Chỉ khi cậu gửi trang web đã vận hành, tôi mới biết. “Con có thể sử dụng luôn kế hoạch kinh doanh bố đã nghiên cứu”, tôi nói. “Không, con sẽ tự viết cái của mình”.
“Vậy con nên dùng nhãn hiệu bố đã đăng ký bản quyền” - “Không bố, con sẽ tự đăng ký nhãn hiệu của con” - “Ơ, thế con có muốn bố tư vấn về cách làm, các bước tìm khách hàng mục tiêu?” - “Dạ, không ạ”.
Tôi mất ngủ mấy đêm vì những cái “không ạ” của nó. Sao nó xa mình thế? Nó mới đang học đại học, một trường dạy kinh doanh ở Mỹ, mà sao nó không đếm xỉa tới hơn 20 năm tư vấn doanh nghiệp mà bố nó đã dựng lên. Tại sao nó dường như không muốn thừa hưởng bất kỳ ý tưởng gì từ bố? Nó quyết định đi con đường riêng từ bao giờ?
Tôi cũng đang dự định mở dịch vụ chuyên tư vấn cho học sinh Việt Nam du học Mỹ. Việc chuẩn bị hồ sơ gửi các trường Mỹ cũng giống như việc định vị thương hiệu tới khách hàng mục tiêu. Đó là công việc thường ngày của tôi hơn 20 năm qua. Vậy mà cậu con trai du học sinh năm nhất Babson College hào hứng bắt tay vào dự án đầu đời, cứ như bố nó chưa bao giờ làm kinh doanh.
Tình huống trong câu chuyện riêng của bố con tôi có lẽ không phải duy nhất ngày nay, khi vấn đề người kế nghiệp trở thành chủ đề lớn trong cộng đồng doanh nghiệp.
Rất nhiều hội thảo, hội nghị, đề tài “Chuyển giao thế hệ” được các doanh nhân trao đổi nhiệt tình. Thế hệ cha mẹ, những người sáng lập và đang là chủ doanh nghiệp thường nói rằng: Bố mẹ làm tất cả vì chúng mày. Giờ các con không có trách nhiệm với công ty thì ai vào đây nữa?. Hay đại ý rằng, biết bao người không có cơ may tiếp quản sự nghiệp lớn như thế, đó là toàn bộ mồ hôi nước mắt cuộc đời bố mẹ, nên các con phải thấy đó là may mắn và có nghĩa vụ hoàn thành mơ ước của cha mẹ. Có doanh nhân còn kêu con mình đứng dậy giữa hội thảo với vẻ mặt vô cùng tự hào. Ông bảo, đây là con tôi, cháu mới tốt nghiệp MBA ở Mỹ về, đang làm CEO công ty… Với nhiều cha mẹ, đặt được con vào đúng cái ghế điều hành công ty đồng nghĩa là ước nguyện lớn nhất đời họ cơ bản đã thành công.
Văn hóa “cha truyền con nối” của người Á Đông gần đây cũng trở thành đề tài của nhiều nghiên cứu khoa học, khi xu hướng “thừa kế sự nghiệp gia đình” không chỉ diễn ra trong hoạt động kinh doanh sản xuất, từ quán phở đến tập đoàn, mà còn trong cả các công việc chuyên môn, hay là trong chính trị.
Văn hóa này được chấp nhận hiển nhiên đến mức, một điều tra mới đây của Đại học quản lý Singapore và Deloitte cho biết: chỉ có 10% các gia đình châu Á “có người thừa kế” tính tới các xung đột giữa công việc chung và gia đình. Phần lớn xác định phải có người thừa kế đã, còn việc đứa con có ngồi vừa chiếc ghế hay không lại là một câu chuyện khác.
Trong nghiên cứu này, 39% các công ty được hỏi nói rằng họ đã giới thiệu người thừa kế cho các bên, nhưng chỉ 1/3 trong số đó là đã “có kế hoạch chuyển giao hiệu quả”. Cha truyền con nối là hiển nhiên, còn hiệu quả chung thì hậu xét.
