Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. (Ảnh: Đẹp) |
Vũ Ngọc Đãng, anh chàng đầu trọc dễ mến, hẹn gặp nói chuyện lai rai tại quán Thềm Xưa, vào một sáng cuối tháng 4 mới đây, ngay sau khi vừa đóng máy bộ phim Tuyết miền nhiệt đới. Đãng chọn bàn ngồi bên khung cửa sổ, nắng hắt nhẹ vào, tuyệt đẹp. Cười giải thích: "Đây là bàn ngồi viết kịch bản Tuyết miền nhiệt đới đó". Ra vậy. Hay thật, cả 30 tập phim đâu ít ỏi gì, ngày lại ngày. Ừ, bỗng nảy ra cụm từ nghĩ chơi: Quán viết. Đãng có thói quen ra quán ngồi viết. Để nhìn ngó ngoài thiên hạ, rồi nhìn ngó vào trong cõi riêng mình, mà viết.
Đãng là chàng trai của thành công "tốc độ". Phim đầu tay, Chuột, vừa phát sóng ngay lập tức tạo dư luận xôn xao. Nhưng rồi anh gặp phải những điều không vừa ý, buồn phiền, chia tay chuyện làm phim. Bẵng đi vài năm, anh chuyên tâm trở thành phó nháy về giới người mẫu thời trang. Người thân, bạn bè đồng niên lẫn lớn tuổi hơn thỉnh thoảng nhắc Đãng trở về làm phim. Phim đầu tay xôn xao. Phim thứ hai thành danh. Danh cho một tên tuổi trẻ măng - Vũ Ngọc Đãng. Và, dành cho cụm từ "chân dài". Điều đó nghĩa là sao?
Giới người mẫu nhún nhảy trên sàn catwalk, cao ráo, ai cũng biết, nhưng biệt ngữ "chân dài" từ tính từ trở thành danh từ, ấy là sau khi bộ phim Những cô gái chân dài được tung ra. Cũng tựa như cụm từ "Biết rồi khổ lắm nói mãi" đã từ trang sách Vũ Trọng Phụng bước ra đời sống. "Chân dài" giờ trở thành lời nói cửa miệng, khẩu ngữ, rất tự nhiên để nói về những nàng người mẫu. Đãng tự lấy làm vui trước biệt ngữ này. Anh biết bộ phim của anh thành công đến mức nào. Bởi vì trong phim anh có cái mới, trong bối cảnh của đời sống điện ảnh lúc ấy.
"Tôi không nói Những cô gái chân dài là phim hay, vẫn còn nhiều chi tiết tôi không ưng ý. Nhưng vì sao khán giả đến xem? Vì phim có cái lạ, cái mới. Tôi quan niệm làm phim, trước hết, phải mới, phải lạ. Không mới lạ, người ta không đi xem đâu", Đãng nói.
Tuyết miền nhiệt đới là chùm câu chuyện về một lớp người trẻ măng, trong khoảng 16-27 tuổi. Ở cái xứ nhiệt đới, nóng đến bức người, làm gì có tuyết rơi lả tả? Vậy mà trong phim mới này của Đãng lại có một cách diễn đạt tài tình. Tuyết trắng ngập hẻm nhỏ. Giấc mơ lãng mạn của tuổi hoa niên, sức sống căng tràn của tuổi hoa niên. Thời hiện đại làm gì còn cổ tích? Nhưng, những nhân vật của Vũ Ngọc Đãng quyết tìm cho được cổ tích, tự mình tạo dựng cổ tích cho mình. Cũng như "buộc" tuyết phải phủ một màu tinh khiết lên cuộc sống thô nhám xam xám. Cách nào? Ồ, giữ "bí mật" vào phút chót, chờ đến khi phim phát sóng.
Đãng có được một êkíp đồng điệu. Là Trinh Hoan, giám đốc phim Tuyết miền nhiệt đới, đụng chuyện là nhảy vào ứng chiến cầm camera thao tác "trên cả tuyệt vời". Là Nguyễn Quang Dũng, đồng môn, nổi tiếng với những ý tưởng làm phim thuộc trường phái "phi lý" đến mức dễ nể, đồng thời còn sáng tác nhạc, phối khí các đoạn nhạc vào phim sao cho ngon lành nhất.
Đãng giải thích: "Tôi không quan niệm làm phim như bước vào 'thánh đường nghệ thuật' mà nhà trường giảng dạy. Ngợp lắm". Không ít người khi phát biển trên báo chí luôn đạo mạo, trịnh trọng về sứ mệnh của mình dù rằng giữa nói và làm... không giống gì hết. Đãng khác. Cũng chưa chắc cái sự chơi chơi của anh được đồng ý, nhưng chí ít thì cũng là suy nghĩ thành thật nhất.
"Sống giả, sướng ích gì, mệt thấy cha. Cứ nói thật được, đỡ hao tốn calo cho việc phải gồng lên đóng vai 'nghệ sĩ chân chính' (theo lối mòn). Tôi luôn luôn coi phim như một trò chơi, một sân chơi. Ai dồn hết sức quá thì lúc vào thử vai, căng thẳng, diễn mất tự nhiên. Ai thoải mái, đi thử vai một cách nhẹ nhõm, y như rằng sẽ được chọn", Đãng thẳng thắn.
