Thứ năm, 7/12/2017, 15:54 (GMT+7)

Dolores Aveiro - người phụ nữ phủ bóng lên đời Ronaldo 

Sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng hình của một người phụ nữ. Với Cristiano Ronaldo, người ấy chính là mẹ anh.

Trong giới siêu sao bóng đá tự cổ chí kim, hiếm ai gắn bó mật thiết với mẹ như Ronaldo. Bà Dolores không chỉ tháp tùng con trai đến những sự kiện trang trọng, mà còn là người có tiếng nói quan trọng khi Ronaldo chuẩn bị đưa ra một quyết định nào đó. Vì thế, thông qua việc tìm hiểu thêm về cuộc đời bà Dolores và tình cảm với Ronaldo, người hâm mộ sẽ lý giải được phần nào thành công của siêu sao người Bồ Đào Nha.

Dolores vẫn sống cạnh Ronaldo ngay khi con trai đã bước vào tuổi "băm". Trong bộ phim tài liệu về Ronaldo phát hành năm ngoái, người xuất hiện nhiều thứ nhì sau nhân vật chính - Ronaldo - chính là người phụ nữ này. Bà chăm con trai cả của Ronaldo như một người mẹ chăm con, chứ không phải là bà nội chăm cháu.

Đấy cũng là người phụ nữ mà hơn hai mươi năm trước, đã để đứa con trai 12 tuổi của bà rời miền quê Madeira lên thủ đô Lisbon theo đuổi ước mơ làm cầu thủ chuyên nghiệp. Đấy là một quyết định xé lòng, nhưng Dolores vẫn chấp nhận, vì đó là phương án tốt nhất, thậm chí là duy nhất vào thời điểm ấy. Và giây phút Ronaldo trở gót rời đi, mang theo chiếc vali được bà sửa soạn rất kỹ đêm trước đó, Dolores thấy bà đứng trước một vòng lặp của cuộc đời. Bởi vì ngày Dolores còn nhỏ, bố của bà cũng rời bỏ gia đình mà đi. Khác chăng, trong chiếc vali ngày xưa ấy không có nỗi quan hoài hay niềm thương yêu - những điều mà bà đã ních chặt trong vali của cậu con trai Ronaldo.

Công chúng sẽ không bao giờ hiểu được Ronaldo nếu không nhìn lại cuộc đời của Dolores Aveiro.

Ronaldo và bà Dolores đã thoát thai ở cùng một chỗ: Funchal, thủ phủ của quần đảo Madeira hẻo lánh miền Tây Nam Bồ Đào Nha. Khi Ronaldo rời đó, Madeira chưa bao giờ có trong suy nghĩ của dân châu Âu khi lựa chọn địa điểm du lịch. Nói không quá lời, Ronaldo đã đặt Madeira lên bản đồ thế giới.

Bà Dolores có ảnh hưởng lớn hơn bất kỳ người phụ nữ nào khác trong 32 năm cuộc đời của Ronaldo.

Ronaldo chưa bao giờ quên nơi anh được sinh ra. Khi quyết định sáng lập chuỗi khách sạn mang tên CR7 vào năm 2016, anh chọn Madeira là nơi đặt viên gạch đầu tiên, sau đó mới mở tiếp tại Lisbon và Madrid. Anh có một căn nhà dọc bờ biển và xây một căn liền kề cho mẹ. Anh hào phóng quyên tiền cho các nạn nhân lũ lụt vào tháng 2/2010. Cơn lũ lịch sử năm đó khiến 40 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương. Cũng trong thời gian ấy, sau khi ghi bàn mở tỷ số trong trận Real Madrid thắng Villarreal 6-2, Ronaldo kéo chiếc áo đấu lên, lộ thông điệp ủng hộ Madeira trên tấm áo lót. Ngành du lịch tại quần đảo Madeira sang trang sau hôm ấy.

