- Lần đầu tiên mang phim về nước trình chiếu, cảm giác của anh ra sao?
- Ngồi xem phim thấy khán giả trong nước cộng hưởng tốt với bộ phim, tôi vui lắm. Cảm giác hồi hộp thật khó tả dù từ năm ngoái, phim Touch (Chạm) đã dự các liên hoan ở Mỹ, được vài giải thưởng.
3 tuần trước, phim cũng phát hành ở California, Mỹ, được khán giả ủng hộ nhiệt tình, mấy suất đầu đều hết sạch vé. Tháng sau, chúng tôi còn tiếp tục mang phim đến với khán giả Việt ở Texas.
Đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh.
- Anh đặt kỳ vọng gì vào "Touch" trong việc tấn công vào thị trường điện ảnh trong nước?
- Tôi là bạn của anh Nguyễn Võ Nghiêm Minh, đạo diễn phim Mùa len trâu. Khi xem Touch, anh ấy thấy thích và giới thiệu phim tôi với nhà phát hành trong nước. Khi nhà phát hành xem xong, họ cũng hài lòng. Từ cơ duyên đó, Touch đã về với khán giả quê nhà.
Tôi đã tập trung để làm Touch. Khi làm xong tôi không có nhiều tiền để quảng bá cho bộ phim nên không dám nói là kỳ vọng. Tôi chỉ mong phim sẽ cuốn hút được khán giả trong nước, được mọi người thích và đồng cảm. Tôi là một tên tuổi chưa ai biết đến nên cũng không dám nghĩ gì nhiều. Rất mong tác phẩm đầu tay sẽ mở cửa cho tôi có thêm nhiều cơ hội làm phim tiếp theo.
- Anh mất bao lâu để có kịch bản này?
- Vì ba mẹ muốn tôi trở thành bác sĩ, tôi từng là sinh viên ngành Sinh học của Đại học UC Berkeley, Mỹ. Nhưng tôi mê phim nên quyết định đổi trường, theo học ngành điện ảnh ở USC (University of Southern California). Năm 1998, lấy bằng thạc sĩ xong, tôi đi dựng phim cho các hãng, rồi viết vài kịch bản chờ được làm phim của mình. Nhưng vài lần định làm là nhà tài trợ lại rút tiền vì tình hình kinh tế suy thoái. Những lúc như thế, tôi nản và buồn quá, cứ nghĩ là mình không có duyên với công việc này.
Nhưng sau, suy nghĩ lại, tôi thấy một phần cũng do mình. Bởi tôi bị ảnh hưởng cách đi của Hollywood, kịch bản thường cần nhiều kinh phí, trong khi điều kiện kinh tế không cho phép. Nhận ra được điều này, tôi bắt tay vào viết một kịch bản có nội dung giản dị, phù hợp với phim chi phí thấp. Sau 2 năm thai nghén, Touch ra đời.
- Anh gặp khó khăn gì nhất khi thực hiện nó?
- Tôi chỉ có 3 tuần để hoàn thành phim (dù với những phim như thế này thường mất ít nhất 2 tháng). Với số tiền ít ỏi 200.000 USD (gần 4,2 tỷ đồng), nhà sản xuất yêu cầu phải làm trong chừng đó thời gian. Suốt 3 tuần đó, mỗi ngày với chúng tôi như lao vào những cuộc đua, mất ngủ triền miên.
Một góc cuộc sống lao động của người Việt được miêu tả trong phim "Touch".
- Điều gì ở nghề nail thật sự hấp dẫn để anh mang bối cảnh nghề này vào nội dung?
- Khi đã có ý tưởng về một câu chuyện giản dị từ cuộc sống, tôi nghĩ ngay đến nghề nail của bà con người Việt mình ở Mỹ. Có một thực tế là nghề này đã giúp rất nhiều người Việt sống được, sống tốt ở đây. Nghề này giúp họ mua xe xây nhà, mang đến công ăn việc làm, tạo đời sống tốt hơn cho con cái họ. Quan trọng là thế mà vẫn có người nhìn nó như một nghề thấp kém. Tôi muốn viết về công việc của những người thợ nail với góc nhìn vui tươi. Dù có cực khổ, vất vả, họ vẫn tạo sự vui vẻ cho môi trường làm việc của mình và sống lạc quan.
Việc nắm tay, cầm tay một ai đó là cử chỉ rất thân mật, gần gũi rồi. Huống gì một người thợ nail, một ngày họ tiếp xúc với hàng chục bàn tay. Tôi tự hỏi họ nghĩ gì, cảm thấy gì khi làm công việc của mình. Để viết kịch bản này, tôi đã hơn 10 lần đi làm nail. Lần đầu, bước vào tiệm cũng ngượng ngùng lắm, các chị thợ cũng ngạc nhiên không biết vì sao mình đến nhiều thế. Nhưng khi biết mục đích của tôi, họ vui vẻ tâm sự những chuyện xoay quanh cuộc sống của mình, cho tôi thấy cách họ đối thoại, trò chuyện.
