Hà Tĩnh con số thấp hơn nhưng cũng ở mức vài trăm đoàn. Chúng tôi thuộc dự án Nhà chống lũ, đi khảo sát đánh giá để xây dựng mô hình nhà an toàn cho hai địa bàn này. Đi cùng là một doanh nghiệp, họ muốn tự đi phân phát tiền và gạo - cách họ thường làm mỗi năm mỗi khi có bão lũ.
Khi nước vừa rút, các đoàn cứu trợ ùn ùn kéo đến. Băng rôn, quần áo, chăn màn, mỳ tôm, gạo… thùng to thùng nhỏ. Bà con kéo đến ngồi đợi kín sân ủy ban xã, chờ phát quà.
Nhưng sau đó, các đoàn kéo đến mỗi lúc mỗi đông mà không hẹn trước. Ủy ban chỉ có ít người. Nét mệt mỏi hiện trên mặt họ khi phải đón tiếp và giải thích liên miên. Họ bèn chuẩn bị sẵn một danh sách tên chủ hộ, đưa cho trưởng đoàn. Cầm danh sách các nhà bị thiệt hại trong tay, các đoàn cứ đi phát quà lần lượt.
Đoàn doanh nghiệp đi cùng chúng tôi cũng nhận một tờ danh sách. Thấy ngờ ngợ, tôi đi quan sát và tìm hiểu. Có những nhà được phát gần 70 thùng mỳ tôm. Trong buồng như một cửa hàng đại lý. “Cột mỳ” chất cao gần nóc nhà.
Vùng tiếp theo mà chúng tôi đến là Tân Hóa, Quảng Bình. Mảnh đất khi ấy ồn ào khắp cả nước với từ khoá “chính quyền thu lại tiền cứu trợ”.
Tôi cử hai thành viên của dự án đi xe ôm lẳng lặng đến điều tra. Thì ra, người của ủy ban đã nghĩ ra cách thống nhất với người dân: các hộ nhận quà trước, sau đó ủy ban đi thu lại quà ở các nhà rồi mới chia đều cho tất cả. Dân đồng ý.
Nhưng sau đó, quà nhiều quá, nhân dân xảy ra bất đồng. Họ soi mói, khiếu kiện lẫn nhau và kiện ủy ban, kiện với báo chí vì không công bằng. “Người ta phát cho nhà tôi bao nhiêu bao gạo nhưng cuối cùng tôi được có mấy bao này”.
Chứng kiến sự hỗn loạn đó, tôi đã quyết định đề nghị doanh nghiệp đi cùng dừng mọi hoạt động cứu trợ trực tiếp. Doanh nghiệp đồng ý, chuyển số tiền còn lại vào quỹ để hỗ trợ bà con xây nhà an toàn.
Cũng tại địa bàn này trước đó một năm, dự án Nhà chống lũ khổ sở với tâm lý “đòi cứu trợ” của người dân.
Chúng tôi hỗ trợ dân làm nhà phao. Sau khi đã hoàn thành việc xây dựng phần nhà và sàn đế, chỉ còn phát phao để lắp vào nhà, chúng tôi chuyển đến 240 cái phao đầu tiên. Mỗi căn nhà cần 12 chiếc phao để nổi.
Chúng tôi tuyên bố sẽ phát cho 20 hộ cần nhất mỗi nhà 12 phao, và hứa “đợt tới phao về chúng tôi sẽ phát nốt” cho 20 hộ còn lại. Nhưng rất nhiều hộ dân không đồng ý. Họ đòi chia đều mỗi nhà 6 phao. Chúng tôi giải thích, 6 phao không làm nổi được cái nhà, khi có lũ nhà vẫn bị chìm và người vẫn có thể bị cuốn đi. “Không nổi cũng được, nếu chết tất cả cùng chết. Tại sao tất cả các đoàn khác đến đều chia đều quà mà phao lại không chia đều?”, họ bực tức. Có người còn dọa đánh thành viên của dự án.