Tháng 12/2013, Ronaldo mở một bảo tàng mang tên anh. Bảo tàng ấy chứa gần 200 danh hiệu và huy chương vô địch các loại, hơn 30 quả bóng được các đồng đội ký tặng sau mỗi cú hat-trick, rồi cơ man những áo đấu, giày, vật lưu niệm và những bức ảnh. Bước vào bảo tàng, người ta như thấy lại một lược sử mang tên Cristiano Ronaldo. Hành động bày vẽ quá mức này từng bị tờ Daily Telegraph châm biếm vào tháng 5/2014: "Pele cần ba lần vô địch World Cup, 1.281 bàn và hơn 31 năm sự nghiệp trước khi suy nghĩ đến việc có nên làm bảo tàng mang tên mình hay không".

Trong những bức ảnh ấy, xuất hiện nhiều thứ nhì, sau nhân vật chính, vẫn là mẹ anh.

Bà Maria Dolores Aveiro chào đời trong thập niên 1950, khi cuộc sống trên đảo Madeira còn vô cùng chật vật. Anh trai bà ra đời trước đó một năm, nhưng phải đợi đến khi mẹ sinh em gái mới có tên để làm khai sinh một lượt cho... tiết kiệm.

Chặng đường đời của Dolores từ khi còn bé cho đến khi lấy chồng buồn nhiều hơn vui. Lên năm tuổi, cô bé chứng kiến mẹ qua đời vì trụy tim, bỏ lại bốn đứa con thơ dại, không tiền bạc, không tình thương, không nơi nương nựa. Là con gái lớn nhất trong nhà, Dolores đã sớm phải thay mẹ chăm hai em nhỏ.

Tuổi thơ khó khăn giúp bà Dolores hiểu được giá trị của cuộc sống và truyền lại ý chí vượt khó cho con trai. 

Bố của bọn trẻ, Jose Viveiro, chỉ chịu được vài tháng trước khi tống bốn anh chị em vào hai trại mồ côi tôn giáo khác nhau để đi lấy vợ mới. Dolores đêm nào cũng khóc, vì thương em, và vì đòn roi của những bà sơ già khó tính. Người cô bé chi chít vết bầm, vì roi luôn vụt xuống sau mỗi lỗi lầm rất nhỏ, chẳng hạn như đánh vần sai. Thỉnh thoảng, cô bé tìm cách trốn khỏi trại của mình để đi qua trại của hai em nhỏ, xem chúng có ổn không, rốt cục chỉ để thấy chúng cũng bầm dập tả tơi. Quá xót em, Dolores tìm cách để bố cứu mấy anh chị em ra khỏi đó.

Khi tìm gặp được bố, Dolores mới biết vợ mới của bố tên là Angela. Tên rõ thiên thần, nhưng bà này đẻ nhiều như thỏ... Bà đã có năm đứa con với chồng trước, và đang mang thai đứa thứ sáu với chồng mới. Và tất nhiên, ông Jose Viveiro từ chối phải nuôi thêm bốn đứa con trước cho đủ... một chục.

Dolores trở lại trại mồ côi, tiếp tục sống đời đòn roi, nhưng tâm thức cô bé đã có ý chí phản kháng. Năm Dolores chín tuổi, trại mồ côi gọi ông Jose Viveiro, yêu cầu ông rước những đứa con ngỗ ngược về nhà. Không còn cách nào khác, ông đành phải rước đám con riêng về nhà.

Thế là từ chỗ ăn đòn từ những bà sơ, Dolores chuyển sang ăn đòn từ kế mẫu. Bà Angela đánh con riêng của chồng bầm dập, đến mức chúng phải sợ bỏ chạy ra ngoài đường. Bụi đời ít lâu lại quay về, chúng lại bị bà cột vào chân bàn rồi... đánh tiếp. Kết quả của những trận đòn roi là chứng trầm cảm từ sớm.

Căn nhà của cặp vợ chồng làm công Jose - Angela không có điện nước, nay lại phải nuôi đến 12 miệng ăn. Kết quả là Dolores phải bỏ học ở tuổi 13 để đi làm. Bà phải đan những cái giỏ bằng liễu gai phục vụ cho mùa gặt. Công việc bắt đầu lúc 5h30 sáng và kết thúc lúc 20h tối, đều đặn sáu ngày mỗi tuần.

Bất chấp vô vàn cơ cực từng trải qua, bà Dolores luôn nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh lạc quan. 

Phải đến tận năm 18 tuổi, Dolores mới bắt đầu gặp được một người tốt.

