Tối 12/9, tại Nhạc viện TP HCM, đúng 20h30, Lê Cát Trọng Lý xuất hiện trên sân khấu giản dị trong áo sơ mi trắng rộng thùng thình, quần jeans đen, đầu tóc xù nghịch ngợm và cây guitar. Sau lời nói ngắn gọn cảm ơn khán giả có mặt ủng hộ vào tối đầu tuần nhiều bận rộn, Trọng Lý bắt đầu đêm du ca bằng bài hát Trời ơi qua chất giọng nhẹ tênh, trong và sâu lắng quen thuộc.
![]() |
Lê Cát Trọng Lý vừa hát vừa đàn, vừa làm người dẫn chương trình, cuốn khán giả vào những câu chuyện kể bằng âm nhạc. |
Sau Trời ơi, nữ nhạc sĩ cuốn khán giả vào dòng chảy đầy cung bậc cảm xúc của các nhạc phẩm: Giấc mộng lớn, Nghe tôi kể, Cười Adam, Lúng ta lúng túng, Ghen, Con đường lạ, Độc đạo, Chuyến xe, Cơn bão nghiêng đêm...
Kể từ khi được vinh danh với giải thưởng cao nhất tại Bài hát Việt vào năm 2009, khán giả và giới chuyên môn nhắc nhiều đến Lê Cát Trọng Lý như một hiện tượng của làng nhạc Việt: một người trẻ có tài, chân phương, giản dị, không "lên gân", không cố làm ra vẻ sâu sắc, mà rất "hữu xạ tự nhiên hương". Chính điều này giúp Lý nhẹ nhàng đi vào âm nhạc, và từ đó, giai điệu, ca từ của cô tự nhiên lắng lại trong lòng khán giả.
Chất nghệ sĩ ấy sau nhiều năm vẫn không phai trong vóc dáng nhỏ nhắn của cô gái sinh năm 1987, khi Lý tái ngộ khán giả trên sân khấu Nhạc viện TP HCM đêm 12/9.
Trên sân khấu không MC, Trọng Lý tự dẫn chương trình. Âm nhạc là kết nối đầy cảm xúc giữa cô và khán giả. Xen giữa các bài hát, cô diễn giải ngắn gọn, đủ để người nghe hiểu được bối cảnh sáng tác ca khúc, cũng như tình cảm cô dành cho "đứa con tinh thần". Như, ở bài Cười Adam, một trong những ca khúc đầu tiên do Lý sáng tác vào năm 19 tuổi, cô giải thích nhiều người hiểu nhầm cô muốn nói đến nụ cười của chàng Adam, nhưng thật ra: "Cười Adam là một nụ cười, cười Adam, thế thôi!", đó là cách lý giải riêng, mang chút đánh đố dễ thương của Lý.
Trước khi hát bài Con đường lạ, cô cho biết đây là một bài cô hiếm khi thể hiện, và đùa trong nhạc phẩm này có đoạn nhạc giống nhịp hành khúc trong bài Tiểu đoàn 307. Lý sáng tác ca khúc này năm 19 tuổi, khi đang ngồi trên xích lô rong ruổi trên phố. Con đường lạ đẹp từ lời ca đến giai điệu, vẽ nên một bức tranh thiên nhiên trong veo, nơi đó chan hòa cảm xúc của cô gái trẻ trước khát vọng khám phá cuộc sống.
Bên cạnh các ca khúc có tiết tấu, sôi nổi, trào dâng như ở Ghen, Nghèo, Bài ca Tây Tạng, Thu lu... đêm "Vui" của Lê Cát Trọng Lý có không ít giai điệu buồn, day dứt với Độc đạo, một bài được cô phỏng theo thơ của người bạn ở Đà Nẵng, mà cô tâm sự "lâu rồi không hát", với Chuyến xe đầy chất trầm tư rồi vỡ òa về hành trình của một con người trong cuộc đời...
Nữ nhạc sĩ trẻ thể hiện sự tôn trọng khán giả khi đắm mình trong thế giới âm nhạc đầy ngẫu hứng để truyền cho những ai ngồi nghe cô hát sự đam mê. Điều đáng nói là, cô không giành hết "sân sáng tạo" của người nghe. Trong mỗi bài hát và giữa các tiết mục, Lý và ban nhạc đều chừa những khoảng vô ngôn, ở đó chỉ có âm thanh "là lá la", "ba bi ba"... nhẹ nhàng đệm theo giai điệu, khoảng trống để người nghe cùng tưởng tượng, hòa mình vào âm nhạc, chứ không phải là những ca từ phơi bày trơn tuột, ồn ào.
Ngoài tài năng và sức hút của Lê Cát Trọng Lý, thành công của đêm "Vui" còn được tạo nên bởi một ban nhạc "trong mơ" mà Lý cho biết cô rất tự hào, hãnh diện khi đứng chung sân khấu.
