- Năm 2011 đánh dấu kỷ niệm 10 năm ca hát của anh. Trong thời gian đó, anh thấy mình đã được - mất những gì?
- Đối với tôi, 10 năm ca hát là một chặng đường chưa quá dài nhưng cũng không quá ngắn, đủ để nhìn lại mình. Suốt 10 năm trong nghề, tôi cảm thấy mình không mất đi bất cứ thứ gì mà chỉ toàn được thôi. Đó là được những sản phẩm âm nhạc chất lượng, được khán giả yêu mến và đặc biệt nhất là được hát.
Vậy nên, nếu như nói chưa thành công thì có vẻ mình đang… khiêm tốn quá đáng.
Đức Tuấn tham gia đêm nhạc của trường, năm học cấp 3. |
- Anh từng kể tham gia rất sôi nổi trong hoạt động văn nghệ của trường lớp và luôn đoạt giải nhất từ những năm cấp 1, đến năm lớp 6 không đoạt giải nhất làm anh rất ấm ức. Việc luôn muốn giành thứ hạng cao tác động thế nào đến những cố gắng của anh sau này?
- Có thể người viết bài đó chưa hiểu hết ý của tôi. Năm đó tôi thua một cách tâm phục khẩu phục chứ chẳng ấm ức gì cả. “Thất bại đầu đời” ấy đã thay đổi nhận thức trong một cậu bé chỉ 11 tuổi, giúp tôi nhận ra muốn thành công thì mình phải đầu tư nhiều hơn trong cách hát cũng như cách lựa chọn bài hát, phải hát những bài có ý nghĩa hơn và có chiều sâu hơn. Và tôi đã đi theo định hướng đó đến tận bây giờ.
- Quãng thời gian tham gia các hoạt động của trường để lại cho anh kỷ niệm đáng nhớ nào?
- Tôi còn nhớ khi học cấp 3, tôi được trường cử đi thi hát tại quận 5. Trong đêm đó hầu hết bạn nam đều mang giày tây để tham dự, còn tôi lại mang đôi sandal cũ bị rách gót, phải lấy dây thun quấn lại “chữa cháy”. Đến khi trình diễn quá sung bài “Tình ca”, sợi thun ấy đứt phựt. Hậu quả là tôi phải đứng yên một chỗ không dám di chuyển. Rất quê nhưng cuối cùng tôi cũng hoàn thành tốt tiết mục của mình và được các bạn ủng hộ nhiệt tình (cười).
Khi đi học, ngoài việc 3 năm liền đều là lớp trưởng của lớp chuyên ngữ (trường Lê Hồng Phong TP HCM), tôi còn rất mê thể thao nữa. Trong những năm cấp 3, ngoài văn nghệ thì hầu như năm nào tôi cũng tham gia giải cầu lông cấp trường nhưng không may mắn như ca hát - tôi chưa bao giờ được đoạt giải cao.
"Tôi đang tràn đầy năng lượng và sự hứng khởi để hoàn thành các kế hoạch của mình, không phụ lòng mong mỏi của các khán giả đã ủng hộ mình suốt 10 năm qua". |
- Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, một cán bộ lớp như anh có vì “chức vụ” mà bỏ những trò tinh nghịch?
- Làm lớp trưởng nhưng tôi cũng là "đầu trò" bày trò quậy trong lớp. Hồi đó, tôi có vô số “chiêu” để cho lớp được điểm tổng kết cao trong mỗi giờ chào cờ đầu tuần. Nào là bao che cho những bạn đi trễ, hay chạy qua lớp khác xin đề về giải rồi cho cả lớp "học tủ" trước mỗi khi làm bài kiểm tra một tiết... Nhờ vậy mà lớp tôi luôn đạt điểm thi đua cao trong khối (cười lớn).
Tôi cũng nhớ hoài trò quậy phá của mình và các bạn thời đó. Lúc đó, cả lớp tôi đều quý thầy Lữ - dạy Anh văn vì tính thầy rất hiền và dễ chịu. Một lần, tôi bày cả lớp giấu cặp của thầy để cá nhau xem là thầy có nổi giận với lớp không. Cuối cùng, thầy giận thật! Thế là cả lớp phải xin lỗi thầy, nhất là anh lớp trưởng làm chủ mưu. Cũng may là sau đó thầy tha lỗi cho lớp mà không phạt gì cả. Sau này, thầy mới tâm sự là rất thương lớp tôi vì lớp hội tụ những học sinh giỏi Anh văn và Pháp văn nhất trường.
- Hát hay, học giỏi, lại làm lớp trưởng - sức hút của anh với các cô gái trong trường ra sao?
- Quả thật hồi đó cũng có một số bạn gái mến mình. Ngay từ năm lớp 10 tôi đã “chấm” một cô bạn gái cùng lớp. Rất may là tôi được “hậu thuẫn” rất lớn từ các bạn chung nhóm với bạn ấy. Nhóm bạn này đã nhiệt tình làm ông mai, bà mối, bày mưu tính kế giúp tôi chinh phục cô bạn. Nhờ dùng đủ mọi cách nên cuối cùng cô bạn ấy cũng xiêu lòng. Đó là một mối tình học trò rất ngây thơ và trong sáng đúng với lứa tuổi học sinh, và cũng là kỷ niệm đẹp mỗi khi tôi nhớ về ngôi trường xưa của mình.
- Tình đầu thường dang dở - còn câu chuyện của anh?
