Sau rút mũi kim vài tiếng, mắt trái của bệnh nhân đau dữ dội và không nhìn thấy gì, các bác sĩ phải mổ cấp cứu. Đó là một bi kịch. Hàng loạt sự việc diễn ra tiếp theo đã tạo nên một bi kịch khác: 4 tháng sau, bác sĩ Minh treo cổ tự sát.
Cho đến hôm nay, vẫn chưa ai tìm ra lỗi của bác sĩ Minh. Nhưng lúc đó, gia đình bệnh nhân đã gây áp lực mạnh mẽ, yêu cầu Bộ Y tế đuổi việc, cá nhân bác sĩ Minh phải bồi thường 30 triệu. Trước sức ép từ nhiều phía, bác sĩ Minh bị cách ly khỏi người bệnh, cách ly khỏi sinh viên, bị cô lập khỏi đồng nghiệp, phải tự rời bỏ bệnh viện và nhà trường, chuyến đi tu nghiệp tại Pháp cũng bị dừng lại.
Là người chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện, tôi rất quan tâm đến cách bác sĩ Minh vật lộn với bi kịch và kết thúc nó. Trước khi bị đình chỉ toàn bộ công việc, tôi nhìn thấy bác sĩ Minh run rẩy khi khám cho bệnh nhân, mệt mỏi khi giảng bài cho sinh viên.
Hàng chục năm công tác, đây là lần đầu tiên anh gặp tai biến nghiêm trọng. Mỗi buổi sáng đến viện Mắt, người bác sĩ chỉ biết ngồi im nhìn chồng bệnh án trong sự cô đơn và bất lực. Phía sau anh không có một ai, thay vào đó là những bộ bàn ghế trống, có thêm tập báo với hàng loạt bài viết về anh giống như một tội đồ.
Ngày nhận quyết định tạm thời đình chỉ công việc, bác sĩ Minh lái xe về nhà trong trạng thái hoảng loạn, mọi thứ bắt đầu tuột dốc. Những tháng ngày sau đó, bác sĩ Minh lặng lẽ sống quanh quẩn với mẹ già và mấy đứa em, tiếp tục gặm nhấm từng bài báo. Qua nhiều đêm mất ngủ, anh kể với tôi rằng mình suy nghĩ rất nhiều, và cảm thấy như bản thân là kẻ xấu, khi hình ảnh bệnh nhân cứ trườn qua cửa sổ, mang theo vết thương cũ đến tố cáo và đòi tiền.
Là người tiếp xúc trực tiếp với bác sĩ Minh, tôi biết anh không chỉ rất giỏi chuyên môn, mà còn là một bác sĩ rất yêu nghề, rất yêu bệnh nhân. Anh từng viết những câu thơ dành cho người bệnh.
Đêm 24/11/1996, bác sĩ Minh gọi đứa em gái đang học lớp 12 vào ngủ cùng. Anh tâm sự với em rất nhiều, muốn em gái học thật giỏi, nhất là môn ngoại ngữ để sau này có thể đi tu nghiệp ở nước ngoài. Nhưng bác sĩ Minh không muốn em theo học ngành y để trở thành bác sĩ.
Buổi sáng hôm sau, cô em gái cảm thấy bất an, lao vội về nhà. Bước chân lên căn gác, đập ngay vào mắt em là người mẹ già đang nằm bất tỉnh dưới sàn, anh trai đã được mọi người cắt dây đặt nằm xuống giường. Ngay phía dưới nơi anh treo cổ là chiếc ghế anh ngồi đọc sách hàng ngày, bên trên có một cuốn từ điển tiếng Pháp, trên nữa có chồng sách bệnh học, đó là những thứ anh tự kê và bước chân lên tìm đến cái chết.
Làm bác sĩ, tôi dễ dàng ghi lại sự đau khổ của nhiều đồng nghiệp sau những sự cố y khoa, cùng những tổn thương của gia đình họ.
