Lý Công Uẩn (Quách Ngọc Ngoan) và vua Lê Long Đĩnh (Vũ Đình Toàn đóng) từng là đôi bạn thân thiết. Ảnh: KNS. |
- Anh làm như thế nào để diễn tả một con người đa tính cách như Lê Long Đĩnh trong “Khát vọng Thăng Long”?
- Đó là quá trình khó khăn. Nội bộ đồ với chiếc áo bào đuôi dài cũng làm mình trở nên vướng víu. Anh Lưu Trọng Ninh đã gợi ý cho tôi nhiều cách xử lý để biến điểm yếu thành lợi thế của nhân vật như quăng áo thể hiện thái độ. Đạo diễn đòi hỏi tôi phải lột tả một con người đa nhân cách nhưng ở khía cạnh nào cũng dữ dội. Một người dám giết anh em nhưng đau đớn, cô đơn cùng cực khi bị người bạn duy nhất là Lý Công Uẩn chống đối, bị chính mẹ đẻ mình không nhìn nhận. Long Đĩnh có tính cách hơi giống Tào Tháo: “Chẳng thà mình phản người chứ không để người phản mình”. Những trường độ mạnh về tâm lý của nhân vật đòi hỏi mình nỗ lực rất nhiều. Tôi được phục vụ ăn uống, trang điểm, quần áo. Tôi nghĩ mọi người đều lo lắng cho mình như thế, nhiệm vụ của diễn viên là diễn sao cho tốt. Anh Ninh có nhiều nhận xét tích cực cho vai diễn của tôi và anh cũng hài lòng với những gì tôi đã làm.
- Con đường nào để anh đến với vai diễn này?
- Tôi được công ty Kỷ Nguyên Sáng mời tham gia casting một cách rất tình cờ và không biết mình được mời vai Lê Long Đĩnh. Trước đó, tôi là diễn viên của sân khấu kịch Idecaf TP HCM, mới tham gia một vài phim truyền hình như Mùi ngò gai, Gia đình phép thuật. Khát vọng Thăng Long là bộ phim điện ảnh đầu tiên tôi tham gia. Chất của nó lại quá khác so với những vai diễn trước cũng như con người tôi. Nhưng tôi thấy đây là một vai diễn lớn và quá hay nên tự nhủ, nếu mình làm nó mất hay, mình sẽ có lỗi rất lớn với cơ hội của mình, với tác phẩm của cả đoàn và với cả khán giả đến xem phim.
- Trước đây , đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng nói, vai diễn này nhắm cho Thành Lộc nhưng cuối cùng anh lại là người được lựa chọn. Anh nghĩ gì?
- Tôi cho rằng có lẽ đó là một điều may mắn. Vì nhiều lý do anh Thành Lộc không thể cộng tác với dự án này nên cơ hội mới đến với tôi. Tôi rmừng vì mọi người chọn tôi vì như vậy có nghĩa họ thấy tôi có khả năng.
Ba diễn viên chính trong phim: Đình Toàn (vai Lê Long Đĩnh), Thu Trang (vai Dạ Hương) và Ngọc Ngoan (vai Lý Công Uẩn). Ảnh: N.T. |
- Vai diễn này bản thân đã có nhiều tính sân khấu, anh vận dụng nghề nghiệp của mình vào nó thế nào?
- Khi mới nhận lời tham gia, tôi rất sợ vì tôi là diễn viên sân khấu, diễn sẽ bị quá. Khi làm việc, tôi luôn hỏi đạo diễn, liệu tôi có làm quá hay không, nhưng Lưu Trọng Ninh chấp nhận cách diễn của tôi. Long Đĩnh trong phim có sự biến đổi tính cách không ngừng, vừa đồng bóng, vừa điên loạn. Tôi nghĩ đó là điều bình thường ở những người quá tham vọng. Nếu Lý Công Uẩn có khát vọng đem lại hòa bình, no ấm cho dân chúng thì Lê Long Đĩnh lại bị tham vọng chiến tranh làm cho mờ mắt.
Trước đây chúng ta quen mặc định rằng, Lê Long Đĩnh tức vua Lê Ngọa Triều là một kẻ bạc nhược. Nhưng một vị vua lên cầm quyền trong 4 năm đã 5 lần thân chinh đi đánh giặc, 2 tháng trước khi chết cũng cầm quân ra trận, con người như thế không thể yếu đuối, hèn kém mà phải là kẻ rất năng động, đầu óc sâu thăm thẳm, nhiều mưu mô. Tôi nghĩ đó là tính cách tất yếu cho các vị vua phong kiến phải trị vì một đất nước. Tôi áp dụng nó vào cách diễn của mình. Tôi nghiên cứu rất kỹ kịch bản để đặt mình vào nhân vật, không cố làm cho nhân vật của mình được mọi người thiện cảm hơn. Tôi muốn thuyết phục mọi người tin vào cảm xúc của Lê Long Đĩnh: ông ta luôn nghĩ mình đúng nên mới làm, dù ác. Đạo diễn cũng muốn tôi diễn một Lê Long Đĩnh khác trong tưởng tượng của mọi người.
