Tháng 3/2004, tôi được phân công theo dõi phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Lã Thị Kim Oanh và đồng phạm. Khi đó, “Lã Thị Kim Oanh và đồng phạm” là một vụ án gây xôn xao dư luận. Không chỉ vì trong vụ án đó có hai nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp là Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thiện Luân và hai vụ trưởng cùng bị xét xử, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ phải ra tòa đối chất; không chỉ vì số tiền hàng trăm tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD được nêu lên trong vụ án; mà còn vì bị cáo đầu vụ - Lã Thị Kim Oanh, nguyên giám đốc một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp từng được coi là người có quan hệ "khủng" cả với các quan chức lẫn báo chí.
Tôi từng chứng kiến bà Oanh thân mật với quan chức cấp cao hơn hai bị cáo cùng vụ án. Tôi cũng từng thấy có nhà báo được bà Oanh cho phong bì tiền triệu - một số tiền khá lớn hồi đó.
Nhưng khi ra tòa, trong bộ quần áo sọc, tay bị còng, bị cáo Lã Thị Kim Oanh tỏ ra lóng ngóng trước vành móng ngựa. Sự sắc sảo của người đàn bà từng khuynh đảo Bộ Nông nghiệp cũng bị giảm bớt. Cho đến khi luật sư Nguyễn Trọng Tỵ đề nghị tháo còng cho bà Oanh: khi được tháo còng, người đàn bà gần 50 tuổi khẽ xoa tay, xúc động cảm ơn hội đồng xét xử.
Việc còng tay bị cáo một thời là hình thức mang tính trấn áp và đầy tính thị uy của những người bảo vệ phiên tòa. Từ một bị cáo phạm trọng tội như giết người, cướp của hay phạm tội kinh tế như Lã Thị Kim Oanh, mọi bị cáo đều được coi là nguy hiểm như nhau. Tất thảy đều bị còng tay, đôi lúc xích chân. Đối với những bị cáo nữ như Lã Thị Kim Oanh, việc còng tay không chỉ gây sức ép về tinh thần mà còn ảnh hưởng đến thể chất.
Tôi là người may mắn chụp hình ảnh mở còng cho bị cáo Lã Thị Kim Oanh. Bức ảnh này sau đó "châm ngòi" cho một loạt bài trên báo chí thời ấy về việc có nên cùm chân, cùm tay bị cáo khi ra tòa.
Dù có nhiều tranh luận và sự phản đối của giới luật sư thì bị cáo ra tòa vẫn bị còng tay với lý do "bảo đảm an ninh, phòng chống việc bị cáo bỏ trốn". Tuy quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an có quy định về việc mở khóa tay, mở xích chân bị cáo tại nơi xét xử khi có yêu cầu của chủ tọa phiên tòa, nhưng một số trường hợp bị cáo đã bị tuyên án tử hình thì đến phiên phúc thẩm, chủ tọa phiên tòa cũng chỉ có thể cho tháo còng tay nhưng không tháo xích chân.
Phải tới năm 2016, sau thông tư của Bộ Công an, việc xích tay, còng chân mới dừng lại ở giai đoạn dẫn giải bị cáo đến đến tòa. Đơn cử, bị cáo Đặng Văn Hiến trong vụ án nổ súng làm chết 3 người của Công ty Long Sơn đã được mở còng trước khi xét xử.
Bộ quần áo tù là biểu tượng và sự phân biệt vị trí thứ hai trong phòng xử án. Ngày 24/12/2004, sau khi báo chí lên tiếng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 743, quy định: “Tại phiên toà xét xử vụ án hình sự, bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo là người đang bị tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải bảo đảm sự trang nghiêm…”.
Thời ấy, dù Nghị quyết số 743 đã có hiệu lực, nhưng vẫn có nhiều nơi, bị cáo phải ra tòa trong bộ quần áo sọc. Nó tồn tại như một thứ tập quán tư duy, chứ không phải là một thủ tục xét xử.
Hơn 4 tháng sau, TAND tối cao phải ra công văn chỉ thị tòa cấp dưới khi gửi lệnh trích xuất phải ghi rõ: "Yêu cầu Ban giám thị Trại tạm giam cho các bị cáo mặc trang phục tại phiên toà theo đúng quy định". Từ đó đến nay, bị cáo không còn phải mặc "áo sọc" ra tòa nữa mà thay vào đó là một bộ đồng phục của trại.
Nhưng họ vẫn phải đứng trước vành móng ngựa trong suốt phiên xử. Trong ngôn ngữ thường ngày, vành móng ngựa hay "đứng trước vành móng ngựa" thể hiện sự đền tội, sự trả giá. Vành móng ngựa, cùng với bộ quần áo sọc và cùm tay, xích chân đã trở thành biểu tượng của sự buộc tội. Cho dù không ai có tội cho tới khi phiên tòa kết thúc.
Vậy nên, việc TAND tối cao bỏ "vành móng ngựa" trong hình thức phòng xử án hình sự đã trở thành quyết định mang tính lịch sử.
Cần nhớ rằng, khi xây dựng Thông tư về phòng xử án, ngay trong ngành Tòa án cũng có 2 quan điểm đối với "vành móng ngựa". Một là vẫn sử dụng vành móng ngựa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đối với bị cáo. Hai là bỏ vành móng ngựa thay bằng "bục khai báo" nhằm thể hiện tính nhân văn. Thông tư 01/2017 của TAND tối cao đã theo hướng thay "vành móng ngựa" bằng "bục khai báo".
Từ "trước vành móng ngựa" đến "sau song sắt" là khoảng cách khá xa. Đứng trước vành móng ngựa không có nghĩa là có tội, không có nghĩa phải trả giá bằng thời gian sau song sắt. Vậy nên, việc thủ tiêu vành móng ngựa không chỉ mang tính hình thức. Sự thay đổi đó thể hiện tinh thần "suy đoán vô tội" theo quy định của pháp luật Việt Nam. Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều bị cáo "cúi đầu trước vành móng ngựa" nhận những tội lỗi không phải của mình.
Hôm nay, phiên tòa đầu tiên tại Hà Nội không có vành móng ngựa sẽ diễn ra. Nó xứng đáng là một dấu mốc lịch sử ngành tư pháp - không phải bởi vì chức vụ cao cấp của bị cáo, hay nội dung bản cáo trạng, không phải là dấu mốc lịch sử của sự kiện, mà đây là mốc lịch sử của cách tư duy.
Trần Anh Tú