Tuần qua, Sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa ra mắt vở Hãy khóc đi em (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, dựa trên truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng của nhà văn Trần Thùy Mai). Vở kịch lần này là phiên bản mới của tác phẩm cùng tên xuất hiện trên sân khấu Idecaf lần đầu tiên năm 2004 và tạo nên sức hút lớn thời với khán giả TP HCM thời điểm đó. Năm 2007, Hãy khóc đi em ngưng diễn.
Năm nay, đạo diễn Ái Như tiếp tục "thổi hồn" vào bản dựng cũ để vở diễn ăn khách một thời tái ngộ người hâm mộ.
Hồng Ánh (áo trắng) trong vai Thắm và Thanh Thủy (áo vàng) trong vai Hạnh của kịch "Hãy khóc đi em". |
Cả Hãy khóc đi em (kịch), Trăng nơi đáy giếng (truyện ngắn) hoặc bộ phim điện ảnh cùng tên do Nguyễn Vinh Sơn thực hiện đều là những tác phẩm nổi tiếng. Tuy vậy, điều này không làm giảm háo hức của khán giả khi đến với vở tái dựng. Ngược lại, càng khiến người xem muốn một lần nữa được đắm chìm trong từng đợt sóng cảm xúc xoay quanh bi kịch gia đình của những con người sống ở vùng quê.
4 nhân vật Hạnh, Phương, Hướng, Thắm là tuyến nhân vật chính. Trong đó, chỉ có vai Hạnh (do nghệ sĩ Thanh Thủy thể hiện) và vai Hướng (nghệ sĩ Thành Hội thể hiện) là được giữ nguyên so với bản dựng cũ. Còn lại, diễn viên Quang Thảo đóng vai Phương, vốn trước đây từng được thể hiện rất thành công qua diễn xuất của NSƯT Thành Lộc. Hồng Ánh thể hiện vai Thắm từng được Cát Phượng hóa thân. Ở tuyến phụ, đạo diễn Ái Như vào vai Thu, nữ nhân viên hợp tác xã tọc mạch, lắm lời.
Sự đổi mới về vai trò mang đến nhiều thử thách cho êkíp diễn viên ngay từ những ngày trên sàn tập vào nhiều tháng trước. Với nghệ sĩ Thành Hội và Thanh Thủy, họ phải làm thế nào để không lặp lại chính mình như trên sân khấu Idecaf vào 7 năm trước. Và thử thách của những diễn viên còn lại là phải làm sao để vượt qua cái bóng của các nghệ sĩ đã thể hiện quá đạt vai, được khán giả yêu mến, "nhớ mặt đặt tên".
Thanh Thủy hóa thân vào Hạnh, người đàn bà bị chồng phụ bạc đến nỗi hóa điên dại. |
Với tài dàn dựng, đạo diễn Ái Như gắn kết người cũ - người mới lại với nhau, tạo nên một bản dựng, tuy khá giống với đường dây kịch tính của phiên bản cũ, vẫn mang dáng dấp khác.
Với Hãy khóc đi em, Hồng Ánh tạo một điểm nhấn thú vị. Trên màn ảnh rộng, chị từng vào vai Hạnh kham khổ trong bộ phim Trăng nơi đáy giếng đoạt nhiều giải thưởng. Nay, trên sàn diễn, chị lại được Ái Như chọn vào vai đối lập, Thắm, người đàn bà quê tinh khôn, "cướp" chồng người một cách nhẹ không. Nửa vở đầu, Hồng Ánh khiến khán giả bật cười với hình ảnh cô gái quê, thô kệch, sai đâu làm đó. Về sau, người xem lại cảm thấy ghét cái nét cong cớn, đanh đá của người đàn bà thủ đoạn do cô thể hiện. Qua Thắm, Hồng Ánh được dịp làm mới mình, thể hiện sự đa dạng trong diễn xuất, mang thích thú đến cho khán giả.
Cũng như từng với Hồng Ánh, khán giả của Hãy khóc đi em thương cho sự hóa thân hết mình của Thanh Thủy vào vai Hạnh, người đàn bà kham khổ.
