- Lý do nào anh được chọn đóng phim?
- Năm 2000, tôi được mời đi dự liên hoan phim ở Mỹ. Bộ phim Ba mùa do tôi đóng vai chính đã đoạt nhiều giải thưởng nên đạo diễn Randall Walace chọn tôi đóng phim Chúng ta là người lính. Tôi nhận đóng vai thiếu tá An vì hai lý do: Thứ nhất, tôi từng đóng vai trung tá Lực trong bộ phim Cỏ lau (Giải Cây đuốc vàng Liên hoan phim ở Bình Nhưỡng), đó là một nhân vật hư cấu. Còn thiếu tá An là một nhân vật anh hùng có thật, nên tôi thích vai này hơn. Khi nhận vai, đạo diễn có nói với tôi đây là bộ phim lên án cuộc chiến xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Tôi cũng đã gặp trung tá Harold Moore - người đối đầu với thiếu tá An trong trận chiến Ia Drang ở Tây Nguyên năm 1965. Trung tá Moore, người cung cấp tư liệu để thực hiện bộ phim này, có cho tôi xem chiếc mũ gắn đầy huy chương do thiếu tá An tặng sau này, để chứng tỏ ông rất nể phục thiếu tá An. Rất tiếc thiếu tá An sau khi lên tướng đã mất vì bệnh ung thư. Thứ hai, vì lý do nghề nghiệp: Việc đóng một vai đối đầu với diễn viên Mel Gibson (vai trung tá Moore), một siêu sao của Hollywood, đã kích thích tôi nhận đóng vai thiếu tá An.
- Anh nghĩ gì khi có ý kiến nói anh đóng phim này chỉ vì... tiền?
- Hoàn toàn hiểu lầm. Trong phim Chúng ta là người lính, Mel Gibson được trả cát-xê 25 triệu USD, còn tôi chỉ được 15.000 USD, sau khi đóng thuế còn 10.000 USD.
- Từ khi đọc kịch bản cho đến khi xem bộ phim đã hoàn thành, anh thấy có gì khác biệt?
- Khi đọc kịch bản, tôi nghĩ mình đóng vai một anh hùng bộ đội, chắc sẽ được khán giả Việt Nam khen ngợi. Khi xem phim, khán giả tinh ý sẽ nhận thấy các vai bộ đội do những người châu Á khác đóng chứ không phải người Việt Nam. Nhưng khi xem bộ phim đã hoàn thành, tôi rất buồn vì những cảnh tôi diễn tả tính cách dũng cảm và mưu trí của thiếu tá An đã bị cắt rất nhiều. Đây là kinh nghiệm cho bản thân tôi. Tôi xin thề sẽ không bao giờ đóng phim về chiến tranh Việt Nam do người nước ngoài đạo diễn nữa, vì họ có toàn quyền thay đổi kịch bản theo ý đồ của họ.
(Theo Người Lao Động)