Cửa hàng đầu tiên tôi đến nằm dưới chân đồi, cạnh quốc lộ 18A, tấp nập khách ra vào. Nơi đó, dù đã ở địa thế khuất tầm nhìn, khách không đi lối cửa trước nhìn ra quốc lộ mà đi bằng một lối nhỏ cửa phía sau được ngụy trang bằng những tấm bạt che. Xe du lịch đổ khách xuống, hướng dẫn viên phát thẻ và họ chui vào bên trong. Đứng xung quanh là 4-5 người tay cầm bộ đàm.
Khi có người lạ hoặc có bóng dáng cơ quan chức năng, hệ thống thông tin này lập tức hoạt động. Việc đón khách dừng lại. Bảo vệ ở đây tuyên bố, chỉ những người có thẻ và phải là người trong đoàn mới được vào và chỉ đón “khách Trung Quốc, không đón khách Việt, Nhật, Hàn…”.
Cửa hàng thứ hai nằm phía sau một vườn keo, từ bên ngoài khó phát hiện hoạt động đưa đón khách tại đây. Tôi ngồi ở một quán nước đối diện, cố gắng ghi hình. Một đoàn khách vừa rời đi, gần chục nhân viên đi ra quán nước này ngồi trò chuyện bằng tiếng Trung Quốc.
Nhưng việc ghi hình của tôi bị lộ. Bộ đàm của nhóm người cảnh giới xung quanh hoạt động, một nhóm thanh niên lập tức chạy vào bên trong tìm những vật dụng gì đó rồi chạy ra. Thấy bất an, tôi lên xe máy và di chuyển về cảng tàu khách cách đó chừng một cây số. Một xe máy và một ôtô 16 chỗ bám theo sát gót. Người điều khiển xe máy, nằm trong số những thanh niên mang bộ đàm khi nãy.
Tôi trú chân trong nhà ga cảng, gọi đồng nghiệp sang đón. Chúng tôi rời cảng bằng ôtô, nhưng thanh niên kia vẫn chạy xe máy bám hơn 10km và chỉ dừng lại khi chúng tôi đi vào một ngõ nhỏ.
Trong mắt tôi, không thể dùng từ nào khác hơn cho những địa điểm kinh doanh ấy, ngoài từ “lãnh địa”. Những chủ nhân của chúng, với cách chọn địa thế, với lực lượng bảo vệ riêng, và thái độ cảnh giác với ánh mắt người ngoài, đã quyết xây dựng một lãnh địa riêng dành cho khách Trung Quốc.
Trả lời trong phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh đầu tháng 7/2017, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, bà Vũ Thị Thu Thủy, cho rằng các cửa hàng chỉ đón khách Trung Quốc chính là “bầu sữa” nuôi các “tour 0 đồng”.
Thực chất “tour 0 đồng” chỉ là hình thức tiếp thị. Các công ty lữ hành có thể giảm giá tour đến 0 đồng, miễn phí hoàn toàn cả tour. Địa phương vẫn có nguồn thu từ “tour 0 đồng” như phí tham quan vịnh Hạ Long và các loại phí dịch vụ khác. Tuy nhiên, khách Trung Quốc đi theo “tour 0 đồng” buộc phải vào những cửa hàng mua sắm “bí mật” dành riêng cho họ. Họ không có quyền được lựa chọn đến các điểm mua sắm truyền thống.
Bên trong các cửa hàng này bán chăn, ga, gối, đệm, trang sức… với giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực. Những mặt hàng này được thổi phồng công dụng, khách biết rất ít thông tin về sản phẩm. Đây chính là lợi nhuận khủng để bù lỗ cho “tour 0 đồng” vì các công ty lữ hành câu kết với các cửa hàng này để hưởng hoa hồng từ việc bán hàng cho khách trong đoàn.
Theo bà Thủy, các cửa hàng này do người Việt Nam đứng tên, nhưng điều hành đều là người Trung Quốc. Sau khi biết mình bị lừa, nhiều du khách Trung Quốc đã lên mạng xã hội nói xấu người Việt Nam.
Có những đoàn khách chi cho việc mua sắm hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, có những điểm bán hàng ngày đón hàng chục đoàn khách, với doanh thu được cho rằng lên tới 3-4 tỷ/ngày.
Tuy nhiên, Cục thuế tỉnh Quảng Ninh cho biết, tổng số tiền thuế mà 15 điểm bán hàng cho du khách Trung Quốc tại TP Hạ Long nộp năm 2017 là 936 triệu đồng. Con số này được nghi ngờ là thấp hơn nhiều so với doanh thu thực tế.
Sau sự phản ánh quyết liệt của báo chí năm ngoái, hầu hết cửa hàng kiểu này phải đóng cửa. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, tới tháng 3 vừa qua, những “lãnh địa bí mật” này hoạt động trở lại rầm rộ hơn trước. Và điều này thành lý do “tour 0 đồng” bùng phát mạnh hơn. Mỗi ngày có hàng nghìn khách Trung Quốc ồ ạt đi du lịch vào Quảng Ninh theo “tour 0 đồng” đứng xếp hàng kéo dài ở Cửa khẩu quốc tế Móng Cái để làm thủ tục nhập cảnh. Các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long như hang Sửng Sốt, đảo Ti Tốp, hang Luồn… luôn trong tình trạng quá tải. Việc di chuyển chậm chạp do ken đặc người. Trên báo, khách “tour 0 đồng” mua sắm và thanh toán công khai bằng tiền nhân dân tệ.
Chính quyền địa phương đang đưa ra hàng loạt biện pháp quản lý như áp dụng thanh toán bằng hóa đơn điện tử kết hợp với máy tính tiền, phần mềm bán hàng và gắn camera ở quầy thanh toán. Họ đi kiểm tra khi nhận được phản ánh của du khách và người dân. Tuy nhiên, những biện pháp trên có hiệu quả khi lợi nhuận phi thường của những cửa hàng này chính là bản chất của “tour 0 đồng”.
Việc những cửa hàng chỉ phục vụ khách Trung Quốc hoạt động trở lại đặt ra hàng loạt câu hỏi như: Việc cấp phép hoạt động có “dễ dãi” quá không? Liệu những cửa hàng này có tiếp tục vi phạm? Hoạt động kinh doanh có minh bạch?
Không ai muốn lặp lại chính mình, nhưng tròn một năm sau những bài phản ánh đầu tiên, ở cùng những địa điểm cũ, trước cùng những khung cảnh cũ, tôi lại phải nêu ra cùng những câu hỏi cũ.
Những câu hỏi ấy liệu có chạm được đến “lãnh địa bí mật” nào mà người ngoài chưa biết?
Minh Cương