Đó là phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc trong cuộc tranh luận với lãnh đạo Công an Hà Nội về vụ việc ở xã Đồng Tâm, trên diễn đàn Quốc hội. Nội dung, là ông Lê Đình Kình gãy chân vì cán bộ công an đánh hay “do giằng co” trong quá trình bắt giữ.
Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra đã chứng kiến nhiều cuộc tranh luận nóng như vậy. Và chúng tuân theo một nguyên tắc về thời gian mà không phải cử tri nào cũng để ý. Mỗi đại biểu đứng lên nêu ý kiến cần gói gọn trong bảy phút, nếu tranh luận với người khác thì ba phút.
Ba phút có thể chỉ là 180 lần tích tắc của đồng hồ. Nhưng cũng có thể là khoảng thời gian đủ dài để một nghị sĩ “thắp lửa” nghị trường, truyền tải thông điệp của mình tới công chúng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - giám đốc Công an Nghệ An thì gây chú ý bằng một câu hỏi khác: cấp trung gian là cấp nào? Theo ông Cầu, tình trạng "bộ máy bên trong các bộ ngành nhiều tầng nấc trung gian” được đề cập nhiều lần. Nhưng cấp trung gian là cấp nào thì không nêu rõ.
“Tôi cố gắng tìm hiểu xem Tổng cục có phải cấp trung gian không?”. Ông Cầu thống kê rằng, hiện 17/22 bộ ngành có hơn 40 tổng cục và các bộ ngành không có tổng cục vẫn hoạt động bình thường. Vị đại biểu thẳng thắn tuyên bố đã đến lúc Quốc hội cần chỉ rõ “cấp trung gian” cần xem xét ở đây chính là Tổng cục.
Trên nghị trường kỳ này cũng đã xuất hiện những cuộc tranh luận thu hút nhiều đại biểu tham gia.
Bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó giám đốc Sở LĐTBXH Phú Yên, nhận xét "lĩnh vực nào có luật phòng, chống và có chương trình phòng ngừa thì kết quả thực hiện thường ngược lại". Ngay sau đó, một số đại biểu đã nặng lời phê bình bà Hiền “quy kết một chiều, lấy hiện tượng không phổ biến để đánh giá bao trùm công tác đấu tranh tội phạm”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại chia sẻ với đại biểu tỉnh Phú Yên. Họ cho rằng người dân biểu phải có trách nhiệm “nói thẳng nói thật” theo gửi gắm của cử tri.
“Nếu mà khiến đại biểu ngại không dám nêu ý kiến thì tôi cho rằng đây là thiệt thòi với Quốc hội và đất nước”, bà Trần Thị Quốc Khánh - Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, lên tiếng bảo vệ nữ đồng nghiệp.
Thống kê nhanh cho thấy, kỳ họp đang diễn ra đã ghi nhận kỷ lục của “những khoảnh khắc ba phút”. Trong hai ngày rưỡi Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách, có tới 27 đại biểu tham gia tranh luận. Và chỉ trong một buổi sáng Quốc hội nghị sự về phòng, chống tội phạm, 11 người giơ biển để “cọ xát quan điểm”.
Hơn 15 năm đưa tin hoạt động Quốc hội, tôi đã chứng kiến không ít cuộc tranh luận từ Hội trường Ba Đình cũ, nay là phòng họp Diên Hồng. Nhưng không khí tranh luận sôi nổi, với số lượng nhiều đại biểu cùng tham gia như lần này, chắc chắn là nét mới ở nghị trường.
Điều này đã phần nào phản ánh bước chuyển từ Quốc hội tham luận, với việc đại biểu chủ yếu đọc các bài nói chuẩn bị sẵn, sang Quốc hội tranh luận đúng nghĩa.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, quy tắc ba phút đặt ra để đảm bảo các phát ngôn trên nghị trường được súc tích, và nhiều đại biểu có cơ hội nêu ý kiến trước quốc dân đồng bào hơn.
Khoảng thời gian 180 tích tắc này, tình cờ gợi tôi nhớ đến câu chuyện “ba phút sự thật” của nhà văn Phùng Quán. Ông kể về việc người thanh niên Măngdana tham gia tổ chức bí mật nhằm lật đổ chế độ Batítsta ở Cuba trước đây. Anh cùng với mấy người bạn thân tín lên kế hoạch khá mạo hiểm: Đánh chiếm Đài phát thanh quốc gia vào giờ phát thanh ca nhạc, giờ mà không một người dân Cuba nào không ngồi bên máy thu thanh.
Sau khi đã dự liệu tính toán kỹ lưỡng đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong kế hoạch đánh chiếm, Măngdana cùng với bạn anh biết chắc rằng chỉ chiếm nổi đài phát thanh trong vòng 3 phút, có nghĩa là 180 giây đồng hồ, sau đó bảo vệ đài sẽ tiêu diệt anh. Vậy là bài nói chuyện của anh sẽ chấm hết ở giây đồng hồ thứ 181, tất cả những gì cần nói phải nói hết trong từng tích tắc trước đó. Anh đặt tên cho kế hoạch mạo hiểm này là "ba phút sự thật" và chấp nhận hy sinh để hoàn thành nó.
Câu chuyện trên ở đây hoàn toàn không có ý liên tưởng hay so sánh. Nhưng, điều mà nhà văn Phùng Quán đã viết, “Măngdana dạy tôi một bài học lớn về nghệ thuật ngôn từ. Cả những đề tài lớn lao nhất như sự thật, như chân lý, đều có thể diễn đạt nó trong vòng 180 giây đồng hồ”, rõ ràng là một gợi ý có giá trị xuyên thời gian và không gian.
Thời gian trên diễn đàn Quốc hội thực sự “quý hơn vàng”, hiểu theo nghĩa kinh phí cũng như tính chất quan trọng.
Sự thật có thể nói ra trong ba phút. Và sau những sự thật ấy, người dân chắc chắn mong mỏi rằng thời gian mà chính phủ bắt tay vào giải quyết vấn đề được nêu ra, cũng chỉ tính bằng phút.
Võ Văn Thành