Trong cuộc sống đời thường, 7 năm là khoảng thời gian đủ để già hóa một con người. Nhưng cũng ngần ấy năm, Thanh Thủy xuất hiện trên sân khấu Hãy khóc đi em vẫn đầy sự say đắm dành cho vai diễn. Hạnh cũng là vai có tâm lý phức tạp nhất trong số các nhân vật của vở. Đầu kịch, Thanh Thủy là người đàn bà tôn thờ chồng, song song đó là sự giằng níu với Hướng, người đàn ông gắn bó từ nhỏ, yêu Hạnh tha thiết nhưng chỉ được chị đáp trả bằng tình anh em. Đi sâu vào kịch, chị lại mang tâm trạng của người phụ nữ cảm nhận rõ cuộc hôn nhân của mình đã "chết" nhưng vẫn ra sức nắm giữ. Cảnh Hạnh giằng khúc chân giò khỏi tay cô vợ "thuê" vì đây là miếng ăn chị dành cho người mình yêu, hay khoảnh khắc Hạnh ôm rịt thằng bù nhìn rơm như một bám víu vào tình yêu thương sau những mất mát đổ ập xuống cuộc đời bất hạnh của chị... khiến khán giả phải rơi nước mắt.
Nếu như suốt chiều dài của vở diễn, Thanh Thủy dồn nén nỗi đau của nhân vật qua dáng dấp tong tả, lo toan của người đàn bà quê; đến cảnh kết, tiếng khóc nấc nghẹn của chị khiến khán giả lặng người.
Trong nguyên bản Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai, đoạn kết, độc giả bị ám ảnh bởi "cái cười mơ màng lâu nay vẫn ẩn hiện" trên khuôn mặt Hạnh. Cái cười điên dại trong truyện là dấu chấm hết cho một thân phận đàn bà bị sự bội phản trong tình nghĩa vợ chồng vùi dập đến tận cùng. Còn tiếng khóc thảng thốt của Thanh Thủy trong đoạn kết của vở diễn lại là sự giải phóng u uẩn, trầm uất của bi kịch, để khán giả có quyền hy vọng, sau vỡ òa sẽ là một Hạnh khác, tìm lại được cuộc sống bình yên. Đó là nét tạo nên sự khác biệt giữa tác phẩm sân khấu và văn học.
Nghệ sĩ Thành Hội (vai Hướng) cũng làm được một việc mà không phải diễn viên kịch nào cũng có thể làm thành công: văng tục trên sân khấu. Một hợp tác xã viên thường say bét nhè, yêu đến dại khờ một người đàn bà và cuồng nộ khi phát hiện ra người mình yêu bị lừa dối được Thành Hội diễn với phong cách vừa hài vừa sâu. Khi phát hiện bi kịch hôn nhân của người đàn bà mình yêu, Hướng cục cằn chửi thề. Cái tục ấy không làm người xem thấy bợn, ngược lại họ tán thưởng nghệ sĩ bằng tràng pháo tay to. Bởi tiếng chửi ấy rất thật, gần gũi đời sống, tình cảm của một con người.
Khán giả dành cho các nghệ sĩ những tiếng vỗ tay vang dội khi đêm diễn kết thúc. |
Tuy vậy, cũng có khán giả cho rằng, vở có vài cảnh diễn cường điệu cảm xúc, mang đến sự nặng nề cho người xem. Ngoài ra, có ý kiến nhận xét, nếu vở bớt đi vài màn pha trò (như cảnh thằng Bảnh do Nguyễn Long thể hiện cười quá lố, thừa thãi), hay cảnh đánh đấm nhau khá lâu giữa nhân vật của Thành Hội và Quang Thảo, thì Hãy khóc đi em càng cô đọng, súc tích hơn, nâng cao hiệu ứng dồn nén cảm xúc ở đoạn kết.
Hãy khóc đi em diễn vào các ngày 7, 12, 21, 26, 27/8.
Bài, ảnh Thoại Hà