Đấy là một cậu trai làng, Jose Dinis Aveiro, lớn hơn Dolores hai tuổi, là dân buôn cá. Họ chạm mặt lần đầu khi nàng đang đi chợ. Chàng làm nàng bật cười ngay câu đầu tiên. Với Dolores, được cười thôi đã là một hạnh phúc lớn lao. Và nàng mau chóng rung động với chàng trai đôi mươi ấy, phong trần, rắn rỏi và đầy sức sống. Rồi cha nàng cũng phát hiện ra tình yêu ấy. Dolores cứ ngỡ mình sẽ bị đòn roi nhưng không, ông thúc gã trai làng cùng tên Jose với mình cưới gấp để đỡ một miệng ăn.

Ở làng quê, nói cưới... là cưới ngay. Dolores từ biệt các em dọn về ở chung với nhà chồng. Điểm tích cực: chú rể là con một nên Dolores cũng không đến mức khổ sở vì "sống chung với mẹ chồng". Điểm tiêu cực: nhà chú rể cũng nghèo rớt mồng tơi. Bố mẹ chồng, con trai và con dâu phải chen chúc ngủ chung một phòng, ngăn bởi một bức màn tạm bợ.

Hai vợ chồng cứ thế mà hồn nhiên sống trên đảo, làm gì có kế hoạch nào cho tương lai. Trời sinh voi sinh cỏ, đã cưới là phải... đẻ. Một năm sau ngày cưới, họ có đứa con gái đầu, đặt tên là Elma. Đứa đầu còn đang  bú, Dolores đã có bầu đứa thứ nhì. Nhưng Dinis vẫn vui vẻ, chàng nói cứ đẻ, không có cơm thì... ăn cá. Dân đánh cá chuyên nghiệp lại không thể nuôi nổi bầy con sao?

Dù vậy, niềm vui chẳng kéo dài lâu, khi Dinis bị gọi đi nghĩa vụ quân sự. Angola, Guinea Xích Đạo và Mozambique, những thuộc địa của Bồ Đào Nha vào thời điểm ấy, đồng loạt nổi dậy đấu tranh giành độc lập. Trong lúc Dinis lặn ngụp với những giao thông hào ở châu Phi, thì ở Madeira, đứa con trai Hugo của hai người cất tiếng khóc chào đời.

Bồ Đào Nha thất bại trong việc tái lập sự thống trị ở châu Phi, và ông Dinis được giải ngũ sau chưa đầy một năm chiến đấu. Dẫu vậy, con người lạc quan, tin yêu của Dinis đã để lại châu Phi. Ông không còn cười nữa, và chìm đắm trong men rượu. Dolores đón chồng về, ngỡ như chồng đã già đi mười tuổi. Dinis liên tục mơ thấy ác mộng, vì ông đã trải nghiệm những hãi hùng và phi nghĩa của chiến tranh. Dinis chứng kiến đồng đội chết trên tay, kẻ thù chết dưới họng súng của ông và những máu thịt bầy nhầy vì dẫm phải mìn. Dinis đã đếm từng ngày để được trở về bên vợ con, cho đến khi ông không còn thiết tha với thứ gì trên đời nữa. Dolores tiễn người đàn ông của cô hăng hái bước vào cuộc chiến, nhưng đón về một cái xác không hồn.

Ý chí vượt khó, tình yêu thương chồng con là sức mạnh giúp bà Dolores vượt qua những cơ cực, để cáng đáng cả đại gia đình, cho đến khi Ronaldo lập nghiệp, thành danh và giàu có. 

Ông Dinis không làm việc nữa. Những gì ông làm trong một ngày là nghe đài và uống rượu. Bà Dolores nuôi hai con nhỏ, nuôi nốt luôn người chồng đang chất chứa nỗi buồn chiến tranh. 

Nhà bốn miệng ăn, nhưng chỉ mình bà làm việc. Hugo vừa dứt sữa, bà gửi lại hai con cho chồng, một thân một mình sang Pháp kiếm việc làm để trang trải cuộc sống. Bà được một gia đình trung lưu nhận vào làm thuê ở Paris và dự định khi đủ tiền sẽ mang cả nhà sang đây. Nhưng chỉ sau năm tháng, bà chịu hết nổi vì nhớ chồng, nhớ con. Trong cuộc điện thoại về nhà, bà đã nói: "Trời sinh chúng ta ra nghèo khó, vậy thì chúng ta sẽ nghèo khó, miễn là sống cạnh người mình yêu thương".

