Khi Tự Long nhảy vào giữa sân khấu, hát nhạc chế để chê những người đẹp thích “khoe hàng”, anh nhận được tràng vỗ tay giòn giã vì gãi đúng chỗ ngứa của khán giả trong năm 2011. Không nói thẳng tên nhưng mọi người đều có thể đoán ra nhân vật mà Tự Long nhắc tới với những ám chỉ rõ ràng về Ngọc Quyên: Chụp hình nude giữa núi rừng hay gọi thẳng danh xưng 'Nữ hoàng nội y' của Ngọc Trinh - cô người mẫu từng tự hào khoe mình có vòng ba lớn, da trắng không tì vết. Từ đó anh chàng tiếp tục phê phán những nữ nghệ sĩ ăn mặc kiệm vải khoe ngực và không ngần ngại ví họ như “con điên”. Đây có thể xem như một đòn trực tiếp "đánh" vào vấn nạn của showbiz Việt.
Táo Thể thao nhảy múa với "Đường cong". |
Khi tất cả đều tưởng nhân vật của Tự Long là Táo Văn hóa thì anh mới nhận mình là Táo Thể thao, chỉ mượn câu chuyện của anh bạn thân trong liên ngành ra ứng dụng cho mình. Theo đó, Táo Thể thao dự định cho các cầu thủ nude như nghệ sĩ để thu hút người xem quay lại với sân cỏ khi họ đã quá chán những cầu thủ, trọng tài "bán độ", thỏa thuận tỷ số. “Nghệ sĩ nude vì môi trường, cầu thủ nude vì thể thao” - câu nói của Tự Long khiến khán giả không thể nín cười. Sa thải huấn luyện viên ngoại qua điện thoại, giả vờ từ chức rồi đến khi được Ngọc Hoàng ưng thuận lại níu kéo xin tiếp tục làm việc, mất chức thì quay sang làm bầu, thoải mái “chém gió”, tách giải đấu làm hai… Tự Long lần lượt đem chuyện Bầu Kiên, huấn luyện viên Goetz, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn… “lên thớt”. Chuyện ra đi ồn ào của Công Vinh khỏi đội T&T cũng không được bỏ qua. “Hôm qua nói sẽ ở lại, hôm sau lại đòi: Cháu đi tìm thử thách mới” - Tự Long châm biếm.
Với phần trình diễn của mình, Tự Long không chỉ gánh công việc Táo Thể thao mà cả Táo Văn hóa. Táo quân 2011 đã dành nhiều thời gian cho các vấn đề thông tin báo mạng, các cuộc thi truyền hình nên việc giảm nhẹ phần Táo Văn hóa ở chương trình năm nay là hợp lý. Cuộc thi duy nhất được đem ra làm cảm hứng xây dựng chương trình là “Cặp đôi hoàn hảo” với phần tung hứng của Quang Thắng - Vân Dung. Vân Dung chuyển sang làm Táo Y tế trong khi Quang Thắng vẫn tiếp tục vai Táo Kinh tế. Cặp “Song Tế” có màn múa võ đu dây khá thú vị phần mở đầu, màn hôn nhau ở phần kết tiết mục làm người xem nhớ tới nụ hôn gây xôn xao của “Song Ngọc” là Ngọc Anh - Ngọc Ngoan. Những phần diễn như bác sĩ móc nhầm thận, ba bệnh nhân nằm chung một giường, phát động phong trào nói không với phong bì hay sự nằm liệt của bất động sản, vàng, doanh nghiệp có sự liên hệ hai bên thú vị.
Màn song kiếm hợp bích của Táo Kinh tế và Táo Y tế. |
Trong khi đó, Táo Giao thông Chí Trung lại “không dại chui vào cái lò xay nghệ sĩ để bị ném đá” như Quang Thắng - Vân Dung, dù anh cũng có phần sánh đôi cùng NSƯT Minh Hằng. Được nói sâu nhất, nhiều nhất là Táo Giao thông. Trong vai diễn như được dành riêng cho mình, Chí Trung thỏa sức tung hoành với nhiều cung bậc cảm xúc: từ cười tới khóc, từ hớn hở tới cáu giận. Anh khéo léo lôi ra những câu chuyện nóng năm qua: cháy xe không rõ nguyên nhân, quăng lưới bắt xe máy, cấm nhân viên đánh golf, tăng giá vé máy bay, tuyển nhầm phi công "đểu", tăng lệ phí xe…
Táo Giao thông có nhiều phát ngôn khiến người xem nhớ tới người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải: “Quan chức đi xe bus để nhân dân thấy mình đồng cam cộng khổ. Nhiều nhân viên bảo tôi đi cửa trước cho báo chí chụp ảnh rồi em đón anh cửa sau nhưng tôi đi đàng hoàng, đến hết bến. Có điều tôi chỉ đi một lần thôi… Đừng nói vớ vẩn, anh trảm tướng ngay. Anh đã trảm mấy tướng rồi đấy”.
