Là con gái, nhưng tôi lại ham chơi và nghịch như thằng con trai. Thích đá bóng, quay ống bơ đốt những quả phi lao khô, bổ quay, bắn bi, trốn bố mẹ phóng thật nhanh xe đạp chở bạn trên những đường Thanh Niên, Phan Đình Phùng... Và, tất nhiên, tôi là học sinh cá biệt từ những năm cấp hai. Cá biệt bởi điểm một số môn cao vút, nhiều môn mất hút. Khi bạn bị kém môn nào, bạn rất ngại đối diện với nó. Ngại mỗi giờ lên lớp, ngại ngồi thẳng lưng, ngại nhìn thầy cô. Lúc nào cũng ước đất nứt ra, mình chui tạm xuống 45 phút rồi lại trồi lên. Đến tận bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn bị mơ ngủ với cảm giác sợ thi những môn tôi ghét giống như bị bóng đè.
Thế nhưng, tôi lại nhớ về ngày ấy với những cảm xúc êm đềm. Tôi chắc khó được như bây giờ nếu mắc kẹt ở những năm học cấp hai vốn bấp bênh nhất trong đời học sinh, nếu không lên được cấp ba rồi vào đại học, nếu không có thầy Hoài An.
Thường mỗi khi các cô bộ môn họp về tôi, thầy Hoài An xuất hiện. Sau sân trường có vườn thí nghiệm trồng các loại hoa vừa làm đẹp cho trường, vừa phục vụ học tập. Thầy bảo tôi ra đấy nói chuyện. Câu chuyện dài, nhưng thầy không một lời trách tôi chểnh mảng học hành, cũng chẳng dọa mách bố mẹ - trong khi nhiều cô bộ môn yêu cầu tôi phải viết kiểm điểm có chữ ký phụ huynh. Thầy hiểu cá tính của tôi. Thầy nói: "Người có cá tính rất quan trọng". Thầy nói về tương lai.
Đại ý câu của thầy Hoài An, rằng tất cả chúng ta phải đi qua những tấm barrier của đường đời, mỗi một ngôi trường sẽ cấp cho mình một cái thẻ mở tấm barrier đó. Sau này, Huệ có thể làm việc này việc khác, nhưng không có những tấm thẻ kia, em sẽ không bao giờ thực hiện được ước mơ của mình. Em ghét toán lý hóa, thích văn, nhưng không được vì ghét mà đúp bởi các môn đó. Tại sao nhiều bạn trong lớp không thích văn, nhưng vẫn học, vì đấy là kiến thức cơ bản. Có kiến thức cơ bản, em mới đi tiếp. "Cố lên em ạ. Thầy rất tin vào em. Chỉ cần em không ghét toán, lý, hóa, là em học được ngay. Vào đại học là em được chọn môn mình thích để học rồi".
Đó là điều tôi nhớ và bây giờ luôn nói lại với hai con trai mỗi khi chúng giống tôi ngày ấy: thích môn này thì học rất tốt và đam mê, ghét môn kia là buông.
Có rất nhiều điều tác động đến cô bé mười bốn tuổi lúc đó. Giọng nói và cách nói của thầy. Vườn hoa có nhiều cây đang nở, vài con sâu róm bám vào những chiếc lá. Đôi mắt thầy vời vợi tình cảm nhưng nghiêm khắc. Và, tôi tự động mở những cánh cửa để tiếp nhận những điều tôi không thích.
Rồi tôi lên cấp ba. Số phận lại mỉm cười khi cô Thu Ba làm chủ nhiệm. Cô cũng hiểu ngay cá tính, những điểm mạnh và yếu của tôi. Tôi đỡ cực đoan hơn hồi cấp hai nhưng các môn học vẫn lệch. Và một lần nữa, cô Thu Ba đã giúp tôi cân bằng, để tôi tốt nghiệp loại cao rồi thi đại học.
Thế nào nhỉ? Có giai đoạn trong cuộc đời, ông bà là người gần mình nhất. Rồi đến bố mẹ. Có những khoảng lại là những người thầy. Chỉ cần người thầy đấy coi lũ trò không đơn thuần là dạy chúng những kiến thức có trong sách vở, đọc và chép, làm bài rồi trả bài như cái máy vô cảm, đời nhiều người sẽ khác. Tôi là một ví dụ. Không có thầy Hoài An ở cấp hai và cô Thu Ba ở cấp ba, tôi không tin mình sẽ có hôm nay. Một đứa trẻ mười ba, mười lăm chẳng nghĩ xa lắm về tương lai sự nghiệp sau này. Nó đơn giản, ở tuổi học thì học, rồi chơi vui với bạn, có những rung động đầu đời, vô lo vô nghĩ.
Làm thầy cô, hiểu tâm lý lứa tuổi và khả năng của từng học sinh là điều quan trọng. Đôi khi, nhiều thầy cô chỉ biết môn mình dạy, quan trọng hóa và đem suy nghĩ tuổi ba, bốn mươi áp đặt lên đứa trẻ hơn mười tuổi là sai lầm. Và, quan trọng nhất với một người thầy, là không được vùi dập, xúc phạm học sinh, đè bẹp cá tính của nó. Nếu ngày ấy, tôi gặp người thầy ưa nói những câu cay nghiệt, hay cô giáo có khoái cảm xúc phạm học sinh, cái sự học của tôi đứt đoạn giữa đường cũng nên.
Cách đây hai tháng, thầy Hoài An ở nước ngoài về, tìm tôi để tặng quà "cô học sinh cá biệt". Thầy bảo, thầy vẫn quan tâm đến tôi như ngày xưa, và thầy mừng. Còn cô Thu Ba, tôi vẫn gặp cô, hàng ngày theo dõi và liên tục "thả tim" đến cô qua trang cá nhân.
Không phải lúc nào tôi cũng thấy mình may mắn. Nhưng đôi lúc tôi cảm nhận được may mắn khi ở một khoảng rất xa về thời gian. Giống như bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình đã thật may mắn và hạnh phúc khi trong đời gặp được nhiều thầy cô như người sinh ra mình lần thứ hai. Những người thầy đó đã làm được hơn rất nhiều công việc đòi hỏi họ, bằng tình cảm, tấm lòng và trách nhiệm trước mỗi con người.
Nguyễn Thị Thu Huệ