Khi Dolores trở lại Madeira, tiếp tục cam phận nghèo, bà mới 22 tuổi! Nghèo thì nghèo mà... đẻ vẫn đẻ. Vừa gặp lại chồng, bà mang thai đứa thứ ba, Katia.

Kết thúc chế độ độc tài Salazar năm 1974, dân nghèo dễ thở hơn một chút. Dolores và gia đình dọn vào trong một căn nhà vô chủ, dù kinh tế thì vẫn vô cùng chật vật. Bà tiếp tục sống cảnh "nuôi đủ ba con với một chồng" đến năm 30 tuổi thì... có bầu đứa thứ tư.

Vấn đề là bà đã quyết định ngưng đẻ từ tám năm về trước. Nhưng sơ sảy thế nào lại có đứa thứ tư ngoài ý muốn. Bà vẫn đang là lao động chính trong nhà, cuộc sống thì ngày càng chật vật. Nên bà nói với chồng ý định phá thai.

Cậu bé Ronaldo chào đời ngoài mong muốn của bà Dolores, và ông chồng Dinis

Trên thực tế, bà Dolores đã cố trục cái thai ra một lần. Không có tiền đi bác sĩ, bà nghe lời một hàng xóm: nấu bia đen sôi lên và uống cho thật no, sau đó... chạy đến khi nào gần xỉu thì thôi.

Một tháng sau, cái thai vẫn ở đó.

Bà đến cầu cứu, bác sĩ cương quyết không giúp. Ông nói thai rất khỏe, xưa nay trên đảo cứ bầu là đẻ, ai lại đi phá. "Nó ra đời, nhà cô sẽ khá lên cho coi", người bác sĩ nói. Cũng vị này sau đó đỡ đẻ miễn phí cho Dolores. Khi ẵm đứa bé trao lại cho Dolores, ông nói: "Đạp kinh đấy, sau này, không chừng nó làm cầu thủ cũng nên!"

Dolores đặt tên cho đứa con đó là Ronaldo, theo tên vị Tổng thống Mỹ nổi tiếng đẹp trai mà bà hâm mộ lúc ấy: Ronald Reagan.

Cristiano Ronaldo dos Santos Aveiro đã chào đời vào ngày 5/2/1985

Ronaldo suýt nữa chào đời ở Australia. Vì người ông ngoại vô tình của anh - Jose Viveiro, đã cùng bạn bè sang Australia định cư. Bà Dolores xin bố cho gia đình mình đi theo. Và câu trả lời của ông Jose Viveiro là... không đủ chỗ, cứ như Australia đất chật, người đông lắm không bằng. Hai vợ chồng Jose - Angela sống ở Yangebup - một vùng quê ở Australia - đến hết đời. Nhưng năm năm cuối đời, có một người chu toàn cho họ, mua nhà, mua vé cho họ về thăm quê, mang họ đến Đức xem World Cup 2006. Người đó không phải là con ruột của họ mà là đứa cháu ngoại: Cristiano Ronaldo.

Bà Dolores chưa bao giờ quên người cha bạc tình của mình.

Ronaldo cũng chưa bao giờ quên máu mủ. Anh sớm nhận được bài học từ mẹ: có thể nghèo đói, khổ sở, nhưng không được quên gia đình.

Ronaldo lớn lên cùng niềm đam mê chơi bóng, và mang theo giấc mơ vượt nghèo của cả đại gia đình. 

Để có tiền nuôi Ronaldo, Elma và Hugo phải bỏ học từ sớm và đi làm kiếm tiền. Elma làm lễ tân ở khách sạn, Hugo làm cho một công ty nhôm lúc mới 15, 16 tuổi. Bà Dolores cũng thay đổi dụng cụ lao động từ giỏ liễu gai sang... muỗng nĩa. Vì bà được nhận vào làm phụ bếp tại khách sạn Funchal. Dẫu vậy, tiền bạc vẫn đếm từng đồng, và cơm ăn vẫn đong từng bữa.

