Hôm 10/3, Viện Khoa học Điều tra Quốc gia đã đưa ra các lý lẽ chứng tỏ các bức thư tay của Jang Ja Yun là giả mạo. Các bức thư nằm trong bản tài liệu dày 230 trang A4 do chương trình 8 O’clock News của đài truyền hình SBS tiết lộ.
Hôm nay 11/3, đài SBS lên tiếng bảo vệ bằng chứng của họ, tiết lộ cuộc phỏng vấn với Lee Hee Il, người đứng đầu IFSL (Phòng Thí nghiệm Khoa học Pháp lý Quốc tế) ở Seoul. Ông này phản bác các lý lẽ của cảnh sát khi cho rằng những bức thư là giả.
![]() |
So sánh các chữ cái trong các bức "thư tay Jang Ja Yun" mới đây và chữ cái trong bản viết tay chính thức của nữ diễn viên hồi năm 2009. Ảnh: Mydaily. |
Qua xem xét, ông Lee Hee Il nhận xét: “Trong những bức thư này, những chữ cái ‘yo’ và ‘ya’ hoàn toàn được viết giống cách Jang Ja Yun từng viết. Cách viết các phụ âm và nguyên âm cũng hoàn toàn giống nhau trong các bức thư, cho thấy chúng do cùng một người viết”.
Đài SBS cho biết thêm: “Rõ ràng Jun (người cung cấp các bức thư) không thể giả mạo chữ viết của Jang Ja Yun một cách hoàn hảo đến thế. Chữ viết của cô chỉ được công khai một lần trên báo chí, qua lá thư tuyệt mệnh được đăng sau khi cô tự tử. Jun cũng không thể viết tay 230 lá thư chỉ bằng những dòng tin ngắn ngủi trên báo. Và cũng thật khó tin khi có ai đó dành ra nhiều năm liền để viết thư với mục đích bịa đặt câu chuyện này”.
![]() |
Viện Khoa học Điều tra Quốc gia Hàn Quốc hôm 10/3 đã tuyên bố "thư tay Jang Ja Yun" do SBS cung cấp là giả mạo. |
“Những bức thư tiết lộ nhiều thông tin chi tiết liên quan đến kế hoạch phát triển của công ty giải trí của Jang Ja Yun, cũng như thông tin về các cá nhân mà cô ấy đã phải ‘phục vụ’. Những thông tin đó người ngoài không thể nào biết được. Chúng tôi thấy rằng, các dấu hiệu lạ trong những bức thư và phong bì cho thấy Jun đã cố gắng để không tiết lộ danh tính của Jang Ja Yun nhằm đảm bảo an toàn cho cô”, chương trình 8 O’clock News khẳng định.
Theo MyDaily, một nghị sĩ đảng Dân chủ (DP) ở Hàn Quốc cũng lên tiếng yêu cầu cảnh sát và cơ quan điều tra ngừng nói dối công chúng về vụ việc mà họ cho là “giả mạo”. “Cảnh sát đang lừa dối người dân. Đây không phải là lần đầu các nhà điều tra giả vờ tiết lộ những thông tin mật cho công chúng mà không có bằng chứng thích hợp. Các người phải ngừng ngay việc này lại”.
Cư dân mạng cũng bày tỏ sự bức xúc qua các bình luận như “Không thể chỉ vì phong bì có dấu hiệu bị phá hủy mà nói rằng các bức thư là giả”.
![]() |
Một người đàn ông đứng trước trụ sở Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc hôm 10/3, mang khẩu hiệu phản đối sự im lặng của Bộ trước vụ Jang Ja Yun bị đối xử bất công. Ảnh: Money Today. |
Hôm 8/3, một tổ chức phụ nữ cũng mở cuộc họp báo ngay trước trụ sở Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc ở Seoul và yêu cầu cơ quan chức năng điều tra kỹ lưỡng vụ việc Jang Ja Yun chứ không bỏ dở như trước đây. Bộ Bình đẳng giới và Gia đình đã không có một phản ứng nào về việc này.
Liền đó, hôm 10/3, một người đàn ông đến đứng trước trụ sở Bộ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, mang bảng hiệu có ảnh Jang Ja Yun và dòng chữ “Bộ Bình đẳng giới và Gia đình không có quyền tồn tại trên đất nước này vì đã tiếp tục im lặng trước cuộc tranh luận về Jang Ja Yun”.
Hòa Ca