Giữa thập niên 1980 tại Việt Nam, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng nhu cầu về văn hóa tinh thần đã rất lớn. Âm nhạc quốc tế, đặc biệt là nhạc Âu - Mỹ, du nhập vào Việt Nam mạnh mẽ chính từ giai đoạn này và tạo nên một trào lưu trong giới trẻ. Boney M, Modern Talking, The Beatles, Michael Jackson, ABBA, Whitney Houston... - những cái tên khi nhắc đến là gợi lại biết bao kỷ niệm với nhiều người.
Whitney Houston trong video "Saving All My Love For You" vào năm 1985. |
Ngày đó, ai may mắn sở hữu một cuốn băng cassette của Whitney Houston đều cảm thấy rất tự hào và thường mở nghe cả ngày. Vì hạn chế chung về tiếng Anh thời đó, có thể đa số người Việt Nam khi ấy không hiểu hết được ý nghĩa trong lời bài hát nhưng sao cứ thấy những Saving All My Love For You, Greatest Love of All, One Moment In Time lại hay đến vậy và lẩm nhẩm hát theo giai điệu mỗi khi nghe. Chất giọng đặc biệt “nghe là nhận ra ngay” của nữ ca sĩ đến từ nước Mỹ xa xôi dễ dàng đi vào lòng người và đem tới những cảm xúc ấm áp, nồng nàn qua các bản tình ca chị thể hiện.
Lang thang trong những quán café cổ kính ở Hà Nội và Sài Gòn vào cuối những năm 1980, dễ dàng bắt gặp giọng hát của Whitney Houston phát ra từ những chiếc đài cassette “cổ lỗ sĩ”. Khi nghe Saving All My Love For You, người ta mường tượng ra hình ảnh một cô gái trẻ với nỗi niềm khao khát được yêu thương cất lên lời ca, tiếng hát bên một nghệ sĩ già chơi kèn saxophone. Giai điệu này đã gắn liền với thời kỳ đó, để đến khi Whitney Houston đột ngột ra đi hôm 11/2, nhiều người hâm mộ Việt Nam ở lứa tuổi ngoài 30 không khỏi bồi hồi chia sẻ cảm xúc: “Tạm biệt Whitney, tạm biệt một phần ký ức của thập niên 1980-1990”.
Những cuốn băng cassette của Whitney Houston là kỷ vật vô giá mà chỉ còn số ít người hâm mộ Việt Nam còn giữ được. Ảnh: Hoàng Linh. |
Tới nửa đầu những năm 1990, khán giả Việt Nam bắt đầu biết tới Mariah Carey - người được coi là đối thủ của Whitney, và Celine Dion - một nữ ca sĩ cũng bắt đầu nổi lên với những bản tình ca. Tuy nhiên, vị trí của Whitney Houston trong lòng người hâm mộ tại xứ sở hình chữ S hoàn toàn không thay đổi. Những năm ấy ở Việt Nam, đi đâu cũng có thể nghe thấy I Will Always Love You, các bé gái đua nhau nghêu ngao giai điệu này ngoài phố. Ca khúc này đã đưa tầm ảnh hưởng của diva da màu lên một mức cao hơn so với thập niên trước. Bằng giọng hát tuyệt vời và cảm xúc đến từ con tim, Whitney Houston đã đưa tiếng hát của mình cùng I Will Always Love You vang xa trên khắp thế giới. Một số ca sĩ hải ngoại như Khánh Hà cũng thể hiện lại bản tình ca bằng tiếng Việt.
Tiếp sau đó, hàng loạt ca khúc của Whitney như I Have Nothing, Run To You hay Step By Step đã gắn liền với sự trưởng thành của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam. Nhiều người ở lứa tuổi 7x, 8x cho biết họ đã lớn lên cùng âm nhạc của Whitney Houston. So với những diva cùng thời như Mariah Carey, Celine Dion hay Madonna, tiếng hát của Whitney dễ đi vào lòng người hơn cả. Nếu như Mariah và Celine luôn khiến cho những bản ghi âm của họ trở nên hoàn hảo bằng kỹ thuật chuẩn xác, Madonna thu hút bằng sự cá tính, phong cách biến đổi không ngừng thì khi Whitney hát, nhiều người vẫn cảm thấy phần bản năng của cô cao hơn phần kỹ thuật và phong cách. Chính điều đó đã tạo nên một Whitney huyền thoại và biến cô trở thành một thần tượng, một tấm gương mà các nghệ sĩ trẻ luôn muốn vươn tới.