Hôm nay, tôi vẫn còn thấy những giọt nước mắt của nhân viên y tế ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Họ chưa thể nào lấy lại bình tĩnh, bàn tay chưa thể hết run rẩy mỗi khi bước vào một ngày làm việc mới, dù 6 tháng đã qua kể từ vụ tai biến khiến 8 bệnh nhân tử vong.
Tôi cũng vừa mới được nghe tâm sự của các y bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh sau sự cố 4 cháu bé sơ sinh tử vong. Từ điều dưỡng cho đến bác sĩ, họ quá mệt mỏi khi mỗi buổi sáng đến viện sẽ là một ngày làm việc chuyên môn căng thẳng. Buổi tối họ còn phải trả lời hàng loạt câu hỏi điều tra của công an. Đêm muộn trở về đến nhà, trên một con đường có hai làn xe rỗng, họ phải chiến đấu với bản thân để giữ vững tay lái. Những ngày nghỉ đi chơi cùng gia đình, họ không cảm thấy gì cả.
Mỗi khi sự cố y khoa xảy ra, tâm lý của những người trong cuộc rất xấu, có khi là hoảng sợ không tìm thấy lối thoát. Nhưng họ vẫn không được phép dừng lại, không có sự trợ giúp thực sự; mà họ vẫn phải tiếp tục khám bệnh nhân và thực hiện những ca phẫu thuật. Nếu họ không lấy lại được sự tự tin của mình, thì chính những bệnh nhân tiếp theo sẽ lại phải gánh chịu hậu quả.
Nhân viên y tế là những người làm công việc thuộc lĩnh vực khoa học không hoàn hảo trong một thế giới không hoàn hảo, nên họ luôn phải đối diện với nguy cơ trở thành nạn nhân của chính hệ thống chăm sóc sức khỏe không hoàn hảo ấy.
Làm bác sĩ sẽ không ai tránh khỏi sai lầm. Nhưng sai lầm lớn nhất không phải là những lỗi chẩn đoán hay điều trị sai, cũng không phải do quy trình bị làm hỏng; mà sai lầm lớn nhất là chúng ta đặt niềm tin vào giá trị tuyệt đối của một cá nhân, để khi xảy ra sự cố thì mọi tội lỗi đều đổ lên đầu chính cá nhân ấy.
Hệ thống y tế được thiết kế với nhiệm vụ cụ thể là bảo vệ con người và không làm hại bất cứ ai; mà bác sĩ cũng chính là con người, họ cần được bảo vệ ngay trong hệ thống của mình.
Sự cố y khoa cần được nhìn nhận trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm không có nghĩa là mạng trả bằng mạng, máu trả bằng máu, cá nhân chịu trách nhiệm với cá nhân.
Sự vào cuộc của bệnh viện không chỉ thể hiện trách nhiệm, mà còn để bảo vệ nhân viên y tế tránh khỏi cuộc khủng hoảng về tinh thần và thể xác. Vai trò nhập cuộc của các cấp quản lý ngành cũng vậy, vừa để xử lý khủng hoảng, vừa giúp cho nhân viên y tế có chỗ dựa pháp lý vững chắc.
Tôi đặc biệt đề cao vai trò của các hội nghề nghiệp, bởi chỉ có uy tín chuyên môn cao nhất mới đủ khả năng hỗ trợ nhân viên y tế vượt qua khủng hoảng. Trong vụ việc 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị tử vong, đề nghị “để bác sĩ tại ngoại” của Tổng Hội Y học Việt Nam là một ví dụ sinh động cho vai trò của Hội này.
Cuối cùng, tôi quan niệm sự sẻ chia mới chính là liều thuốc hữu hiệu nhất để giảm bớt những nỗi đau. Mỗi khi nhân viên y tế gặp sự cố, họ rất cần sự chia sẻ của người thân và bè bạn. Nhưng ý nghĩa nhân văn hơn cả, vẫn là sự đồng cảm sẻ chia của dư luận xã hội; đó là những cái nắm tay, những nụ cười thân thiện, những cái tai hiểu biết.
Trần Văn Phúc