- Vào dịp nghỉ Tết năm lớp 10, tôi phải về quê ở Long Xuyên, còn cô bạn này lại ở Sài Gòn. Vào đêm giao thừa, do tính tôi lúc đấy cũng còn vô tư và không để ý lắm nên đã quên gọi điện thoại chúc mừng năm mới. Thế là cô bạn ấy đã khóc đúng 3 ngày Tết mà tôi không hề hay biết. Từ đó về sau tôi rút kinh nghiệm năm nào cũng phải gọi cho bạn ấy vào đêm giao thừa (cười). Nhưng sau khi học cấp 3, tôi với cô ấy cũng ít gặp nhau, và giờ thì người ta cũng đã đi lấy chồng rồi.
- Ra trường, trở thành người nổi tiếng, mối quan hệ với bạn bè thời học phổ thông thay đổi thế nào?
- Do công việc, tôi thường xuyên phải di chuyển nên chuyện gặp gỡ bạn bè cũng có phần hạn chế. Nhưng hiện giờ tôi vẫn thường xuyên liên lạc với 2 người bạn thân từ lúc học phổ thông đến bây giờ thông qua Internet và điện thoại.
Với ngôi trường cũ Lê Hồng Phong, tôi rất thường xuyên quay về hát tặng thầy cô và các học sinh đàn em. Cứ mỗi lần nhận được lời mời là tôi sẽ về liền, không cần suy nghĩ gì hết.
Ngoài liveshow kỷ niệm 10 năm ca hát, Đức Tuấn cũng sẽ phát hành hai album, một album nhạc Phạm Duy và một album nhạc mang tên “Theo yêu cầu” bao gồm những bài hát trong 10 năm qua anh được khán giả yêu cầu hát nhiều lần nhưng chưa có dịp thu âm. |
- Cảm xúc của anh khi quay về trường xưa?
- Cảm giác ấy vẫn như ngày nào, vẫn quen thuộc gần gũi vì khi đứng trước trường, được hát, được chia sẻ, được các bạn quan tâm và cảm giác như mình đang sống lại thời học sinh. Tôi luôn tự hào về ngôi trường thân yêu của mình. Đáng tiếc là dịp 20/11 này, tôi ra Hà Nội chuẩn bị cho liveshow 10 năm kỷ niệm nghiệp ca hát của mình mang tên “Thiên thai - Paradiso” nên không thể quay về trường để thăm các thầy cô được. Chương trình này có ý nghĩa rất đặc biệt với tôi nên được chuẩn bị rất công phu. Một đội ngũ nghệ sĩ quốc tế gồm chỉ huy dàn nhạc Paul Bateman, nhạc sĩ hòa âm Leigh Phillips, biên đạo múa Ryan Jenkins, chỉ huy nghệ thuật Anthoula Papadakis, chuyên viên thiết kế sân khấu Chris de Wilde, chuyên gia thiết kế âm thanh Colin Boland sẽ có mặt để chuẩn bị cho đêm nhạc tại Cung Hữu nghị Hà Nội. Tôi không thể không có mặt cùng họ.
- So với các ca sĩ khác, anh khá chịu chơi khi bỏ tiền ra nước ngoài học, mời cả một êkíp quốc tế tham gia các đêm nhạc của mình, đầu tiên là “ Music of the night” và bây giờ là “Thiên thai - Paradiso”. Tiềm lực của anh đến từ đâu?
- Nó đến từ một tình yêu âm nhạc rất lớn. Nói thế có thể mọi người cho là tôi chống chế hay dùng lời hay ý đẹp để tô vẽ bản thân, nhưng đó là sự thật. Ai làm việc với tôi đều biết thế. Chính nhạc sĩ Anh Quân - chồng ca sĩ Mỹ Linh - khi hợp tác với tôi đã nói, làm việc với Đức Tuấn hơi khó chịu vì đòi hỏi quá cao. Nhưng khi đã hiểu nhau, các nhạc sĩ đều bảo rằng, điều khiến họ chịu hợp tác với tôi từ trước đến giờ là vì tôi quá yêu nghề, yêu nghề đến mức không ai tưởng tượng nổi.
- Anh rất yêu âm nhạc. Còn chuyện yêu đương thì sao, sau mối tình đầu thủa học trò ngày ấy?
- Tôi cũng có yêu chứ, nhưng tình yêu là thứ của riêng tôi và chắc chắn nó sẽ không quan trọng bằng âm nhạc. Tôi chỉ yêu người nào chịu hy sinh vì âm nhạc.
“Thiên thai - Paradiso” diễn ra hai đêm: 23/11 tại Nhà hát Hòa Bình - TP HCM và 25/11 tại Cung Hữunghị Hà Nội. Đêm nhạc gồm 2 phần. Phần 1 dành cho các tác phẩm âm nhạc Việt Nam với 8 ca khúc của ba tên tuổi hàng đầu nền tân nhạc: Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn. Phần 2 gồm các trích đoạn nhạc kịch, các ca khúc bất hủ: Memory, Scaborough Fair, No Matter What… Toàn bộ chương trình được dàn dựng như một tác phẩm nhạc kịch tạp kỹ, phong cách musical revue - kết hợp nhiều tác phẩm âm nhạc khác nhau cùng với múa và các hiệu ứng sân khấu thành một chỉnh thể thống nhất. |
Ngọc Trần thực hiện