Đạo diễn Roman Polanski thời trẻ. Ảnh: Indie. |
Roman Polanski bị bắt khi tới Thụy Sĩ nhận một giải thưởng điện ảnh danh dự. Năm 1977, ông hãm hiếp một đứa trẻ 13 tuổi. Để tránh bị vào tù, ông rời nước Mỹ, sang Pháp sống để không bị dẫn độ, tiếp tục phát triển sự nghiệp điện ảnh. Ông tránh tới các quốc gia có thể dẫn độ ông về Mỹ. Ông cũng không thể tới Los Angeles để nhận giải Oscar năm 2002 với bộ phim The Pianist (Nghệ sĩ dương cầm). Phim được đề cử 7 danh hiệu, trong đó có giải Phim xuất sắc và đoạt ba tượng vàng cho đạo diễn, nam diễn viên chính (Adrien Brody) và biên kịch (Ronald Harwood).
Hãng AP đưa tin, chính quyền Ba Lan (quê hương, nơi Polanski từng sống thời trẻ) và Pháp tuyên bố sẽ yêu cầu Thụy Sĩ và Mỹ phóng thích, tha bổng cho nhà làm phim nổi tiếng. Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski cho biết, ông cùng đồng nhiệm Pháp Bernard Kouchner đã có kế hoạch đề nghị Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton xá tội cho Polanski.
Roman Polanski là cây đại thụ của điện ảnh thế giới. Ảnh: Sys image. |
Polanski nổi tiếng với những tác phẩm điện ảnh kinh điển như Chinatown, Rosemary’s Baby. Ông từng xin được giảm án năm 1978, nhưng sau đó lại đối mặt với nguy cơ phải ngồi tù lâu hơn nên quyết định trốn sang Pháp - đất nước không ký hiệp ước dẫn độ tội phạm với Mỹ.
Những năm gần đây, nhiều quốc gia châu Âu đã đẩy mạnh việc truy bắt tội phạm nước ngoài và dẫn độ. Bộ trưởng Tư pháp của Thụy Sĩ cho biết, Mỹ tăng cường nỗ lực truy nã ông khắp thế giới từ năm 2005. Tòa án Los Angeles gửi lệnh bắt bất kỳ khi nào có thông tin Polanski có kế hoạch rời nước Pháp. Ông đã bị bắt hụt nhiều lần, vì chính quyền nhiều nước không nắm được lịch trình của ông từ sớm, hoặc ông hủy chuyến đi.
Lần này, thông tin Roman Polanski sẽ tới dự LHP Zurich đã được đăng tải trên mạng Internet với nỗ lực bán vé của nhà tổ chức. Cảnh sát Thụy Sĩ liền chăng lưới chờ ông. Bộ trưởng Tư pháp nước này cho biết, Polanski sẽ bị tạm giam ở Zurich cho tới khi họ hoàn thành các thủ tục trao trả cho Mỹ. Chính quyền Mỹ có 60 ngày để gửi yêu cầu chính thức dẫn độ tội phạm. Luật sư của nhà làm phim cho biết, họ cố gắng giải cứu ông ngay từ Zurich, bằng cách xin bỏ lệnh bắt. Năm ngoái, các luật sư của Polanski đã thay mặt ông xin tòa án Los Angeles hủy vụ án này, nhưng nhận được yêu cầu chính bị cáo phải có mặt tại tòa để xin tha thứ. Polanski không muốn phải chịu rủi ro nên quyết định không bao giờ tới Mỹ.
Nạn nhân của ông, Samantha Geimer, đã kiện và được đền bù. Từ nhiều năm nay, người phụ nữ đã 45 tuổi này luôn nỗ lực đề nghị tòa án Mỹ tha bổng cho Polanski. Cô đang sống tại Kilauea, một thị trấn nhỏ ở Kauai, đảo Hawaii. Cô chưa lên tiếng bình luận sau khi Polanski bị bắt tại Thụy Sĩ.
Polanski là người Ba Lan sinh tại Pháp. Ông theo cha mẹ về quê hương sống và đã thoát chết trong trại tập trung người Do Thái ở Krakow trong Thế chiến 2. Mẹ ông chết trong tại tập trung Auschwitz của Phát xít Đức. Lớn lên, ông làm phim và có bộ phim Knife in the Water được đề cử Oscar Phim nước ngoài xuất sắc năm 1964. Ông được mời tới Hollywood để đạo diễn bộ phim Rosemary’s Baby năm 1968.
Cuộc đời Roman Polanski lại chìm vào bóng đêm lần nữa khi người vợ đang mang bầu tám tháng của ông, diễn viên Sharon Tate bị sát hại tại Los Angeles năm 1969. Tám năm sau đó, ông gây chấn động khi bị cáo buộc hãm hiếp đứa trẻ 13 tuổi, người ông thuê làm người mẫu để chụp ảnh tại nhà của diễn viên Jack Nicholson. Khi đó, Jack đi vắng. Ông bị buộc tội chuốc rượu pha thuốc ngủ cho nạn nhân, đưa cô vào bồn tắm và hãm hiếp cô.
Lúc đầu, Roman Polanski bị buộc sáu tội và có thể bị kết án chung thân. Nhưng ông chỉ nhận tội quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên, và tuyên bố ông không hề biết tuổi của cô bé. Các công tố viên cho biết, khi đó Polanski có thể phải lĩnh từ 16 tháng đến ba năm tù, trong khi mức án cao nhất là 50 năm tù.
Mai Trần