![]() |
Nữ ca sĩ, nhạc sĩ trẻ tự hào khi đứng chung sân khấu với dàn nhạc trong mơ của cô. Cô chia sẻ, dàn nhạc này đã tạo hiệu ứng tích cực, kích thích cô sáng tạo, yêu lại những ca khúc quen thuộc của mình. |
Violin Cát Du, bộ gõ Bỉnh Khôi, piano của Quốc Việt, guitar bass Tiến Chỉnh, 4 nhạc công này cùng với Lý tạo nên sự kết hợp hài hòa trong từng nhịp điệu. Lần đầu tiên hát với dàn nhạc đầy đủ "đồ chơi", đủ mọi nhạc cụ từ bộ gõ, dàn kèn, dàn dây, như cách gọi đùa của Lý, chất mộc của nữ ca sĩ trẻ như được tiếp thêm sức mạnh để thăng hoa. Khán giả không chỉ nghe Lý hát, đàn mà còn được thưởng thức một dàn âm thanh sống động, từ bộ gõ mô phỏng những âm thanh thiên nhiên, đến tiếng trống thì thùng gợi âm vang của đại dương, thảo nguyên bao la, tiếng dương cầm "nhỏ" giọt tinh tế của buổi ban mai. Hay đơn giản chỉ là tiếng búng ngón tay tanh tách, nhịp nhàng trong bài Chuyến xe đầy lãng tử…
Thỉnh thoảng, Lý lại phát hiện ra một vài lỗi nào đó của mình khi khảy guitar, đàn violon hay vì cô quá xúc động mà quên lời bài hát. Sau ca khúc Như là, Lý chia sẻ: "Tự nhiên nãy hát ở đây em nhớ ra lần đầu tiên khi mình đến học ở Nhạc viện, vào khán phòng này em ước gì mình được một lần biểu diễn ở đây. Và rồi giờ được biểu diễn thì em lại thấy hơi sợ sợ, vì khán phòng đẹp quá, vang quá mà mình hát… dở ẹc thì… kỳ quá". Lời tâm sự của cô khiến khán giả cười vang.
![]() |
Từ trái qua: Nhạc sĩ Nguyễn Đan Cát Du, nhạc sĩ Vũ Đặng Quốc Việt, Lê Cát Trọng Lý, nhạc sĩ Tiến Chỉnh và tay trống kiêm bộ gõ Lương Bỉnh Khôi chào khán giả sau chương trình. Trọng Lý cho biết, 4 nhạc sĩ này sẵn sàng tạm gác công việc riêng, thậm chí là có thể bị mất việc, để cùng cô du ca trong một chuyến đi dài ngày. |
Như lời trong bài Trời ơi của Lê Cát Trọng Lý: "... thoát ra những hì hục bình sinh...", hội ngộ khán giả trên sân khấu lớn sau khoảng 3 năm im ắng, Lý không còn đến với âm nhạc với cảm giác "chênh vênh" mà bằng sự tự tin, làm chủ sân khấu mà vẫn rất tự nhiên, giản dị.
Trên sân khấu âm nhạc Việt Nam, để có được một thứ âm nhạc lãng mạn, kích thích người nghe cảm nhận và suy nghiệm... ở một người trẻ như Lý quả là hiếm hoi. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng dễ thấy những nét khá giống nhau ở Lê Cát Trọng Lý (sinh năm 1987), ca sĩ - nhạc sĩ Adele, người Anh (sinh năm 1988), ca sĩ David Archuleta của Mỹ (sinh năm 1990)... khi họ "phiêu" trên sân khấu. Bởi họ không đang phô tài năng mà đơn giản chỉ là chia sẻ tình yêu âm nhạc.
Sau đêm diễn, chia sẻ với VnExpress.net, ca sĩ Mai Khôi rơm rớm nước mắt: "Dù đã nghe nhiều lần, hôm nay ngồi nghe lại, có những ca từ trong sáng tác của Lý khiến tôi cay xè sống mũi. Thật sự tôi không biết nói gì hơn. Cảm xúc thật khó tả bằng lời...". Mai Khôi cho rằng, Lê Cát Trọng Lý vẫn vậy, không có nhiều thay đổi, vẫn trong veo và mãi luôn hồn nhiên như cô bé con trong âm nhạc.
Chị Phạm Thu Thủy, 31 tuổi, nhân viên văn phòng, khán giả của đêm "Vui", nói ngắn gọn: “Tôi yêu nhạc Lê Cát Trọng Lý!”, nhưng đủ thấy tình cảm mà chị dành cho cô ca sĩ này. Chị cũng là một trong số những người nán lại đến cuối đêm diễn để mua đĩa nhạc của Lý và chờ được ký tặng.
Chương trình Vui của Lê Cát Trọng Lý còn diễn ra tại TP HCM vào ngày 14/9, ở Nhạc viện. Sau đó, cô và ban nhạc tiếp tục hành trình du ca, đến với khán giả thành phố Quy Nhơn, diễn tại Nhà hát Quang Trung (20h ngày 17/9), một đêm tại Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng (20h ngày 24/9).
|
Bài, ảnh Thoại Hà