Phần diễn của Chí Trung tái hiện bức tranh toàn cảnh thực trạng giao thông Việt Nam trong năm Mão nhưng quá nghiêng về lối kể lể dài dòng, đặc biệt là phần tranh cãi với Táo Giáo dục Minh Hằng về việc đổi giờ làm ảnh hưởng thế nào đến giáo dục. Trường đoạn dài hơn một tiếng đồng hồ lại được chọn mở màn khiến khán giả cảm giác mệt mỏi. Mảng được phân cho Minh Hằng không có gì đặc biệt, chỉ sơ qua chuyện bằng giả bằng thật, chuyện xin học cho con, chuyện giáo viên nghỉ dạy vì thu nhập thấp. Phần của Táo Điện lực Thành Trung ít thời lượng nhất nhưng cô đọng, hấp dẫn trong khi vẫn nói được đầy đủ những tồn đọng của ngành điện, từ thua lỗ ngoài ngành khiến tăng giá điện, trả lương nhân viên cao gần 8 triệu đồng đến xả lũ không báo khiến người dân mất trắng hoa màu…
Táo Điện lực Thành Trung với khuôn mặt xám đen do bị cháy xe trên đường lên Thiên đình. |
Ngoài ra, các câu chuyện về tài xế xe bus bắt khách hàng quỳ, quan thua bạc hàng chục tỷ… lần lượt được nhắc tới. Ngay cả quảng cáo máy lọc nước cũng được Ngọc Hoàng Quốc Khánh học theo khi lặp lại ba lần: “Công và Dục, hai Táo đầu gấu hàng đầu thiên đình”. Tuy nhiên, câu chuyện về sát thủ Lê Văn Luyện lại bị bỏ qua. “Tôi cứ nghĩ thế nào người viết kịch bản cũng phải đưa vấn đề thời sự này vào nhưng chờ mãi không thấy” - anh Đặng Anh Tuấn, 25 tuổi, cho biết.
Người xem cũng mong ngóng vào làn gió mới Trấn Thành như thông tin trên báo chí nhưng phút chót anh không xuất hiện. Trước đó, đạo diễn Thanh Hải từng chia sẻ: “Táo quân năm nay sẽ có sự tham gia của một nghệ sĩ phía Nam là một gương mặt rất quen thuộc, từng để lại ấn tượng tốt đẹp trong chương trình Cặp đôi hoàn hảo”. Cuối cùng nhân tố mới hóa ra là gương mặt rất cũ - NSƯT Quốc Anh. Lần đầu tham gia Táo quân, diễn viên kỳ cựu của Nhà hát Chèo Hà Nội vào vai một ông đồng đến từ Sao Kim. Dưới phép thuật của ông đồng, hồn lần lượt nhập về Nam Tào, Bắc Đẩu phán dạy các Táo. Đây là nét khác lạ của chương trình so với mọi năm nhưng không thật sự đặc sắc và lôi cuốn. Phần lôi cuốn với việc các Táo hát nhạc chế dựa theo những ca khúc nổi tiếng: Bến Thượng Hải, Xin lỗi tình yêu, Ly cà phê Ban Mê, Đường cong, Chia tay hoàng hôn… lại không mới. Sự tung hứng của Nam Tào Xuân Bắc và Bắc Đẩu Công Lý vẫn nhịp nhàng, ăn ý. Đứng cạnh Nam Tào - Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng Quốc Khánh bị lu mờ.
Chương trình diễn ra trong ba tiếng. Khi ra khỏi Cung Hữu nghị Hà Nội, nhiều khác giả đã thốt lên “sao dài thế”. Người xem vẫn đông kín các hàng ghế và hai bên lối đi nhưng phần lớn là được tặng vé, vào tự do sau khi chương trình bắt đầu ít phút. Không còn tình trạng khan vé chợ đen như những năm trước.
Sau đêm tổng duyệt đầu tiên tối 13/1, “Gặp nhau cuối năm” tiếp tục diễn ra trong hai ngày 14-15/1 để ghi hình. Từ những thước phim này, Đài truyền hình Việt Nam sẽ biên tập thành chương trình hoàn chỉnh để phát vào 20h đêm giao thừa (22/1).
Bài và ảnh: Ngọc Trần
* Xem thêm:
> Clip: Táo quân 2012 bị 'hung thần' xe buýt ức hiếp (Ione.net)
> Táo Giao thông bị 'chọc' vì nhiều phát kiến (Ngoisao.net)