"Làn sóng Hàn Quốc" là danh từ chỉ sự nổi tiếng của văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài trong thế kỷ 21, được hình thành nhờ các ngôi sao được hâm mộ rộng rãi trong các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh... Theo Newsis, tháng 2/2010, Quỹ giao lưu Văn hóa Hàn Quốc đã khảo sát mức độ yêu thích "làn sóng Hàn Quốc" ở châu Á. Kết quả cho thấy đứng đầu là Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam.
Hồi tháng 1 năm nay, một cuốn truyện tranh Nhật gây tranh cãi khi đưa ra thông tin chính phủ Hàn đầu tư hàng trăm triệu USD mỗi năm để hỗ trợ các ngôi sao của “làn sóng Hàn Quốc”, đồng thời quả quyết các nghệ sĩ nữ thường chấp nhận bị lạm dụng tình dục để trở thành ngôi sao. Cuốn truyện đưa hai nhóm nhạc nữ xứ kim chi KARA và SNSD ra làm ví dụ.
![]() |
Một biển hiệu phản đối Bae Yong Joon ở Nhật. Nam diễn viên là nghệ sĩ Hàn Quốc có ảnh hưởng nhất tại Nhật, theo khảo sát của báo chí Hàn trong năm 2010. Ảnh: Joong Ang. |
Theo Joong Ang, thông tin này không thể khẳng định về độ xác thực, lại được nói qua một hình thức sáng tác là truyện tranh. Tuy nhiên, dù xác thực hay không, cuốn truyện đã làm xấu hình ảnh của hai nhóm nhạc nữ Hàn trong mắt một bộ phận công chúng Nhật.
Bên cạnh “làn sóng Hàn Quốc” đang tràn sang nhiều nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, thái độ phản đối làn sóng này cũng tăng cao trong nhiều năm qua. Ở Nhật, những cuốn truyện tranh bôi nhọ các ngôi sao Hallyu kể trên có thể bán được hàng nghìn bản, chứng tỏ loại truyện này vẫn có công chúng.
Ở Đài Loan, các nhân vật nổi tiếng thường công khai lên truyền hình nói xấu nền âm nhạc đại chúng xứ Hàn (Kpop), tiết lộ những thông tin mà theo họ là “sự thật về mặt trái xấu xa của Kpop”. Họ không ngần ngại đưa hình ảnh các ngôi sao Hàn Quốc ra làm ví dụ cho luận điểm của mình, như lần ca sĩ Estrella Lin nói về SNSD trước đây. Ảnh khỏa thân ghép của một thành viên nhóm nhạc nam Super Junior cũng có thể được tìm thấy trên rất nhiều trang web ở Đài Loan. Báo chí ở đây từng đưa tin một thành viên SNSD có tên trên bìa băng đĩa sex bày bán tràn lan.
![]() |
Buổi biểu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc DBSK (tên tiếng Nhật Tohoshinki) tại sân vận động Tokyo Dome (Nhật) hồi tháng 7/2009 thu hút hơn 100.000 người hâm mộ. Tokyo Dome là sân khấu lớn, chỉ dành cho các ngôi sao cấp quốc tế. Ảnh: barks.jp/sharingyoochun. |
Ông Song Won Sup, giám đốc công ty Giải trí và Thể thao Joong Ang ở Hàn Quốc, nhận định thái độ ác cảm này có thể lý giải từ góc độ lịch sử và tâm lý.
“Các nền công nghiệp Hàn Quốc đầu tư mạnh về việc xuất khẩu sản phẩm, tác phẩm ra nước ngoài nhưng lại từ chối nhập khẩu”, ông nói. “Cách làm này khiến người nước ngoài không hài lòng”. Theo ông, Trung Quốc cũng là một nước có nền văn hóa hùng mạnh và họ không muốn “làn sóng Hàn Quốc” áp đảo các nghệ sĩ của họ. Người Nhật ghét các ngôi sao Hallyu vì văn hóa Hàn Quốc trước đây từng học hỏi các xu hướng của văn hóa Nhật.
“Nhiều người bảo thủ ở Nhật vẫn nghĩ Hàn Quốc là nước kém phát triển hơn họ, từng là thuộc địa của họ (từ năm 1910 đến 1945) nên không chấp nhận được thực tế ‘làn sóng Hàn Quốc’ tràn vào Nhật Bản. Từ góc nhìn của họ, Hàn Quốc đang thách thức Nhật Bản về mặt chính trị và kinh tế”. Thực ra, ở xứ kim chi hiện nay cũng có người đòi phản đối Nhật Bản vì “vùi dập” các ngôi sao Hallyu. Theo Joong Ang, điều này không những không giải quyết được gì mà còn đổ thêm dầu vào lửa.
![]() |
Người hâm mộ Đài Loan chào đón nam ca sĩ Rain khi anh đến đây biểu diễn tour "Legend of Rainism" tại Cao Hùng, tháng 2/2010. Ảnh: Asiae. |
Với Đài Loan, lý do có phần phức tạp, người Đài Loan không ủng hộ xu hướng chính trị và kinh tế của Hàn Quốc hiện nay bởi nó đi ngược lại với lợi ích của Đài Loan. Trong lịch sử, Hàn Quốc từng là đồng minh của Đài Loan về các mặt này. Từ đó, xuất hiện tâm lý không ủng hộ sự "xâm lấn" của văn hóa Hàn Quốc.
Ông Song đề xuất rằng mỗi dân tộc nên quan tâm đến nền văn hóa của chính mình, tuy nhiên người Hàn Quốc cũng phải nghiêm túc xem xét tại sao nhiều người nước ngoài ác cảm với việc quảng bá văn hóa của họ.
Pham Mi Ly