Sinh năm 1991, Robin Reda trở thành thị trưởng của Juvisy-sur-Orge vào năm 22 tuổi. Từ năm ngoái, chàng trai này đã là dân biểu của Hạ viện Cộng hòa Pháp.
Sự đặc biệt của Robin Reda, cộng với cảm giác gắn bó của một hàng xóm qua những chuyến tàu vô tình, khiến tôi liên tục theo dõi Robin qua trang cá nhân. Vậy là bỗng nhiên, tôi lại được cập nhật lịch làm việc của một ông nghị, hay là giới dân biểu Pháp nói chung.
Reda và các đồng sự thường xuyên có những đêm trắng tại Palais-Bourbon - Tòa nhà Quốc hội Pháp - để thảo luận các dự án luật. Tìm hiểu thêm, tôi mới biết rằng hàng tuần các dân biểu Hạ viện Pháp đều đặn làm việc vào các buổi sáng, chiều và tối các ngày thứ Ba, Tư và Năm. Buổi sáng họ bàn việc từ 9h30 tới 13h, buổi chiều từ 15 tới 20h và buổi tối từ 21h30 tới 1 giờ đêm. Trong trường hợp các cuộc tranh luận cần kéo dài, phiên làm việc có thể tiếp tục sau một giờ sáng.
Trong một tường thuật về phiên họp đêm của các đại biểu quốc hội trên báo 20 Minutes, có đoạn: “Gần 6 giờ sáng, khuôn mặt của các dân biểu đầy mệt mỏi, lãnh đạo cánh hữu tại Hạ viện Christian Jacob yêu cầu tạm dừng phiên thảo luận sau một đêm dài và thông báo một tin quan trọng: Bánh sô cô la điểm tâm đã đến. Nhiều tiếng vỗ tay vang lên…”.
Không hiếm luật đã được thông qua sau nhiều đêm trắng ở Hạ viện. Luật Hôn nhân đồng giới năm 2013 là kết quả của cuộc thảo luận từ 21h30 đến 8 giờ sáng hôm sau của họ.
Tuy vậy, báo chí vẫn kêu ca rằng chi phí cho những buổi làm việc đêm kéo dài là tốn kém, chủ yếu cho các bộ phận phục vụ. Vì thế, đã có một đạo luật năm 2014 nhằm hạn chế tối đa các phiên làm việc đêm của Hạ viện Pháp.
Theo dõi các kỳ họp Quốc hội Việt Nam, tôi thấy có những vấn đề đang được thảo luận phải dừng lại vì hết giờ hành chính. Điều này sẽ khiến các đại biểu mất thời gian “khởi động lại” tư duy và sự tập trung ở phiên làm việc sau, có thể cách nhau vài ngày. Nó có thể gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng luật.
Kỳ họp lần này mở đầu bằng một ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân rằng “Quốc hội cần làm hết việc chứ không phải làm hết giờ”. Tôi rất đồng tình với đề xuất này vì đây là nguyên tắc làm việc dựa trên hiệu quả công việc chứ không phải tư duy “sáng cắp ô đi tối cắp về”.
Số lượng Đại biểu quốc hội khóa XIV hiện nay là 487 đại biểu so với 496 vào thời điểm bầu cử 2016, trong đó số đại biểu chuyên trách là 180 người, chiếm 36%. Mặc dù số đại biểu chuyên trách hiện chưa chiếm đa số, nhưng xu hướng tăng số đại biểu chuyên trách là điều chắc chắn. Thời gian qua, các Ủy ban của Quốc hội cũng đã có phiên làm việc tối. Do đó, yêu cầu làm hết việc chứ không hết giờ đối với các đại biểu chuyên trách sẽ không phải trở ngại lớn.
Ý kiến về việc “Quốc hội làm đêm” đã từng được phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ra từ năm 2016, nhưng thời điểm đó, có nhiều ý kiến nói rằng đại biểu cũng phải mất nhiều thời gian ngoài giờ hành chính để nghiên cứu tài liệu. Không khí làm việc xuyên màn đêm ấy, dừng ở một ý tưởng đến tận hôm nay.
Từng làm việc với nhiều cán bộ của chính phủ và địa phương, tôi thấy họ có khả năng làm việc với cường độ cao không kém những đồng sự nước ngoài. Sau một chuyến bay dài 12 tiếng từ Việt Nam tới Paris, họ có thể bắt đầu các cuộc làm việc ngay sau khi vừa xuống sân bay lúc rạng sáng. Nhiều anh chị ở Việt Nam có thể làm việc xuyên đêm qua những buổi họp lệch múi giờ với chuyên gia ở nước ngoài qua mạng.
Nếu Quốc hội có thể điều chỉnh thời gian làm việc linh hoạt hơn chứ không khăng khăng theo lịch giờ hành chính, ngày nghỉ, và bù lại thời gian nghỉ ngơi cho đại biểu một cách hợp lý, tôi tin ta sẽ tiết kiệm được nhiều nguồn lực, mà chất lượng của nghị viện sẽ khác.
Đặc biệt, thay đổi này có thể cải thiện tốc độ làm luật, khi mà người dân hay được nghe báo cáo rằng Quốc hội còn nợ luật này, quy định kia… Tiến độ làm luật của chúng ta, thực tế luôn bị chậm so với kế hoạch.
Và người dân hẳn sẽ rất vui, nếu họ có những vị dân biểu để ngưỡng mộ vì tinh thần làm việc, như cách tôi đã ngưỡng mộ chàng trai trẻ ở ngoại ô Paris kia.
Võ Đình Trí