Tôi biết một cậu ấm, đam mê nghề lập trình viên, nhưng cha mẹ ép cậu điều hành công ty sản xuất. Một quý tử khác, “phải” điều hành ngân hàng trong khi cậu chỉ thích làm nghệ thuật. Đội ngũ nhân viên ngân hàng từ ngày cậu tham gia điều hành cảm thấy lo lắng thay cho… các ông bố bà mẹ.
Chứng kiến rất nhiều vụ nối ngôi trong các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam, tôi thấy thành công chỉ là thiểu số. Thành công ở đây tức là người con nắm bắt trọn vẹn tinh thần doanh nghiệp, triển khai hiệu quả tầm nhìn của người sáng lập công ty - phần lớn là ông, cha mẹ chúng. Và họ còn quản lý được sự thay đổi để công ty vẫn tăng trưởng tốt nhưng ổn định, nhân viên an tâm cống hiến. Một khía cạnh quan trọng khác chính là người con cảm thấy hạnh phúc và thành đạt với sự kế thừa đó.
Tôi thấy có ba lý do lý giải cho sự không thành công của đa số trường hợp "kế nghiệp": Thứ nhất, con cái chưa chắc là người phù hợp nhất. Môi trường kinh doanh đã thay đổi, những bài học của bố mẹ chưa chắc đã áp dụng được vào môi trường với bối cảnh mới và quy mô mới của các cuộc chơi.
Thứ hai, những người kế vị có thể cũng không vui vẻ với sự áp đặt. Họ buộc phải gánh vác vì trót sinh ra trong gia đình “có điều kiện”. Những người con chưa chắc đã có đam mê với công việc đó. Họ có đam mê, ước vọng, định hướng riêng. Nếu không đam mê, hẳn không thể lèo lái doanh nghiệp với tất cả sự tận tâm và tận lực.
Thứ ba, hầu hết, nếu không nói 100% những người mà chúng tôi hay gọi đùa là thái tử, công chúa đều được du học ở phương Tây, như một sự sắp xếp của phụ huynh cho tương lai đã không cần bàn cãi. Nhưng rất nhiều trong số sản phẩm giáo dục phương Tây ấy, khó áp dụng cái họ đã học vào công ty, tổ chức thực tế cha mẹ chúng tham gia tại Việt Nam. Một cặp vợ chồng trẻ người Thái Lan mà tôi quen, chồng tốt nghiệp Stanford, vợ tốt nghiệp Oxford được tiếp quản công ty thực phẩm lớn của người cha, mà vốn dĩ nó đậm đặc ‘chất Thái’ từ ngày thành lập. Dưới sự điều hành của lớp người Tây học, sản phẩm dần dần Tây hóa, từ khẩu vị, đến bao bì, và cả cách tiếp thị truyền thông. Cho đến khi thị trường mất dần, họ mới giật mình quay lại những gì tưởng như rất lạc hậu, mà thực ra rất đậm chất truyền thống mà người cha đã bao công gầy dựng.
Harvard Business Review trong một khảo sát cách đây hai năm về sự kế nghiệp trong các doanh nghiệp châu Á cho biết: 3/4 doanh nghiệp Đài Loan và 69% doanh nghiệp Hong Kong chuyển giao doanh nghiệp cho thế hệ hai. Nhưng có tới 60% doanh nghiệp lụn bại sau 8 năm, và chỉ 30% doanh nghiệp đang được coi là “sống sót”.
Vậy lối ra cho câu chuyện kế nghiệp là gì? Cái mà chúng tôi hướng các bậc phụ huynh đang lo lắng và thất vọng là hãy từ tốn. Hãy kiên nhẫn huấn luyện và chuyển giao từ từ.
Nếu tình yêu đó không nảy nở thì sao? Chắc hẳn không ít cha mẹ cũng sẽ có cảm giác hụt hẫng, ‘bơ vơ” như tôi khi nghe những tuyên bố của con mình.
Tôi tin, từ bỏ ham muốn của mình, đừng áp đặt con đi theo ước nguyện đôi khi là ích kỷ của mình, rất có thể là khởi nguồn của tương lai tươi sáng.
Ngô Trọng Thanh