Đây cũng chính là vấn đề gây băn khoăn tại Hội nghị "Triển khai thực hiện quyền tác giả âm nhạc" được VCPMC tổ chức sáng 23/5 nhằm hướng dẫn cho "cộng tác viên" tại các địa phương trong việc thu tác quyền đối với khách hàng sử dụng âm nhạc vì mục đích thương mại.
VCPMC đã ra biểu giá cụ thể cho từng lĩnh vực nhưng đây vẫn chỉ là văn bản tham khảo mang tính chất tương đối. Những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi đã "làm khó" không chỉ người nộp, người thu mà cả cán bộ thanh tra nhà nước, đặc biệt là đối với việc thu tác quyền âm nhạc trong môi trường kỹ thuật số. Sự chồng chéo và thiếu chuẩn hóa xuất hiện khi Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV) cũng vừa đưa ra mức giá khá chênh so với giá của VCPMC. Bà Ngô Thị Sỹ, phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, kiến nghị: VCPMC và RIAV cần đưa ra biểu giá rõ ràng, thực hiện mức thu đồng đều, công bằng giữa các khách hàng và nên chăng cân nhắc lại giá tác quyền. Vì hiện tại, nhiều đơn vị sử dụng âm nhạc cho rằng, phí tác quyền đang được thu ở mức quá cao.
![]() |
Sao Mai Điểm hẹn - một chương trình sử dụng rất nhiều nhạc phẩm đương đại. Ảnh: Ngọc Trâm. |
Ý kiến của bà Sỹ nảy sinh từ những khó khăn trong việc thu tác quyền đối với các website âm nhạc. Hiện tại, Việt Nam có khoảng hơn 80 website, trong đó, mới chỉ có 10 đơn vị ký hợp đồng với VCPMC. Để sử dụng mỗi nhạc phẩm một cách hợp pháp, các website cần có chứng nhận bản quyền của cả Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm. Biểu giá VCPMC đưa ra là 16.000 đồng cho một tác phẩm trong một tháng và 300 đồng cho mỗi lượt sử dụng. Trong khi, RIAV tính tròn 1 triệu đồng mỗi bài mỗi năm. Nếu nhất nhất theo mức giá đó, mỗi năm, một website có thể sẽ phải dốc túi hàng tỷ đồng để thanh toán tiền bản quyền. Đặc biệt, con số mà RIAV đưa ra được coi là quá cao so với mức giá của VCPMC và "sức chịu đựng" của các site âm nhạc.
Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ Mạnh Chu - Cục trưởng Cục bản quyền tác giả Văn học Nghệ thuật Việt Nam - cho rằng: "Giao dịch tác quyền là hoạt động mang tính chất dân sự, dựa trên nguyên tắc thuận mua vừa bán. Chủ sở hữu có quyền định giá còn người sử dụng có quyền mặc cả. Cùng là hai mảnh đất như nhau, cạnh nhau, anh có thể bán 10 triệu, tôi bán 11 triệu là tùy thuộc vào tài thương lượng của anh và tôi". Nhưng theo ý ông, VCPMC và RIAV cần có sự đồng thuận và ủng hộ lẫn nhau, tránh mâu thuẫn ngay từ khi mới bắt đầu phát triển.
![]() |
Trịnh Công Sơn - một trong những nhạc sĩ bị vi phạm tác quyền nhiều nhất. Ảnh tư liệu. |
Trên thực tế, cách áp dụng thiếu chuẩn hóa, thừa linh động này đã khiến khách hàng luôn mang tâm lý bất an vì sợ mình phải trả nhiều hơn "nhà hàng xóm". Trong nhiều trường hợp, chủ sở hữu vừa bán, nhưng người sử dụng chưa hẳn đã thuận mua. Trong thời gian tới, có thể nhiều website âm nhạc sẽ bị sập vì không kham nổi tiền tác quyền. Chính vì vậy, bà Sỹ cho rằng, triển khai thu tác quyền là điều nhất định phải thực hiện, nhưng cần cân nhắc sao cho hợp lý. Vì các site âm nhạc trực tuyến là một kênh giải trí rất lớn, rất quan trọng của công chúng ngày nay.
Năm 2007, VCPMC thu được hơn 9 tỷ đồng tiền tác quyền. Từ đầu 2008 đến nay, họ đã thu được hơn 2,3 tỷ. Để hoàn thành chỉ tiêu 12 tỷ đồng, Trung tâm đã mở rộng mạng lưới chi nhánh tác quyền ở nhiều tỉnh thành. Hiện tại, VCPMC có hơn 40 cộng tác viên tại các địa phương trên cả nước. Song song với việc vươn dài phạm vi hoạt động, Trung tâm còn triển khai thêm việc thu phí ở 5 lĩnh vực mới (ngoài 12 lĩnh vực đã được thực hiện) như cửa hàng giày dép, quần áo, mỹ phẩm; câu lạc bộ, trung tâm thẩm mỹ...
Tán thành chủ trương xây dựng hệ thống trung tâm bảo vệ tác quyền trên cả nước, tại Hội nghị, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội nhạc sĩ VN - cũng bày tỏ băn khoăn về ý thức chấp hành quyền sở hữu trí tuệ, ngay trong giới nhạc sĩ. Ông nói: bên cạnh những nhạc sĩ cương quyết bảo vệ quyền tác giả đến cùng, nhiều người còn chưa thực sự quan tâm đến chuyện tiền nong, họ ưu tiên hơn cho việc phổ biến tác phẩm của mình đến đông đảo quần chúng. Đó cũng là một trong những trở ngại cho Trung tâm bảo vệ tác quyền.
Chia sẻ quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Trần Chiến Thắng cho rằng, nhiều thập kỷ qua, các nhạc sĩ Việt Nam đã quen với "thiệt thòi". "Ca sĩ ngày càng trở thành sao nhờ những sáng tác âm nhạc, còn nhạc sĩ ngày càng nghèo, thậm chí không có nổi cái vé mời trong các buổi biểu diễn", ông nói. Vì vậy, theo ông, Việt Nam cần nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của Luật sở hữu trí tuệ, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người sáng tác.
Tại Hội nghị, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, cho biết: Năm 2008, VCPMC sẽ cố gắng thu hút số nhạc sĩ ủy quyền cho Trung tâm lên trên 1.500 người. Đến tháng 3/2007, Trung tâm đã giành quyền đại diện cho 1.069 tác giả.
Hà Linh