- Anh chuẩn bị xuất bản một tập truyện ngắn. Vì sao đang trên sân khấu, anh lại đặt một chân qua văn chương?
- Nghề diễn của tôi có giai đoạn chẳng khác nào Kép Tư Bền khóc cha trong truyện Nguyễn Công Hoan. Đời tôi tiếp xúc với người nghèo nhiều hơn người giàu. Khi đi diễn, tôi hay "lủi" vào chơi trong hậu đài. Đi làm chương trình truyền hình Ngôi nhà mơ ước của Đài truyền hình TP HCM, tôi la cà ở chợ để chính người dân quê dẫn tôi đến gặp đúng người đang thật sự cần một mái nhà.
Nhiều đêm không ngủ được, tôi lấy giấy viết ra ghi chép lại suy nghĩ của mình. Viết văn với tôi như là một sự thư giãn và cũng là cách để vơi nỗi lòng.
Nghệ sĩ Trung Dân và Xuân Hương trong chương trình "Những người thích đùa 2006". Ảnh: Hòa Bình. |
- Anh có thể bật mí đôi chút về những truyện ngắn này?
- Tôi có 22 truyện ngắn, viết trong 3 năm nay, dự định sẽ chia chúng thành 4 tập, với cái tên chung "Nơi đây là phương Nam". Vì mỗi truyện đều viết về con người và sự kiện của một vùng đất ở miền Tây Nam bộ.
Tập đầu gồm 4 truyện là "Tiếng lục lạc trong sương", viết về Tây Ninh; "Người đàn bà bên kia sông" viết về Đồng Tháp; "Nhiếp ảnh gia" về đất Cà Mau và cuối cùng là "Cái hũ chao", lấy bối cảnh ở tỉnh Sóc Trăng.
Bản thảo của những truyện này đã được nhà xuất bản chấp nhận, chỉ chờ tôi gật đầu là in. Nhưng tôi còn nấn ná, muốn chỉnh sửa. Sang năm 2008, tập truyện đầu sẽ ra mắt.
- Miền Tây Nam bộ như thế nào trong các trang viết của anh?
- Đó là những mảnh đời nông dân bất hạnh gắn liền với vuông tôm, con sông, cánh đồng miền Tây. Mọi người có thể gặp trong truyện tôi bà vợ chủ tịch xã "háo" ăn của dân, có cả vị chủ tịch sống lương thiện với đúng bản chất và trách nhiệm của mình. Tôi cũng chen vào trang viết chút kiến thức góp nhặt được về văn hóa ẩm thực miền Tây. Chẳng hạn như, ăn gỏi con ba khía trộn cùng với khoai mì, khoai lang luộc thì như thế nào.
- Anh thích đọc văn của những cây viết miền Tây nào?
- Tôi thích cái thật và nét buồn man mác trong Tấm ván phóng dao của Mạc Can, cái da diết, trí tuệ trong truyện Con chốt qua sông của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi thích tìm hiểu tại sao ở miền Tây người ta có chiếc tắc ráng. Tại sao lại có những cái tên như: Cần Giuộc, Cà Mau...? Những điều ấy mà đọc sách của nhà văn Sơn Nam thì hay phải biết.
- Gần đây, khán giả thấy Trung Dân xuất hiện nhiều trên các chương trình truyền hình hơn là trên sân khấu, vì sao thế?
- Tôi vẫn diễn thường xuyên ở sân khấu kịch Sài Gòn đấy chứ. Còn chương trình Suy và gẫm của Đài phát thanh - truyền hình Bình Dương, hay các chương trình nói về chuyện nhà nông ở vài đài miền Tây là chắc người ta thấy "tạng" tôi hợp với các "hai lúa" nên mời tham gia.
Tôi luôn nhớ và muốn đóng những vai ấn tượng như trong Tiếng vạc sành do chính tôi dựng trên sân khấu Idécaf ngày trước, hay các vai trong Những người thích đùa của nghệ sĩ Xuân Hương. Nhưng mọi việc còn phải đợi đến thời điểm thích hợp.
Ngay như Tết năm nay, tôi và nghệ sĩ Xuân Hương phải tạm gác Những người thích đùa lại đến giữa năm để việc chuẩn bị được cẩn thận hơn.
- Không ít người bảo, nhiều vai diễn của Trung Dân cho thấy anh là người cay cú với đời, động chuyện là châm chích. Anh nghĩ sao?
- Không hiểu vì sao đụng đến mấy đề tài gai góc, châm biếm là người ta hay "liệng" cho tôi. Không ít người nghĩ là tôi khó ưa qua những vai đó. Tôi thừa nhận mình là người rất khó chịu, nhất là khi gặp chuyện bất bình, chướng tai, gai mắt. Nhưng trong cuộc đời tôi là người sống thật. Ngay cả trong nghề diễn cũng vậy, chưa bao giờ xin xỏ ai một vai nào. Chỉ duy nhất một lần tôi xin được đóng một vai nhỏ trong vở Bí mật vườn Lệ Chi, vì quá thích vở đó.
- Là một trong những người đầu tiên góp phần xây dựng sân khấu Idécaf, thương hiệu uy tín của làng kịch TP HCM, nhưng anh đã rời Idécaf để trở thành một nghệ sĩ hoạt động tự do. Anh cảm thấy thế nào khi quyết định ra đi như thế?
- Khi rời sân khấu kịch Idécaf, tôi biết đời mình lật sang một trang hoàn toàn khác Cuộc đời tôi có nhiều lúc gặp chuyện buồn, nhưng tôi không nghĩ đó là xui xẻo mà xem giai đoạn đó như một khoảng thời gian để suy nghĩ về bản thân, công việc và những mối quan hệ.
- Nhiều người đồn anh rất giàu, đất đai nhiều, lại biết kinh doanh, vậy mà sao cả gia đình anh vẫn sống trong căn hộ hẹp ở một chung cư bình dân như hiện nay?
- Tôi không giàu như người ta đồn. Tôi chỉ có đủ những gì cần thiết cho cuộc sống của mình. Những khi mệt mỏi với cuộc sống nội thành, tôi lại về nhà ở Hóc Môn, Cần Giờ ngắm thỏ gà chạy lăng quăng, rồi trồng cây cảnh. Nếu không có sô diễn và chưa có hứng thú viết, tôi quay sang giá vẽ. Nhà tôi treo đầy những bức sơn dầu do tôi sáng tác.
Nhưng đừng tưởng vậy là tôi thảnh thơi. Nghề diễn viên sân khấu, chạy sô hài với tôi là kế sinh nhai. Một mình tôi phải lo cho cả gia đình. May mà bên cạnh tôi còn có một người vợ đảm đang, yêu thương tôi hết mực. Cô ấy lúc nào cũng sợ cái tính "khó chịu" sẽ mang lại những điều không hay cho tôi.
Điều quý nhất mà tôi có là tình cảm của khán giả. Có lần tôi về miền Tây làm chương trình, một bác nông dân nắm tay tôi nói: "Xe ông quan nào chết máy thì tụi tui không quan tâm, chứ xe Trung Dân mà chết máy thì tụi tui xúm lại giúp ngay" (cười).
Anh Vân thực hiện