Mỗi ngày đọc một trăm trang sách, khi nhận mỗi vai diễn thường nghiền ngẫm rất kỹ, liên tưởng xem nó giống nhân vật nào mình đã gặp trong tiểu thuyết, rồi "ăn cắp" nét tính cách đó, biến tấu và sáng tạo cho vai diễn là những bí quyết của NSND Trọng Khôi khi dấn thân vào nghệ thuật. “Tôi tâm đắc nhất câu cụ Thế Lữ đã dạy: Diễn viên có tài phải biết lừa, nghĩa là đã diễn thì không được để khán giả biết ý định của mình là gì. Những cuốn sách cho tôi hiểu một điều: Anh hùng không phải lúc nào cũng hiên ngang, còn kẻ thù không nhất thiết lúc nào cũng phải xấu xa, bần tiện” - Trọng Khôi chia sẻ lúc sinh thời.
Anh hàng thịt trong kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt (1990)
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái - người có nhiều nghiên cứu với ngành sân khấu, NSND Trọng Khôi là người tài năng từng đóng góp phần thành công cho rất nhiều vở diễn. Vai kịch lớn nhất của ông là anh hàng thịt trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt. “Đây cũng là vở hay nhất của Lưu Quang Vũ, xử lý đạo diễn hay nhất của Nguyễn Đình Nghi với không gian sân khấu. Tóm lại, đây là một sự hòa hợp của tam giác: người viết kịch - đạo diễn - nghệ sĩ. Những cái như thế không lặp lại nhiều trong sân khấu. Hiện sân khấu rất thiếu vắng những điều này. Có khi người ta thiếu một kịch bản hay, có khi người ta thiếu một đạo diễn giỏi và có khi là thiếu một diễn viên có thể đi đến đáy của văn chương, hoặc không phô hết được thế mạnh của diễn viên là hình thể sân khấu và tiếng nói sân khấu” - vị giảng viên Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn nhận định.
Trọng Khôi vào vai anh hàng thịt mang hồn phách Trương Ba đang nghe lý trưởng (Phạm Bằng) phân xử về việc ở nhà anh hàng thịt hay nhà ông làm vườn. |
Trọng Khôi đã ứng dụng được tốt nhất những thế mạnh của mình. Hình thể của ông diễn đạt rất rõ cái kềnh càng, vai u thịt bắp của người chuyên bán thịt, nhưng tâm hồn mỏng mảnh của người làm vườn yêu cái đẹp, thích đánh cờ, xem hoa. Cảnh vợ anh hàng thịt đem lòng yêu người mang thân xác chồng nhưng có tính cách nhẹ nhàng, dịu ngọt là cảnh hay nhất của Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Trọng Khôi được đánh giá rất tinh tế khi diễn đạt cái xúc động run rẩy của hồn Trương Ba và phút suýt thuận theo cái xác của anh hàng thịt mà ngã vào lòng người đàn bà.
Cái khó của vai diễn này là một diễn viên phải đóng hai vai. Giây phút con người và giây phút thần thánh cứ nhập nhoạng vào nhau, giằng xé lẫn nhau tạo nên sự hấp dẫn của nhân vật. Trọng Khôi đủ năng lực để thực hiện yêu cầu kỹ thuật cao của hình tượng nhân vật. Trên sân khấu, diễn viên cần tạo ra những hình tượng nhân vật mang tính số phận và Trương Ba là một số phận lớn. Chính vì thế, NSƯT Lê Chức cho rằng, đây là vai diễn rực rỡ nhất trong cuộc đời sân khấu của Trọng Khôi.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt nhận huy chương vàng và được chấm giải vở diễn thành công nhất của Hội diễn quốc tế Matxcơva 1990. Năm 1998, vở diễn tiếp tục chinh phục sinh viên tại hơn 20 trường đại học Mỹ.
Nghị Hách trong phim Giông tố (1991)
Với điện ảnh, Trọng Khôi nổi tiếng với vai Nghị Hách. Đến mức người ta gọi ông là Khôi Nghị Hách. Trong bộ phim của đạo diễn Nguyễn Mạnh Lãi, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng, Trọng Khôi hóa thân thành gã trọc phú dâm ô, khả ố và gian manh, cưỡng hiếp cô thôn nữ xinh đẹp. “Nghị Hách là tên ít học thức, láu cá, lại có máu dê. Lúc đầu, tôi nghĩ mãi không ra cách thể hiện nhân vật. Bỗng một hôm chợt nghĩ Nghị Hách rất giống con dê. Thế là, Nghị Hách có kiểu cười nửa của người, nửa giống tiếng dê kêu” - Trọng Khôi từng chia sẻ trên báo chí.
Vai diễn gây ấn tượng quá mạnh khiến Trọng Khôi từng bị khán giả ghét. Khi hay tin ông mất, trên Facebook, có bạn trẻ viết: "Tôi từng rất ghét diễn viên đóng vai Nghị Hách, biết tin ông qua đời lại thấy thương ông quá".
Trọng Khôi trong tạo hình nhân vật Nghị Hách. |
“Có rất nhiều diễn viên đóng vai phản diện nhưng Trọng Khôi đã làm được một điều là xây dựng thành một hình tượng nhân vật điển hình. Sau này, ai ác, ai đểu, người ta đều ví với Nghị Hách. Anh ấy diễn không giống ai nhưng tạo được hiệu quả lớn nhất với khán giả. Chính việc khán giả ghét Trọng Khôi khi anh đóng vai Nghị Hách là minh chứng rõ ràng nhất cho thành công của anh” - nhà biên kịch Đăng Chương, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn, nhận xét.
“Trước hết Giông tố là câu chuyện đã nổi tiếng. Khi thực hiện vai này, anh Khôi cũng là người có tên tuổi. Phải nhấn mạnh là anh ấy có gương mặt và hình thể rất phù hợp với nhân vật. Cảm giác Nghị Hách vừa phù hợp hình ảnh bên ngoài vừa đối nghịch bản chất con người Trọng Khôi. Trong nghệ thuật có tính song trùng: cái “tôi” thứ nhất và cái “tôi” thứ hai nằm trong nhau. Ranh giới của nghệ sĩ và nhân vật mỏng như lưỡi dao cạo, không ai phân biệt được nữa. Khi phân vai đúng, coi như đạo diễn đã thắng một nửa” - NSƯT Lê Chức nhận xét.
Ngoài ra, nhớ tới Trọng Khôi, người ta còn nhắc tới những vai diễn nổi tiếng khác của ông với sân khấu như trong Đôi mắt, Kẻ đốt đền, Vua Lia, Bài ca chiến thắng… hay với những vai trên màn ảnh nhỏ như Trừng phạt, Huyền thoại về người mẹ, Săn bắt cướp, Đứng trước biển… Ông còn từng được nhận Huân chương danh dự, kỷ niệm chương của Bungaria khi thể hiện hình tượng Tổng bí thư nước này.
NSND Trọng Khôi từ trần sáng sớm 14/3 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 69 tuổi. Lễ truy điệu của ông được gia đình và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cử hành từ 7h đến 9h30, sáng 19/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông Hà
Nội. Sau đó, thi hài ông sẽ được đưa đến Đài hóa thân Hoàn vũ.
Ngọc Trần