Pirlo được gọi là "triết gia", vì cách chơi của anh toát lên sự thông thái của một người chơi bóng bằng đầu. Ngay nhan đề cuốn tự truyện của anh đã cho thấy điều đó: "Tôi tư duy, do đó tôi chơi bóng". Pirlo rất ghét những ai mang định kiến "cầu thủ là một lũ đầu đất". Anh tin những cầu thủ giỏi nhất là những cầu thủ thông minh nhất, vì đôi chân chỉ là công cụ thực hiện ý tưởng của bộ não. Pep Guardiola, một HLV cũng mang biệt danh "triết gia", từng cố mua Pirlo khi còn dẫn dắt Barca.
Pirlo thần tượng nhất trên đời hai người: Lothar Matthaus và Roberto Baggio. Anh gọi cái ngày xin được chữ ký của Matthaus tại sân tập Viareggio là "ngày hạnh phúc nhất trong đời". Anh treo hai tấm poster cỡ lớn của Matthaus và Baggio choán hết cả bức tường. "Tôi đâu cần thêm vị thần nào trên đỉnh Olympus của riêng mình. Hai vị đã là quá đủ", anh lý giải.
Matthaus là một libero, trong khi Baggio đá như một số 10. Còn Pirlo? Anh đá ở... trung điểm của hai vị trí ấy. Pirlo là libero của hàng tiền vệ, nhưng lại là số 10 của hàng hậu vệ. Trước Pirlo, bóng đá chưa từng biết đến khái niệm "tiền vệ kiến thiết lùi sâu". Sau Pirlo, cả thế giới bóng đá phải thừa nhận vị trí ấy là một cuộc cách mạng, góp phần đưa AC Milan và Carlo Ancelotti lên đỉnh cao.
Pirlo có cái tài hoa trác tuyệt của Baggio, nhưng cũng có tinh thần chiến binh của Matthaus. Thống kê thời còn ở Juventus cho thấy anh luôn là cầu thủ chạy nhiều thứ nhì trong đội (trung bình mỗi trận hơn 11 km), chỉ kém mỗi... Arturo Vidal, dù khi ấy anh đã ngoài 30 tuổi.
Và Pirlo không bao giờ để áp lực làm cho bản thân suy sụp. Chân anh vẫn ngoan, dáng chạy vẫn khoan thai, mắt vẫn nhắm hờ như có thể ngủ ngay nếu trước mặt là một cái giường. Đấy là tinh thần chiến binh bất khuất, ẩn sau một vẻ ngoài ẻo lả tạo cảm giác chỉ cần một ngọn gió nhẹ cũng có thể thổi bay.
Nhưng trong con người hào hoa, trầm mặc ấy lại là một tâm hồn rất trẻ con. Anh là "siêu quậy" thời còn ở AC Milan, thường xuyên chọc cho người đồng đội Gennaro Gattuso phải điên lên. Anh bảo Play Station là phát minh vĩ đại nhất của loài người, chỉ sau bánh xe. Anh đã chơi hàng nghìn trận đấu trên trò chơi điện tử này. "Chí ít nó phải gấp bốn số trận đấu mà tôi tham gia ngoài đời", Pirlo từng nói.
Đối thủ đá Play Station yêu thích nhất của anh là Alessandro Nesta. Có lúc Pirlo ăn, có lúc thua, nhưng anh chơi cũng hết mình như khi đá bóng. Anh đập tay điều khiển, chê Nesta "ăn hên" mỗi khi thất trận, ép Nesta phải đá lại để rồi... thua tiếp. Đêm trước ngày diễn ra trận chung kết World Cup 2006, Pirlo vẫn chơi Play Station miệt mài và hôm sau đá một trận để đời, giúp tuyển Italy lên đỉnh thế giới.
Pirlo đã trải qua một chặng đường phi thường. Như Baggio, anh là cầu thủ hiếm hoi khoác áo cả ba đội bóng lớn nhất Italy: Inter Milan, AC Milan và Juventus. Cũng như Baggio, anh cũng có những giấc mơ dở dang, những vết thương không bao giờ liền da. Nhưng nếu Baggio tìm được chốn an bình nơi tôn giáo, Pirlo cũng tìm thấy sự an ủi ở thứ tôn giáo của riêng mình - tôn giáo của sự tử tế.
Trong chương cuối cùng của cuốn tự truyện, Pirlo viết mỗi sáng thức dậy soi gương, anh thấy một gã đàn ông với nhan sắc trung bình đang nhìn lại mình, nhưng trong ánh mắt của gã trai ấy lại ánh lên sự tự hào, của một kẻ đã hết lòng với từng giây, từng phút gã đã sống trong đời.
Pirlo trung thành với mọi màu áo mà anh mặc trên người. Với đội tuyển Italy, sự trung thành ấy còn thiêng liêng hơn. Pirlo xem màu áo thiên thanh như màu da của bản thân, xem các thành viên của đội tuyển như những chú Xì Trum, với làn da xanh và nụ cười hạnh phúc.