Hình ảnh quen thuộc trong ca khúc để đời của Whitney Houston, "I Will Always Love You". |
Năm 1998, Whitney cùng Mariah Carey tạo nên một bản song ca đi vào lịch sử - When You Believe. Lần đầu phát sóng trong chương trình MTV Asia Hit List trên VTV3, sự kết hợp của hai diva hàng đầu làng nhạc thế giới đã làm nức lòng fan Việt. Chỉ trong hai tuần, ca khúc này leo lên vị trí quán quân của bảng xếp hạng này và lập hattrick. Cùng lúc này, album thứ tư, My Love Is Your Love, của Whitney với những ca khúc như Heartbreak Hotel, It’s Not Right But It’s OK hay I Learned From The Best cũng nhận được sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ. Tuy nhiên, đây dường như cũng là những ca khúc cuối cùng của Whitney ghi được dấu ấn.
Sau đó vào đầu thập niên 2000, cơn sốt Teenpop đương đại với các đại diện như Britney Spears, Christina Aguilera, Backstreet Boys, N’Sync đã thay thế thế hệ Pop “cổ truyền” như Whitney. Bản thân cô cũng đi qua thời kỳ đỉnh cao phong độ. Những scandal nghiện ngập, bạo lực bắt đầu xuất hiện và khiến hình ảnh của Whitney trở nên mờ hơn trong mắt fan. Khi nhắc tới cô, số đông đều nhớ về thời kỳ đỉnh cao, thời của I Will Always Love You chứ chẳng ai nhớ về Just Whitney - album được coi là bắt đầu cho thời kỳ tuột dốc không phanh của Whitney.
Khán giả vẫn tò mò, vẫn say sưa đọc thông tin về đời tư của cô trên báo chí, nhưng chả mấy ai quan tâm tới những sản phẩm âm nhạc mới của Whitney như ngày xưa nữa. Nếu có nghe, đa phần họ sẽ nhấn nút “Play” ở những Saving All My Love For You, I Will Always Love You; chứ những Whatchulookinat, One of Those Days hay Love That Man nghe thật xa lạ. Tuy nhiên, Whitney không ép mình phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cô vẫn trung thành với những bản tình ca. Try It On My Own là một minh chứng điển hình cho điều đó. Ra mắt vào năm 2003, nhưng giai điệu và phong cách thì cứ ngỡ như từ năm 1985.
Sau thất bại của Just Whitney, Whitney Houston rời xa sân khấu và phòng thu một thời gian dài. Trong 7 năm đó, cô phải đối mặt với bao scandal và càng lúc, càng có nhiều người hâm mộ quay lưng lại với cô. Rượu và ma túy đã khiến Whitney trở nên tiều tụy và giọng hát không còn được như xưa. Năm 2010 trong tour diễn đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm vắng bóng, Whitney xuất hiện tại các đêm diễn với giọng hát yếu ớt và hình ảnh thiếu sức sống.
Cô liên tục đổ mồ hôi, thậm chí đôi lúc quên mất lời bài hát khi đang biểu diễn. Ở những đoạn cao trào của ca khúc làm nên tên tuổi mình, I Will Always Love You, Whitney còn không lên được những nốt cao. Trong nhiều đêm diễn tại châu Âu, hàng loạt khán giả la ó Whitney Houston và bỏ về trong khi buổi diễn còn chưa kết thúc. Họ cảm thấy phí tiền, phí thời gian và không được tôn trọng.
Whitney Houston - "The Greatest Love Of All". |
Đến khi Whitney Houston ra đi mãi mãi, hàng triệu người mới nhận ra rằng họ từng yêu quý, thần tượng, ngưỡng mộ nữ nghệ sĩ này đến nhường nào. Sự nuối tiếc, những giọt nước mắt, những tiếng thở dài, nỗi xúc động, mong nhớ - tất cả đều đã muộn màng. “Sometimes we have to lose thing before we can truly appriciate it”, trích lời của Madonna tại lễ trao giải VMA 2009 khi tưởng nhớ Vua nhạc Pop Michael Jackson.
Cuộc đời và sự nghiệp của Whitney Houston có thể ví như một bông hồng gai - đầy tươi đẹp, ngọt ngào nhưng cũng rất đau đớn, nghiệt ngã. Tuy nhiên, đó sẽ là một bông hồng gai vĩnh cửu. Những gì cô đã cống hiến cho nền âm nhạc thế giới là tài sản vô giá. Những bản tình ca của Whitney Houston, dù được vang lên trên những sân khấu, quảng trường lớn ở nước Mỹ xa xôi, hay từ chiếc cassette cũ kỹ trên căn gác nhỏ một ngôi nhà cổ ở Việt Nam, vẫn luôn chứa đựng một sức sống tiềm tàng nuôi dưỡng tâm hồn của hàng triệu người - như nó vẫn thế trong gần 30 năm qua.
Nguyên Minh
Hãy chia sẻ kỷ niệm của bạn với âm nhạc của Whitney Houston?