Ví dụ như Brad bạn tôi, cũng người Australia, còn độc thân và đến Việt Nam để học tiếng Việt. Anh miệt mài hẹn hò với các cô gái Việt gần một năm qua.
Anh có bạn gái cũ là Việt kiều. Cô ấy vừa xinh đẹp vừa thông minh, nhưng lại chia tay Brad vì “tính cách quá nghiêm túc”. Ở Việt Nam, anh từng hẹn hò với một cô tên Dung. Dung hỏi thẳng rằng anh đã sẵn sàng yên bề gia thất chưa. Brad không hẹn lại cô vì thấy câu hỏi hơi vô duyên. Anh hẹn lần hai với một cô tên Hạnh. Cô ấy không hỏi anh gì cả, cô ấy bận nghịch điện thoại.
Không biết Brad sẽ có duyên hơn với cô nào tên Công hay Ngôn không nên mới đây tôi giới thiệu anh với một bạn của tôi tên Trang xem thế nào.
Sau gần một năm ở Việt Nam, Brad nói anh chỉ gặp hai kiểu cô gái Việt. Thứ nhất, những cô chỉ sẵn sàng đi cà phê nếu anh hứa yêu cô ta mãi mãi. Thứ hai, những cô sẵn sàng lên giường ngay với điều kiện anh đưa cho cô ta hai tờ 100 USD nóng hổi. Cũng có thể anh ấy đã la cà ở đường Bùi Viện hơi nhiều nên gặp các cô này. Song tôi biết chắc, sẽ chẳng có cô nào trong các cô trên “lừa” được bạn tôi. Tôi cũng chắc một điều nữa, bạn tôi khá buồn về chuyện này.
Vấn đề của Brad là chuyện nhỏ, nhưng vấn đề của Việt Nam thì lại khác. Một trong những thay đổi lớn đang diễn ra trong xã hội là mối quan hệ với “trai Tây” không chỉ là hiện tượng cá biệt của một số cô gái, mà đã trở thành phong trào. Hình ảnh một vài ca sĩ, diễn viên cưới chồng Tây rồi sinh ra những đứa con lai siêu dễ thương luôn thu hút sự chú ý trên mạng. Một số chương trình truyền hình giới thiệu anh chồng Tây biết nói tiếng Việt cùng cô vợ trẻ đẹp lập tức trở thành hiện tượng. Ở ngoài đường, các cặp “Tây - Ta" nắm tay xuống phố luôn có những ánh mắt dõi theo.
Tỷ lệ công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài có xu hướng tăng lên những năm gần đây. Đại đa số công dân Việt Nam kết hôn có yếu tố nước ngoài là phụ nữ, theo thống kê từ Bộ Tư pháp. Toàn cầu hoá đã kéo theo nhiều mối quan hệ xã hội vượt ranh giới quốc gia. Hôn nhân quốc tế trở thành xu hướng mới ở khu vực châu Á. Tại Việt Nam, “lấy chồng nước ngoài” đã trở thành một cụm từ quen thuộc.
Nhưng hiện tượng nào cũng có mặt trái. Song song với lời xì xầm tán tụng, có không ít bài báo khui ra thói hư tật xấu của các chàng Tây. Trên mạng xã hội có hàng chục nhóm kín dành cho cả hai “phe phái". Gái Việt bị thất tình vì trai Tây thì tham gia nhóm “bóc phốt” tố giác kể lể. Trai Tây có trải nghiệm tệ hại với gái Việt thì vào nhóm riêng sốt sắng ném đá. Khá nhiều người, cả gái Việt lẫn trai Tây bày tỏ cảm giác bị đối phương lừa đảo hoặc bị cư xử quá tệ.
Cái đáng ghét thứ nhất mà phe Việt thấy ở phe Tây là họ không chỉ hẹn hò với một cô gái, đôi khi còn xem hẹn hò như mối quan hệ ngắn hạn. Một “trọng tội” khác của trai Tây là quá thoáng với “chuyện ấy”. Vấn đề xảy ra khi nhiều cô gái Việt hẹn hò trai Tây rồi phát hiện ra chàng ta đang có vài bạn hẹn nữa, và hiển nhiên mặc định gã đó là kẻ lừa đảo. Khái niệm “lừa đảo” trải rộng từ lời tỏ tình đầy tính toán cho tới mối quan hệ tưởng như vững chắc bị chấm dứt trong im lặng sau những ngày nghỉ nồng cháy ở resort năm sao.
Trong khi đó, trai Tây lại ca thán chuyện tiền bạc. Một số đồng hương của tôi cho rằng phân nửa các cô gái muốn quen trai Tây chỉ để gia đình họ được ngồi mát ăn bát vàng hay có quốc tịch Australia, vừa cho mình vừa cho “ông anh họ” mà đúng ra là anh người yêu thật.
Nếu trước đây ta chỉ lựa chọn bạn đời từ số ít người cùng quê thì ngày nay sự lựa chọn gần như vô hạn. Nếu trước đây bản chất một mối quan hệ được văn hoá định vị rõ thì hiện giờ nó không còn ổn định nữa. Khi bạn có khả năng giao tiếp tiếng Anh khá và biết sử dụng internet thì việc yêu hay cưới một người hoàn toàn xa lạ không còn là nhiệm vụ bất khả thi. Vấn đề là văn hóa và cách suy nghĩ của con người thay đổi chậm hơn thị hiếu, thời trang và ứng dụng công nghệ. Và vì hai người đến từ hai bờ đại dương sẽ có nền văn hóa và cách suy nghĩ khác nhau, nếu không nói là mâu thuẫn, nên việc họ nhanh chóng rơi vào những tình huống nan giải cũng là điều dễ xảy ra. Xin lưu ý đó không phải là vấn đề riêng Việt Nam mới có mà các quốc gia tham gia vào quá trình toàn cầu hóa đều đối mặt.
Dù số lượng phụ nữ Việt có quan hệ tình cảm với đàn ông nước ngoài không có xu hướng giảm, thì nhiều dấu hiệu cho thấy tỷ lệ vỡ mộng đang tăng. Hai năm trước, đại diện Sở giáo dục tỉnh Hậu Giang thừa nhận “số trẻ con lai về nước tăng đột biến”. Tỉnh này vốn có số lượng kết hôn với người nước ngoài cao, như nhiều địa phương ĐBSCL khác.
Tôi không phủ nhận chuyện một số gái Việt thực sự bị trai Tây lừa đảo cũng như một số trai Tây bị các cô gái địa phương “đưa vào tròng”. Cái tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, những hiểu lầm xuyên văn hoá khiến nhiều người có cảm giác bị lừa là có thật khi họ chưa nhận thức hết những tình huống phức tạp khi bước chân lên sân khấu tình yêu toàn cầu. Cả hai phe đều có những lúc tự lừa dối mình khi cho rằng mối quan hệ xuyên văn hoá lại đơn giản hơn các mối quan hệ truyền thống.
Sự thật là, các mối quan hệ người - người chưa bao giờ đơn giản. Dù với trai, gái Tây hay trai, gái Việt, hạnh phúc chỉ đến khi cả hai bên dành thời gian để tìm hiểu nhau với sự vô tư không vụ lợi, chân thành và cầu tiến.
Cameron Shingleton