Thơ rằng: “Ai về công tác tỉnh xa - Xem lũ đầy tớ xây nhà bê tông - Tớ ơi, mày có biết không? - Chúng ông làm chủ mà không bằng mày”.
Thơ rằng: “Một người làm việc bằng hai - Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe”.
Hay thơ rằng: “Bộ xuống thì Bộ rất thương - Về đến nửa đường thì Bộ đã quên”.
Mấy câu ca dao tục ngữ thời bao cấp ấy, bây giờ đã có vẻ quá vãng, mới được một nhà xuất bản in vào sách cùng với biếm họa. Nhưng bằng cách nào đó, xã hội Việt Nam vẫn duy trì nhiều hằng số khiến cho ai đọc cũng hiểu thơ ấy đang nói đến cái gì. Và người đọc, dù sống ở thế kỷ 21, cảm nhận được sự chua chát tỏa ra.
Tại sao lại có sự chua chát kiểu ấy? Tôi tự hỏi, rồi tự trả lời: cũng giống như ca dao tục ngữ thời phong kiến, thì thời đại mà chủ nghĩa quan liêu thắng lợi, người ta cũng phải dùng thơ vè kiểu ấy để than thân trách phận. Người ta kêu “ai về” để “xem lũ đầy tớ xây nhà bê tông”. Người đưa ra những lời tố cáo: “Cá trôi cá chép móc câu, cá nhân móc ngoặc cúi đầu theo phe” - như là một chân lý khách quan ngoài tầm với. Những tiếng than bất lực.
Bây giờ thì trừ một vài độc giả vui tính của VnExpress như David Tèo hay Duy Tuấn - người Việt Nam đã ít làm vè hơn. Những tiếng ngửa cổ than trời không còn là công cụ đấu tranh chủ yếu. Ở thời đại này, có nhiều công cụ hiệu quả hơn để đối đầu với tiêu cực. Người Việt Nam bây giờ không muốn đặt vè. Họ muốn đặt thẳng các câu hỏi.
Các câu hỏi liên tiếp dành cho hệ thống công quyền được đặt ra trên mặt báo, trên mạng xã hội. Sau các câu hỏi là các sức ép đòi được trả lời. Cái tâm lý chỉ biết tặc lưỡi kêu “ai về mà xem” đang dần thay thế bằng việc chỉ đích danh đối tượng cần chất vấn.
Và điều đáng bàn nhất trong bước tiến này: hệ thống quan liêu, từ chỗ ít ai dám chất vấn, chỉ phải nghe mấy câu vè bâng quơ, bỗng nhiên phải đối mặt với nhiều câu hỏi khó. Và rất nhiều người, nhiều tổ chức hình thành một bộ kỹ năng đối phó với các câu hỏi.
Không cần phải là người làm báo, cũng không cần phải là người dân khiếu kiện, cũng hình dung được bộ kỹ năng này. Hồ sơ thì “cần mất thời gian tra cứu”; con người thì “đi họp”; đường dây nóng thì chỉ thấy NSƯT Kim Tiến trả lời “thuê bao quý khách vừa gọi…”; túm được tận tay cán bộ thì cũng bị hắt ra “muốn đề nghị gì thì làm đơn theo mẫu” cho dù vốn chẳng có cái mẫu nào.
Vô vàn những kỹ thuật mà sau khi trải qua, bạn ngước lên đồng hồ và thấy đã 16h30. “Hôm sau quay lại nhé” - bạn nhận kết luận của buổi làm việc, rồi ra về. Điều an ủy duy nhất với bạn lúc ấy là ở các ủy ban người ta thường không thu tiền vé xe.
Trong những năm làm báo, tôi phát hiện ra rằng bộ kỹ năng né tránh các câu hỏi ngày càng được hoàn thiện. Chúng được truyền tụng cẩn mật giữa các cơ quan, như thành lũy kiên cố cuối cùng cho sự nghiệp chính trị của nhiều người giữa thời đại thông tin. Thời này, nói gì cũng có nguy cơ xuất hiện khắp Internet. Tốt nhất là đừng đẩy mình vào thế phải nói gì. Các kỹ thuật này khá thành công: chúng khiến rất nhiều người dân nản lòng và không hỏi han gì nữa.
Tháng Bảy này, có một Luật quan trọng có hiệu lực, Luật tiếp cận thông tin. Quyền được thông tin, quyền cơ bản của con người được ghi trong Tuyên ngôn nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ 1948, giờ có một hình hài pháp lý rõ nét ở nước ta. Về cơ bản, trừ các thông tin bí mật mà bạn có thể xem tại đây, thì hầu hết các thông tin nhà nước nắm giữ, công dân có quyền biết.
Nói cách khác, đó là một Luật quy định trách nhiệm trả lời rất nhiều câu hỏi của dân. Theo luật này, thì nếu bạn hỏi thành phố năm nay chi bao nhiêu tiền cắt tỉa cây xanh - thì ủy ban phải trả lời; nếu bạn hỏi tỉnh năm nay mua ấm chén tiếp khách hết bao nhiêu tiền - thì văn phòng phải trả lời; nếu bạn hỏi lịch đi công tác của các bộ trưởng - thì Bộ cũng phải trả lời. Nếu “về đến nửa đường thì Bộ đã quên”, người dân sẽ biết mà nhắc.
Tất nhiên, Luật tiếp cận thông tin còn nhiều điểm có thể cải thiện. Đơn cử như là nếu dân hỏi, cơ quan nhà nước vẫn cương quyết không trả lời, làm sai luật thì chưa rõ mức xử lý ra sao. Nhưng đó đã là một bước tiến quan trọng, một cú hích cho việc đặt ra các câu hỏi.
Việc đặt các câu hỏi và áp lực trả lời chúng, chính là phương thức tốt nhất giúp hệ thống công quyền giữ được sự minh bạch, liêm chính và hiệu quả.
Sẽ cần thêm thời gian để biết Luật tiếp cận thông tin sẽ đi vào cuộc sống như thế nào. Nhưng có một điều chắc chắn, là tính hiệu quả của nó sẽ phụ thuộc vào chính người dân. Chúng ta có đủ can đảm, trách nhiệm và sự nhẫn nại để liên tục đặt các câu hỏi hay không?
Đó là lựa chọn của chính bạn. Nếu không muốn đặt câu hỏi, bạn có thể tiếp tục quay lại đặt vè, như tinh thần của thập kỷ 60.
Đức Hoàng