- Đâu là cảnh khó khăn nhất của anh trong phim?
- Chưa bao giờ tôi đi làm một bộ phim xa và lâu ngày như thế. Có hôm tôi quay từ 5h chiều đến 5h sáng ở động Hoàng Xá (Hà Nội) chạy hơn hai mươi bậc đá, toét cả đôi giầy, chân đau rát. Có hôm quay ở Huế liên tục từ 9h hôm trước tới 6h hôm sau, nghỉ đến 10h lại dậy quay tiếp.
Nhưng có lẽ cảnh đáng nhớ nhất là trường đoạn, Lê Long Đĩnh cầm cung định bắn Lý Công Uẩn, bị mẹ và đại tướng quân ngăn cản, sau hộc máu mà chết. Vóc dáng của tôi khá nhỏ nhưng đạo diễn yêu cầu phải kéo được cung tên lên ngang tầm mặt để cho máy quay. Sự ruồng bỏ của mẹ và bạn tri âm - hai người thân thiết nhất khiến Lê Long Đĩnh đau đớn khóc. Trên màn hình chỉ có 3 giây nhưng tôi đã phải khóc suốt 10 phút giữa trời nắng, đứng trên một cái bục để camera quay và không được cử động. Đóng xong cảnh này tôi chói mắt không nhìn thấy đường nữa.
Chiếc áo bào vướng víu gây trở ngại không nhỏ cho Đình Toàn khi diễn. Ảnh: N.T. |
- Trước đây anh từng đóng nhiều tác phẩm nhưng chưa có vai nào đem tên tuổi anh lên hàng ngôi sao. Với vai Lê Long Đĩnh trong “Khát vọng Thăng Long”, anh kỳ vọng ra sao về một sự thay đổi cho mình?
- Lúc này có thể xem vai Lê Long Đĩnh là một cột mốc của đời tôi. Đến tối 7/10, tôi mới được xem bộ phim một cách đầy đủ và tôi thấy hài lòng. Đó là một vai lớn. Tất nhiên là những điều mà tôi chưa thỏa mãn vẫn còn nhiều. Khi ra làm việc, mình bị chi phối nhiều nên hay phân tâm. Có những cảnh mà khi xem lại, tôi giật mình nghĩ, sao mình không làm thế này, thế kia. Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ mình đã có ý thức hết mình cho vai diễn.
Lúc theo dõi trên màn hình, tôi thấy rất xúc động. Đoạn cuối Lê Long Đĩnh chết, tiết tấu phim quá nhanh làm mình hơi hẫng một chút.
- Phim còn một số hạt sạn về hóa trang hay một số chỗ vẫn là giọng miền Nam, cái kết lại gây hẫng cho khán giả. Anh thấy sao?
- Phim được lồng bằng tiếng Bắc và tôi được biết, diễn viên Tùng Dương là người lồng tiếng cho tôi. Nhưng vì tôi nói giọng miền Nam nên một số chỗ nếu nói giọng Bắc, khẩu hình không khớp, người lồng tiếng buộc phải nói theo tôi, giọng cười của tôi cũng quá đặc biệt nên không thể đớp lại được.
Khi coi phim, đúng là tôi thấy có một số chỗ chưa trọn vẹn nhưng tôi không thể trả lời vì tôi không phải là người chịu trách nhiệm cho toàn bộ phim. Tôi chỉ cố gắng làm tròn vai của mình, còn những phân đoạn họ quay trước, quay sau, tôi không biết. Theo tôi, nếu phim có những sạn nhỏ khán giả cũng nên thông cảm vì ngay cả siêu phẩm Hollywood, cũng dễ dàng bắt được vô số lỗi. Ở trong điều kiện Việt Nam bây giờ, mọi người cùng cố gắng làm một bộ phim lịch sử đậm chất Việt đã là một nỗ lực đáng khen.
- Nhiều người cho rằng, vai diễn của anh làm lu mờ hình ảnh Ngọc Ngoan khi hóa thân thành Lý Công Uẩn, anh nghĩ thế nào về điều này?
- Trong câu chuyện có hai tuyến nhân vật cùng tồn tại song song. Thường các nhân vật phản diện có nhiều đất diễn hơn nhân vật chính diện cũng như tính cách của họ để lại ấn tượng hơn với khán giả. Tôi vui vì được mọi người đánh giá cao, nhưng thâm tâm tôi cho rằng Ngọc Ngoan đã cố gắng hết sức và đáng được khen ngợi. Cậu ấy phải làm những việc khó khăn hơn tôi rất nhiều như cưỡi ngựa, đánh nhau. Cách diễn chân thực của Ngọc Ngoan đã tạo cảm hứng cho tôi hoàn thành vai diễn của mình.
Ngọc Trần thực hiện