng nghiệp nào của tôi đều nghĩ chặt đầu người trong những thí nghiệm cực đoan khó thành công là không thể chấp nhận", Jan Schnupp, giáo sư khoa học thần kinh ở Đại học Oxford, chia sẻ.
Phương Hoa