Tay họ xách cái lồng hay túm miệng bao dứa, bên trong có con gà trống, hai ngày nữa sẽ nằm cạnh bát hương trong đêm giao thừa. Không chỉ gà, góc bếp nhà bác còn có đu đủ, đỗ xanh, đỗ đen, túm lạc mới nhổ còn dính đất, đu đủ, củ sắn, khoai, mớ rau... Bác chỉ lấy một ít chỗ “lòng thành”, còn lại bắt họ mang về, “ở quê ai chẳng nghèo như nhau”. Nhiều năm sau này, tôi luôn ấm lòng khi nghĩ về hình ảnh đó.
Văn hóa lễ nghĩa, biết ơn là điều đáng quý ở người Việt. Nhưng ranh giới giữa con gà của lòng biết ơn với phong bì tiền triệu của sự mua chuộc, tư lợi... là rất mong manh. Vì mang con gà ngại quá, vì con gà giờ không có ý nghĩa gì nên người ta chuyển con gà thành phong bì hai triệu. Cái phong bì hai triệu dần dà phình ra thành chiếc vali nhét cứng giấy bạc hay giấy tờ nhà được “mua với giá ưu đãi”.
Chúng tôi hay nói đùa, luật quy định nhận quà trị giá 500 nghìn đồng trở lên là tham nhũng, vậy nhận 490 nghìn thì vẫn là người tốt. Sự liên tưởng khập khiễng đó cho thấy, luật và các quy định chỉ là một vế. Nó cụ thể hóa một cách đơn sơ ngưỡng giới hạn của hành vi tham nhũng nhưng nó khó có thể phản ánh được thực chất vấn đề.
Từ cái ranh giới mong manh giữa lời cảm ơn và hành vi hối lộ, hiện vẫn có quan điểm cho rằng tham nhũng là “dầu nhờn bôi trơn cỗ máy nền kinh tế”. Người ta không phân biệt được sự “tùy tiện” trong thực thi và ban hành chính sách (một biểu hiện của tham nhũng quyền lực) với sự “tùy ứng” giúp tăng cường độ linh hoạt của chính sách và kịp thời hạn chế những diễn biến bất lợi cho người dân. Ranh giới giữa sự nhiệt tình trong giảng dạy của một ông giáo miền cao, và sự nhiệt tình của một cán bộ tổ chức trong bổ nhiệm nhân sự sai quy trình, nằm chung trong một phổ “văn hóa” mơ hồ. Và con gà năm xưa cứ biến hóa muôn hình vạn trạng.
Ở góc độ người nghiên cứu, cả định tính lẫn định lượng, tôi khẳng định tham nhũng không có vai trò “dầu bôi trơn”. Ngược lại, tham nhũng "rắc cát vào cỗ máy nền kinh tế". Nói một cách ngắn gọn, tham nhũng có tác động hủy hoại tiêu cực đối với nền kinh tế, nhất là xét về dài hạn. Nó làm giảm luồng vốn đầu tư từ trong và ngoài nước, hạn chế tăng trưởng kinh tế và gây bất ổn kinh tế do giới kinh doanh coi đó là một loại thuế; làm sụt giảm và sai lệch các nguồn lực trong nền kinh tế (thất thu thuế, đầu tư thiếu hiệu quả, bóp méo hay cắt xén các khoản mục chi tiêu ngân sách, giảm chất lượng kết cấu hạ tầng, kích thích nguồn nhân lực tìm kiếm đặc lợi thay vì nỗ lực nâng cao năng lực…); đè thêm gánh nặng lên vai người nghèo và làm giãn rộng khoảng cách giàu-nghèo. Nó còn làm chậm quá trình dân chủ hóa và làm giảm sút lòng tin của người dân cũng như cộng đồng thế giới đối với bộ máy nhà nước.
Nước ta không thiếu các quy định về chống tham nhũng, từ các nghị quyết, chương trình hành động, luật, chỉ thị... từ quản lý vốn, tài sản đến quà biếu và chiêu đãi, băng rôn. Gần đây, việc khẩn trương điều tra, kết luận, xử lý nghiêm minh các vụ án lớn để chống tham nhũng “được đẩy mạnh hơn bao giờ hết”. Và không thể phủ nhận, nó đang giúp tạo thêm niềm tin. Nhưng để chống tham nhũng, ngoài việc đuổi theo và xử lý những “chiếc lồng gà” được đem tặng nhau, phân định xem từng con gà trống lên mâm có “đúng quy trình” hay là “tham nhũng”, thì còn một khía cạnh quan trọng nữa cần xem xét: đó là tự do hóa kinh tế.
Cũng như nhiều nước đang phát triển và chuyển đổi khác, “dư địa” cho tham nhũng tại Việt Nam còn rất rộng. Song có một lý do quan trọng chưa được bàn nhiều, là tham nhũng còn bắt nguồn từ những can thiệp mang nặng dấu ấn của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Thông thường, quá trình tự do hóa kinh tế có xu hướng làm giảm tham nhũng. Một số nhà nghiên cứu, chẳng hạn Paolo Mauro, vào năm 2000, cho rằng khi nền kinh tế có độ tự do hóa thương mại rất lớn thì tham nhũng sẽ còn rất ít. Ví dụ, trong lĩnh vực nội thương, trước khi tự do hóa lĩnh vực này thì tham nhũng ở Việt Nam đã khá phổ biến, nhất là trong doanh nghiệp thương nghiệp quốc doanh. Với ngoại thương cũng vậy, như hệ lụy của cơ chế cấp quota. Từ “xóa bỏ ngăn sông cấm chợ”, tự do hóa giá cả đến hội nhập ngày càng sâu rộng với việc gia nhập WTO và ký kết, thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), tham nhũng đã giảm rất đáng kể trong thương mại.
Các đại án gần đây chủ yếu liên quan đến nhiều tập đoàn nhà nước giữ vai trò chi phối trong các ngành, lĩnh vực mà lẽ ra có thể để thị trường cạnh tranh đảm nhiệm. Trong một nền kinh tế “tự do”, sự cậy nhờ, quan hệ xin-cho và những chiếc lồng gà đi lại mỗi dịp Tết sẽ ít đi. Điều đó có nghĩa tiếp tục tự do hóa kinh tế, thực sự chuyển sang cơ chế thị trường hiện đại, hội nhập đáp ứng những chuẩn mực và thông lệ tốt, là một chìa khóa quan trọng để chữa căn bệnh nan y này.
Và người dân vẫn mong chờ hành động quyết liệt hơn để chạm được tới bản chất thâm sâu của tham nhũng.
Võ Trí Thành