Đạo diễn Phillip Noyce và Hải Yến. |
- Cơ duyên nào khiến ông quyết định làm phim "Người Mỹ trầm lặng"?
- Rất tình cờ. Trong một lần sang VN thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi có mua cuốn thơ và bỏ nó vào một chiếc túi nhỏ. Khi đi tàu hỏa từ Đà Nẵng vào Huế, buồn tình, tôi giở ra xem thì thật kỳ lạ, do nhầm lẫn khi ở quầy sách, đó lại là quyển Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene. Trên tàu, vừa đọc, vừa ngắm nhìn phong cảnh, con người VN, tôi cảm thấy rất vương vấn và nảy ra ý định làm phim. Hẳn là có một sợi dây vô hình nào đó đã gắn kết tôi với tác phẩm này.
Một nguyên do khác thôi thúc tôi làm phim này là tôi luôn mong muốn được làm việc bên cạnh những cựu chiến binh VN từ sau đại chiến 2. Người Mỹ trầm lặng không chỉ là một câu chuyện hay về chiến tranh mà còn là một cuộc phiêu lưu, câu chuyện tình tay ba tuyệt vời, một vụ giết người bí ẩn.
- Phim của ông đã có những thay đổi gì so với nguyên bản của Graham Greene?
- Trước đây, đã có một đạo diễn thực hiện bộ phim này, nhưng tôi thấy nó dường như không tìm được sự đồng điệu, song hành với cốt truyện của G. Greene, thậm chí vai Phượng trong phiên bản trước còn do cô đào người Italy Giorgia Moll đóng. Hiểu được tư tưởng của Greene, tôi quyết định đưa truyện của ông lên màn ảnh gần như nguyên bản. Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ nằm ở diễn viên Tzi Ma (nhân vật Hinh). Ban đầu, anh chỉ đóng một vai nhỏ nhưng sau đó, tôi quyết định gộp hai nhân vật trong truyện làm một thành người trợ lý của Fowler (Michael Caine thủ vai). Bên cạnh đó, vai diễn của Brendan cũng được điều chỉnh một chút. Trong truyện, nhân vật Pyle khá ngây thơ nhưng lại là một chiến binh, nghe có vẻ không hợp lý lắm. Vì thế, tôi đã thay đổi hình mẫu này đôi chút.
- Vậy ông chuẩn bị làm phim như thế nào?
- Cách đây 9 năm, tôi đã đi tìm bối cảnh cho tác phẩm là một số ngôi nhà ở Hội An và sắp sẵn trong đầu những trường đoạn cần có. Đến khi gặp Hải Yến và một số diễn viên VN khác, tôi như được tiếp thêm cảm hứng. Tôi cũng đã phải tìm hiểu rất kỹ về âm nhạc. Nếu không tìm được giai điệu phù hợp thì các chi tiết của bộ phim sẽ rất vênh. Cuối cùng, nhờ sự giới thiệu của một số người, tôi quyết định dùng tác phẩm "Thiên thai" của nhạc sĩ Văn Cao để làm ca khúc chính, với sự thể hiện của giọng hát được khán giả VN mến mộ - Hồng Nhung.
- Tại sao ông lại quyết định mời Hải Yến tham gia vai nữ chính trong phim?
- Vào những buổi phân vai đầu tiên, Yến đã đến cùng Quang Hải, chồng cô. Giám đốc phụ trách phân vai đã chú ý tới cô gái đứng nép sau người bạn trai và gọi cô thử vai Phượng. Lúc ấy, chúng tôi đã cảm thấy rất hài lòng về Yến nhưng vẫn tiếp tục ra Hà Nội gặp gỡ và thử tài 500 cô gái khác. Thật may, ngay lần dừng chân đầu tiên, chúng tôi đã phát hiện ra viên kim cương cần tìm.
Hải Yến là một phụ nữ VN điển hình của thập kỷ 50, ở cô toát lên sự dè dặt và một vẻ đẹp mê hồn. Hải Yến khi thử vai rất hay ngượng và rụt rè, cũng chẳng nói được tiếng Anh, nhưng đến lúc phim bắt đầu quay, cô đã chứng tỏ là một tài năng nở rộ.
Hải Yến và Brendan Fraser. |
- Ông nhận xét thế nào về diễn viên chính Brendan Fraser?
- Brendan gần đây trở thành một hiện tượng, gặt hái được nhiều thành công cũng như tiền bạc. Anh đích thực là một "người Mỹ trầm lặng", thể hiện ở sự nghiêm túc trong công việc, lòng say mê và luôn tự rèn luyện bản thân. Tôi đã xem các buổi tập của anh, anh đã ghi chép hàng chục trang về từng cử chỉ, kịch bản của nhân vật xuyên suốt câu chuyện.
- Cảm giác của ông khi quay phim tại VN?
- Cái khó của tôi là làm sao làm sống lại không khí và tái hiện kiến trúc thuộc địa có một không hai này. Các nhân vật quần chúng tham gia rất nhiệt tình. Họ đã thể hiện rõ nét bản sắc con người VN trong con mắt người nước ngoài.
Thu Hương - Thu Trang
Ảnh: Xuân Thu