Các nhà khảo cổ tìm thấy những dòng chữ ghi tên và số lượng của các đồ vật trong mộ trên 57 bản đá, trong đó có 7 bản ghi "những vũ khí mà Ngụy vương thường sử dụng". Ảnh: People's Daily. |
Ngày 27/12/2009, Cục quản lý di sản văn hóa Trung Quốc thông báo họ tìm thấy mộ của Tào Tháo tại thành phố cổ An Dương, tỉnh Hà Nam. Theo Nhân dân nhật báo, danh tính của Tào Tháo được xác định dựa trên những cơ sở dưới đây.
1. Ngôi mộ khá lớn với chiều dài gần 60 m. Ngăn đựng quan tài và cấu trúc của mộ rất giống những ngôi mộ dành cho các đế vương thời Hán và Ngụy. Điều này phù hợp với thân thế của Tào Tháo. Ngôi mộ không bị bịt kín bởi đất – phù hợp với mô tả “mộ của Tào Tháo không bị đất bịt kín và không có cây ở phía trên” trong nhiều tài liệu lịch sử.
2. Những chân dung tạc trên đá, văn bia và nhiều di vật khác trong mộ có những ký tự từ thời Hán và Ngụy.
3. Vị trí của ngôi mộ trùng khớp với vị trí mà nhiều tài liệu lịch sử ghi lại.
4. Tào Tháo căn dặn trong di chúc rằng ông không muốn được chôn cùng những trang sức quý giá và chỉ cần mặc quần áo bình thường. Những thứ mà các nhà khảo cổ tìm thấy trong mộ xác nhận điều này. Mặc dù diện tích mộ khá lớn, song nó được trang trí tương đối đơn giản: không có tranh tường, không có vũ khí, chỉ có một cột đá và những vật dụng bình thường để sử dụng hàng ngày.
5. Cột đá và văn bia được tạc dòng chữ “Vũ Hoàng Đế” – bằng chứng rõ ràng nhất về thân thế của người nằm trong mộ. Chúng ta đều biết Tào Tháo qua đời với tước “Ngụy Vương”. Sau khi ép vua Hán Hiến Đế nhường ngôi, Tào Phi – thế tử của Tào Tháo – truy tôn cha là Vũ Hoàng Đế.
6. Các nhà khảo cổ tìm thấy xương của một người đàn ông trong độ tuổi lục tuần. Theo nhiều tài liệu lịch sử, Tào Tháo mất ở tuổi 66.
Minh Long