Khi AC Milan quyết định không ký tiếp với Pirlo, phó Chủ tịch CLB thời điểm ấy Adriano Galliani tặng anh một cây viết. Ông còn dặn Pirlo: "Chớ dùng nó mà ký với Juventus".
Câu trả lời là Pirlo làm đúng cái điều mà Galliani và các milanista sợ nhất. Anh không chỉ ký hợp đồng với Juventus, mà còn viết tiếp một chương mới trong đời. Cùng với Antonio Conte, Pirlo đưa Juventus trở lại vị trí vốn có của họ - Chúa tể của Serie A, gián tiếp đẩy AC Milan vào một cuộc suy thoái mà đến tận hôm nay vẫn chưa thể gượng dậy. Con người chiến binh của Pirlo luôn thôi thúc anh làm những điều khó khăn nhất.
Nhưng rồi ở tận cùng của chặng chinh phục ấy, Pirlo lại dính thêm một đòn chí tử: thất bại trong trận chung kết Champions League 2015 trước Barcelona, đội bóng mà anh luôn chọn khi chơi Play Station.
Vết thương sau mỗi thất bại, với Pirlo, cắt sâu hơn dao kiếm. Anh rất ghét những ai gọi chức vô địch Champions League 2007 là sự đền bù cho thất bại 2005 trước Liverpool. Bởi không ai có thể đền bù cho anh những đêm dài mất ngủ, những ngày tháng chán đời đến chẳng còn thiết tha làm gì nữa. Năm 2005 ấy, anh định giã từ luôn sự nghiệp. Anh gọi Istanbul là "một cuộc tự sát tập thể", anh nói loạt sút luân lưu ấy là "những vết đạn ghim thẳng vào người, mãi không bao giờ lấy ra được nữa. Để rồi đôi lúc nó lại khiến tôi đau nhói, cứ như mới diễn ra hôm qua".
Cảm giác chết ở ngưỡng cửa thiên đường, khi trong đầu đã vạch ra những kế hoạch mừng công, với Pirlo, thật khủng khiếp. Và hai trận chung kết Champions League thất bại là hai lần Pirlo ngồi trong phòng thay quần áo, có cảm tưởng như hàng thế kỷ đã trôi qua, có cảm giác anh và các đồng đội như những gã thây ma khát máu, nhưng đã hút sạch đến giọt máu cuối cùng của bản thân.
Vì thế, sau khi thua Barca ở chung kết Champions League 2015, tròn 10 năm sau "hội chứng Istanbul", Pirlo đã chịu không nổi. Anh phải rời bỏ châu Âu để sang Mỹ, cố đá nốt những tháng năm cuối cùng trong sự nghiệp, tránh xa báo chí châu Âu, tránh xa những sân cỏ có thể làm anh nhớ lại vết thương cũ. Juventus muốn anh ở lại thêm một năm, nhưng anh biết đấy sẽ là một năm mệt mỏi và lo âu, khi anh luôn phải nghĩ đến cách trở lại trận chung kết Champions League lần nữa.
Nhưng một tháng trước khi tuyên bố giải nghệ, Pirlo nói thật lòng với Fox Sports rằng anh nhớ bầu không khí Champions League, và nhớ chính anh của ngày xưa. Trong những ngày tháng buồn bã nhất, Pirlo bảo anh luôn nhớ về những kỷ niệm đẹp nhất để tự làm anh thư giãn.
Và những lúc ấy, với ly vang trên tay, Pirlo luôn thấy anh trèo vào trong một thùng gỗ sồi đầy nho, chân trần, giẫm lên đám nho, nước nho thấm đầy lên chân anh. Rồi trong động tác giẫm nho như nhảy múa ấy, Pirlo thấy anh trở lại nông trại của bà nội, phụ bà hái nho để cùng gia đình cho ra đời món aperitivo nổi tiếng nhất ở Brescia. Cậu bé Pirlo đã thử rượu từ sớm, nhưng để rồi anh nhận ra men rượu nồng nàn hay men tình ngây ngất với những nàng thơ cũng không sánh nổi với một thứ men đặc biệt: men chiến thắng.
Cả đời Pirlo đã đuổi theo thứ men ấy. Một con người từng nói ghi một bàn sướng hơn cực khoái trên giường (vì cực khoái thì được có vài giây, còn ghi bàn sướng hết cả tuần) nay phải dừng bước. Rượu và tình ái là những thứ sa ngã của đời người, Pirlo đã vượt qua được. Nhưng anh vượt qua cơn nghiện men chiến thắng thế nào được đây? Pirlo giải nghệ, vì anh biết rõ một điều: thứ hạnh phúc đích thực của đời anh đã ở lại châu Âu từ tận hai năm trước rồi, trong trận chung kết ở Berlin.
Cái đêm Juventus thua Barca 1-3 ở Berlin, có một bức tường khác đã sụp đổ, bức tường mà Pirlo đã dựng lên để ngăn tuổi già ập đến. Và trong cái đêm Berlin đó, bức tường ấy sập xuống, và triết gia ngái ngủ đã chết trầm ngâm, dù máu chưa kịp chảy!
Hoài Thương