Anh Thư, một phát hiện của Vũ Ngọc Đãng, vào vai chính trong phim Những cô gái chân dài. Lần này, trong vai chính Hằng của Tuyết miền nhiệt đới, đóng cặp với Lương Mạnh Hải trong vai Hải, cùng với Thanh Hằng vai Lam tạo thành "trio". Họ diễn không căng thẳng. Không có những cãi vã, bằng mặt mà không bằng lòng. Anh Thư là một cô gái dễ mến. Thanh Hằng, với đôi chân dài mà khi đi luôn khiến khách bộ hành dọc đường ngoái nhìn, cũng nhập vai kha khá. Lương Mạnh Hải tươi tắn trong đôi mắt. Tạo nên bộ sậu được vậy, cũng là một dấu ấn của Đãng.
... Lam, trong sáng tác của Đãng, là một nữ thi sĩ, một cô gái sống mà không biết mình đang thiếu thốn gì, với người khác thì cuộc sống an nhàn của Lam là mơ ước nhưng với Lam, cuộc sống ấy chẳng khác nào bị cầm tù. Đi, từ Hà Nội đi vào miền Nam. Đi, để khám phá. "Quái" thật.
... Hằng, trong tư duy của Đãng, là một cô gái đạp xe ba gác, sống ngổ ngáo, bặm trợn không khác gì cánh mày râu, phóng túng nhưng lại có một "nguyên tắc": Không nghỉ học bổ túc, không bao giờ nghỉ dạy cho đám trẻ bụi đời. "Quái" thế đó.
"Nhân vật của tôi là những con người không khắc kỷ, chơi... không kém ai. Nhưng mặt kia của họ là dám sống cho chính mình, dám đi đến cùng điều họ tin", Đãng cho biết.
(Ảnh: Tuổi Trẻ) |
"Con người ưa thích sự tò mò. Làm phim ít nhất phải có cái gì khiến người ta tò mò. Tôi thấy vài phim gần đây cứ đổ tội do mình không biết làm quảng cáo nên khán giả ít xem. Thực sự là do nội dung, phim không khiến người ta phải tò mò. Nói cách khác, rộng hơn, lồng trong sự thưởng thức phim của khán giả là một nhu cầu về khám phá. Ít hoặc nhiều tuỳ tài năng của đạo diễn, nhưng phải có khám phá gì đó", Đãng hào sảng nói lên điều dường như là một "bí quyết" cho thành công của mình.
Có lúc, Đãng tuyên bố bây giờ chỉ làm phim cho khán giả như Những cô gái chân dài, chấm dứt làm phim thể nghiệm cho mình như Chuột? Đãng thay đổi chính con người mình? Đãng ngần ngừ, ngồi cười.
Thực ra, phim Chuột vẫn có thể làm lại, kéo dài cho đủ 90 phút, với nhiều tình tiết. Nói gì thì nói, sự hồi hộp, rượt đuổi, sự trốn chạy trong Chuột rõ ràng một yếu tố hấp dẫn khán giả. Nhiều phim trên thế giới cũng áp dụng yếu tố như thế. Tiếng là thể nghiệm nhưng đâu có nghĩa không thể hấp dẫn đại chúng... Chuột thuở vào đời của Vũ Ngọc Đãng, ghi dấu một thân phận lạc lối, khắc khoải. Sự khắc khoải làm cho nhân vật khốn khổ nhưng lại làm cho người xem phim phải tôn trọng. Để khám phá cho chính mình. Và, như phim thứ ba vừa quay xong, đang vào hậu kỳ hoà âm, montage, Tuyết miền nhiệt đới lại xuất hiện những con người trẻ không chấp nhận an phận với hiện tại. Cứ đi tới. Đi, mới "đã". Ngồi không là "tiêu".
Vũ Ngọc Đãng nói, thời của các đạo diễn đã đến. Ánh mắt phấn chấn. Nhiều hãng phim mời gọi. Đãng thích sự tự nhiên. Cười tự nhiên. "Chơi" đầu trơn láng, không dùng tóc nguỵ trang, cũng tự nhiên. Giống như cái tài chụp ảnh của Đãng. Một nhiếp ảnh gia hầu như không sử dụng tấm phản quang khi chụp, đưa ra ngoại cảnh của đời thật mà bấm "click", ban đêm đi chụp cũng không dùng flash, cứ tự nhiên. Tay chắc, không run.
Mơ ước tương lai? "Một bộ phim kinh dị". Dữ dằn thế à? "Không, nhát lắm. Xem kinh dị như xem The eyes mà ám ảnh sợ đi thang máy cả tháng trời. Nhưng nhờ đó mình biết những cái gì làm cho... khán giả sợ". Đãng cười ngoác miệng.
Cười sáng cả hàm răng. Vũ Ngọc Đãng đó thôi, mà "định mệnh" in trên trán là... không đi theo thông lệ, thích tất cả những gì là lạ.
(Theo Cẩm Nang Tiêu Dùng)