Cuối cùng dự án phải chịu, chia mỗi nhà 6 phao. Cả mùa lũ đó, cả nhóm thấp thỏm lo. May quá năm đó không có lũ lớn. Sau đó, bổ sung được mỗi nhà 12 phao.
Điều tôi rút ra được trong nhiều năm làm chương trình xã hội, là cứu trợ trực tiếp và không đúng cách sẽ làm người dân sinh ra tâm lý rất xấu. Đầu tiên là sẽ có người tìm cách nhận được quà cứu trợ càng nhiều càng tốt. Thứ hai, nó có thể sinh ra tâm lý ỷ lại, không cố gắng hơn và mặc định cho rằng người khác phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình.
Tôi vẫn biết có hộ nhận hơn 400 triệu đồng sau một cơn lũ nhưng không xây nhà. Tôi vẫn gặp những cán bộ xã hỏi “các cô xây một ngôi nhà thì hoa hồng cho xã mấy chục phần trăm?”. Tôi tin rằng ở sự suy thoái đó có trách nhiệm của chính những người cho và cách cho của họ.
Không phải người dân đã nảy sinh suy nghĩ tồi tệ từ đầu. Không phải cán bộ địa phương thích “nhầm lẫn” các khoản cứu trợ từ đầu. Chính cách cho đi không có định hướng dài hạn làm cho người dân bị phụ thuộc, và cán bộ cũng bất công bằng đi.
Có những gia đình vợ không làm gì, chồng ôm can rượu, con cái không được đầu tư học hành. Thực ra khi lũ tới họ không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng luôn đứng đầu danh sách “nghèo nhất”. Các đoàn cứu trợ đến nhà họ đầu tiên. Cứ thế, bấp bênh năm này qua năm khác. Nhiều lần, chúng tôi còn phát hiện một số người nghèo xếp hàng lần thứ hai, thứ ba để nhận quà. Họ đã mất đi lòng tự trọng tự bao giờ?
Khi thiết kế chương trình Nhà chống lũ, chúng tôi không chọn những nhà nghèo nhất để giúp đỡ. Chúng tôi yêu cầu người dân đóng góp 50% để cùng xây lên những căn nhà của mình. Vì phải đóng góp, những nhà nghèo nhất sẽ vươn lên để có đủ số tiền đóng góp. Còn những nhà đã vươn lên rồi thì sẽ được ghi nhận bằng việc nhận giá trị nửa ngôi nhà.
Suốt 4 năm làm nhà cho người dân vùng lũ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Sóc Trăng, chúng tôi đã được tiếp sức bởi chính những người dân ấy.
Những căn nhà được xây lên bằng lòng tự trọng và tự lực của chính chủ nhân đã kéo theo những thay đổi tích cực. Người chồng tự tin hơn, người vợ siêng năng hơn, những đứa trẻ cười nhiều hơn, ngôi nhà ngăn nắp hơn, thêm nhiều rau xanh trong vườn, nhiều gà vịt đang kiếm ăn. Anh chồng học nghề mới, chị vợ bán thêm xôi trước hiên nhà, nhiều nhà trồng hoa rất đẹp... Những thay đổi rất đời ấy đã cho chúng tôi niềm tin, rằng cứu trợ người dân bị thiên tai là cùng họ dựng nên những cuộc đời mới.
“Từ thiện” là từ có lẽ nên hạn chế sử dụng. Cũng là hỗ trợ người dân nghèo, nhưng tôi muốn thay thế khái niệm ấy bằng “phát triển con người” và “thay đổi tư duy cộng đồng”.
Hôm qua, một cơn lũ lại về, tôi không mong lại nhìn điệp khúc: Lũ, nhà trôi, các đoàn ào đến phát mỳ gói, áo quần, tiền. Còn người dân chăm chăm kê dép ngồi đợi trước ủy ban: “Ơi các cô ơi, nhà tôi vẫn chưa được phát”.
Giang Phạm