Ronaldo luôn thích những ngày Chủ nhật đầu và giữa tháng. Vì cứ hai tuần một lần, cậu được ăn cơm với thịt. Họ không bao giờ phải mua quần áo. Ronaldo mặc đồ cũ, đã chật của Hugo, và gia đình thỉnh thoảng vẫn nhận được đồ cứu trợ, một kiểu "xóa đói giảm nghèo" ở địa phương.

Rồi gia đình dời lên Quinta do Falcao, một ngôi làng gần nghĩa trang San Antonio, và được cấp nhà xã hội. Đám trẻ lớn lên trên đường phố và chơi bóng ở đó. Và từ những mảnh đất lồi lõm nơi đó, Ronaldo đã chơi thứ bóng đá sơ khởi nhất trong đời. Cậu là đứa trẻ duy nhất có tuổi thơ trong gia đình. Cậu chưa bao giờ bị ép phải bỏ học, chưa bao giờ bị ép phải đi làm kiếm tiền. Bà Dolores luôn mặc cảm vì từng muốn bỏ đứa con này, nên dốc lòng chu toàn cho nó.

Để Ronaldo một mình lên Lisbon theo đuổi giấc mơ bóng đá là nỗi đau của bà Dolores. 

Năm 12 tuổi, Ronaldo nhận được đề nghị thử việc ở lò đào tạo trẻ Lisbon. Cậu bé về hỏi mẹ, và mẹ bảo cậu hãy đi. Và đã đi thì phải đi một mình. Dolores biết bà không thể bảo bọc đứa con út lâu hơn nữa. Và bà phải để cho Ronaldo sống ước mơ của đời nó. Ba anh chị của Ronaldo là Hugo, Elma và Katia đều phải sống đời bươn chải từ sớm, cũng giống như mẹ chúng. Cho đến khi Ronaldo lần đầu tiên đá một quả bóng đi ở tuổi lên bốn, cậu bé không rời xa quả bóng nữa. Lần đầu tiên trong đời, bà Dolores nhìn thấy ước mơ. Đó là ước mơ của cậu con trai, được trở thành cầu thủ, như những người hùng trên màn ảnh của nó. Ông Dinis sau bao nhiêu ủ dột rốt cục cũng rời khỏi những quán rượu mà ra chơi bóng với con trai, vì thuở còn trẻ ông cũng từng mê bóng đá.

Và bà Dolores quyết tâm phải để cho con trai tự biến giấc mơ ấy thành sự thật. Bà luôn dặn nó: không bao giờ được ruồng bỏ gia đình, vì mọi người đã hy sinh giấc mơ riêng để cùng nuôi giấc mơ cho cậu. Không bao giờ từ bỏ Madeira, vì đó là nơi chôn nhau cắt rốn. Và cuối cùng, không bao giờ được từ bỏ giấc mơ, vì nó là khởi nguồn của những điều tốt đẹp.

Một đoạn phim tài liệu ghi lại cảnh Ronaldo ốm nhom, mặc chiếc áo Sporting Lisbon, nhìn vào ống kính và nói: "Con muốn trở thành cầu thủ hay nhất Bồ Đào Nha".

Bà Dolores bật cười phía sau, Ronaldo nghe mẹ cười, quay lại: "Không, con muốn thành cầu thủ hay nhất thế giới".

Thời gian vút đi. Ronaldo của hôm nay đã là cầu thủ kiếm tiền nhiều nhất, có CĐV đông nhất. Anh thay người tình như thay áo, sinh con nhiều đúng kiểu dân Madeira. Nhưng anh vẫn là đứa con của mẹ Dolores.

Ronaldo từng suýt chút nữa không có mặt trên đời. Nhưng không có Dolores, anh có lẽ cũng không bao giờ được SỐNG như ngày hôm nay, theo nghĩa trọn vẹn nhất của từ này!

Mấy chục năm trước, bà Dolores nở nụ cười hạnh phúc hiếm hoi trong đời khi gặp người đàn ông của đời bà - Dinis Aveiro. Một đời khổ ải trầm luân, giờ bà lại hạnh phúc bởi một người đàn ông khác. Người đàn ông ấy sẵn sàng "đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười" như lời thơ năm nào của Trần Trung Đạo: 

Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương
.

Hoài Thương