- Phim anh rất nhiều cảnh "nóng". Anh sẽ trả lời sao nếu nói đây là một chiêu câu khách?
- Khi phim chiếu ở Mỹ, khán giả trẻ rất thích, còn vài khán giả lớn tuổi thì chia sẻ với tôi: "Sao phim nhiều cảnh nóng quá vậy? Sao không làm ít cảnh như thế hơn?". Tôi lắng nghe mọi lời góp ý khen chê nhưng tôi vẫn xin giữ những gì mình đã thể hiện trên màn ảnh.
Từ những sự đụng chạm thể xác trong phim, tôi muốn gửi vào đó ý nghĩa về sự giao tiếp cơ thể con người. Trong cuộc sống, đôi khi lời nói chưa đủ. Cũng như ngay khi cả có nhiều người bên cạnh, chúng ta vẫn cô đơn. Vì hoàn cảnh cuộc sống, vì sự tất bật của công việc, vì sự thờ ơ hay sự lãng quên nào đó mà đôi khi đứa bé thiếu sự đụng chạm với bố mẹ, vợ chồng cưới nhau lâu ngày quên cách mà họ từng rung động khi yêu nhau thưở ban đầu... Những lúc như thế, một cái chạm tay, cầm tay, cái ôm siết, sự ấp ủ nhau... biết đâu sẽ mang lại ngọn lửa tình yêu.
Đạo diễn hài lòng về diễn xuất của hai diễn viên chính trong phim. Từ trái sang: Nguyễn Đức Minh, diễn viên John Ruby (vai Brendan) và Porter Lynn (vai Tâm). |
- Anh chọn diễn viên thế nào?
- Tôi mất 3 tháng để viết kịch bản, 2 năm để kêu gọi tài trợ, tuyển diễn viên và làm phim. Khâu chọn diễn viên rất khó vì phải có diễn viên người Việt và người Mỹ.
Tôi đăng tin casting trên báo Mỹ, người đại diện của nữ diễn viên Porter Lynn và John Ruby liên lạc với tôi. Khi tiếp xúc với hai diễn viên này, tôi biết mình đã chọn được người thích hợp. Và đúng là cả hai nhập vai tốt. Porter Lynn có thể diễn tả sự cô đơn, nội tâm phức tạp của một cô gái trẻ. Còn John Ruby vào vai người chồng làm nghề thợ máy rất vừa phải, chừng mực trong diễn xuất. Anh cũng cho thấy sự bẽn lẽn, rụt rè... cần có của vai diễn.Nhất là khi thể hiện những cảnh "nóng", cả hai diễn viên đã hy sinh rất nhiều, làm tôi cảm động. Để tạo tâm lý thoải mái cho họ, khi quay những cảnh này, trên phim trường chỉ có tôi và người quay phim, tuyệt đối không có ai khác.
- Là một người Mỹ gốc Việt, làm thế nào để anh vẫn giữ được tiếng mẹ đẻ thông thạo trong môi trường văn hóa khác biệt như thế?
- Tôi sinh ra ở Nha Trang. 9 tuổi, tôi theo gia đình sang Mỹ định cư. Bố mẹ tôi có 10 người con. Cuộc sống ban đầu ở đất Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả. Bố mẹ tôi làm rất nhiều nghề khác nhau để nuôi con, có lúc còn đi trông giữ em bé. Khi anh chị tôi lớn lên thì vừa học vừa làm để phụ giúp gia đình thêm.
Tôi là con thứ tám nên gia đình cũng không bắt làm nhiều. Ngày nhỏ, cứ tối đến là thích trèo cửa sổ trốn đi chơi. Có lẽ vậy mà trong khi các anh chị tôi hầu hết là kỹ sư, nha sĩ... chỉ có tôi và anh trai Long Nguyễn (vào vai người cha trong phim Touch, và từng tham gia phim Heaven and Earth của đạo diễn Oliver Stone vào năm 1993) là đi theo điện ảnh.
Anh em chúng tôi ra ngoài thì nói tiếng Mỹ, nhưng về nhà là sử dụng tiếng Việt. Lúc bé, tôi vẫn tìm sách Việt để đọc, thích nhất là đọc truyện chưởng.
- Sau "Touch", kế hoạch sắp tới của anh là gì?
- Tôi viết một kịch bản phim mới mà khúc đầu lãng mạn còn càng về sao càng kinh dị (cười). Tôi mong tìm được nguồn tài chính để bắt tay làm phim này.
Trailer phim "Touch" |
Thoại Hà thực hiện