Trên đài phát thanh Bosnia hôm 13/10, ông Gavrilo Grahovac, Bộ trưởng Văn hóa của Liên bang Hồi giáo Croat, tuyên bố không cho phép Angelina quay phim ở thủ đô Sarajevo và thành phố miền trung Zenica của Bosnia - Herzegovina. Liên bang Hồi giáo Croat là một trong hai thực thể tự trị của nhà nước Bosnia - Herzegovina sau nội chiến 1992-1995.
![]() |
Brad Pitt và Angelina Jolie đến thăm thủ đô Sarajevo của Bosnia hồi tháng 8. Ảnh: AFP. |
Theo báo chí Mỹ, bộ phim do Angelina đạo diễn và biên kịch kể về một người đàn ông Serbia và một phụ nữ Bosnia yêu nhau tha thiết nhưng bị chiến tranh chia lìa đôi ngả. Tuy nhiên, báo chí Bosnia cho rằng bộ phim về tình yêu giữa một nạn nhân chiến tranh người Hồi giáo và kẻ áp bức đất nước cô ta sẽ khiến dư luận nước này phẫn nộ.
Serbia từng gây tội ác chiến tranh, giết người hàng loạt, câu lưu, tra tấn những người Hồi giáo trong cuộc xung đột những năm 1990. Riêng năm 1995, có 8.000 người Hồi giáo chết trong các vụ thảm sát.
“Người ta không có quyền quay một phim như thế ở Bosnia. Họ chỉ được phép làm thế khi thay đổi kịch bản, kể một câu chuyện khác so với những gì chúng tôi nghe nói”, ông Grahovac nói.
Vị Bộ trưởng Văn hóa cho biết, vì ông không thể ngăn chặn việc bộ phim được quay ở một nước khác, ít nhất phim cũng không được cấp phép quay ở Bosnia. “Đó là cách chúng tôi thể hiện sự phản đối một bộ phim xuyên tạc sự thật lịch sử, làm tổn thương hàng nghìn nạn nhân chiến tranh”.
Gần đây, Angelina Jolie đã bắt đầu quay phim ở Hungary và sắp sửa đến Bosnia để thực hiện một số cảnh tiếp theo. Nữ diễn viên người Bosnia Zana Marjanovic đóng vai chính trong phim. Cô cho biết: “Phim là một tác phẩm điện ảnh kinh điển dựa trên bối cảnh cuộc chiến tranh Bosnia trong thập niên 90”.
![]() |
Angelina quay phim ở Budapest (Hungary) hôm 13/10. Ảnh: AFP. |
Nhưng những nạn nhân chiến tranh Bosnia đều đồng loạt phản đối bộ phim khi để cho một phụ nữ yêu kẻ đã thảm sát đồng loại của cô và cưỡng bức chính cô. “Đó là thứ lịch sử sai lầm. Trong số hàng nghìn phụ nữ đã bị cưỡng bức trong cuộc chiến, chẳng có ai lại đem lòng yêu kẻ hãm hại mình”, Bakira Hasecic, Chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ Nạn nhân chiến tranh ở Sarajevo, nói với AFP. “Không ai có quyền xuyên tạc nỗi đau của chúng tôi”.
Tháng 2/2001, Tòa án tội phạm chiến tranh ở Liên Hợp Quốc đã xử tù 3 người Serbia phạm tội cưỡng bức và ép buộc phụ nữ Hồi giáo Bosnia ở thành phố miền nam Foca. Đây là lần đầu tiên tòa án quốc tế tuyên phạt tội cưỡng bức như một tội ác chống lại loài người.
Pham Mi Ly