Không có lợi thế về ngoại hình, bản thân Công Ninh đã biến sự góc cạnh, khắc khổ của mình thành lợi thế về cá tính, tạo ấn tượng cho từng vai diễn. Cũng với gương mặt ấy, thậm chí “dữ tướng”, nhưng Công Ninh lại để dấu ấn qua những vai chính diện. Chiếc chìa khoá thành công từ những điều ngược quy luật ấy, chính là cách khai thác sâu nội tâm nhân vật của anh.
Năm 1979, Công Ninh thi đỗ vào khoa Diễn viên trường Sân khấu - Điện ảnh TP HCM lúc đó còn là trung cấp. Sau 4 năm miệt mài học tập, Công Ninh tốt nghiệp và năm 1984, anh được tuyển chọn sang học ở Liên Xô.
Những năm học đạo diễn sân khấu ở Đại học Sân khấu - Điện ảnh Leningrat (Liên Xô cũ) đã cho Công Ninh nhiều bài học quý giá về diễn xuất. Anh tâm sự: “Ngay từ khi mới vào học, tôi nhận thấy sự khác biệt trong cách diễn xuất của các bạn người Nga (và người Âu nói chung). Họ diễn rất điềm tĩnh, tự nhiên và hướng nội là chính. Trong khi đó, cách diễn của ta nhiều khi bị thiên về ngoại hình, mặc dù trong cuộc sống thì ngược lại, người Á Đông thường kín đáo hơn". Đó cũng là những chiêm nghiệm quan trọng, giúp cho Công Ninh xây dựng dần cho bản thân anh một phong cách diễn xuất rất riêng.
![]() |
Diễn viên Công Ninh. Ảnh: Thế Giới Điện Ảnh. |
Năm 1996, Công Ninh được đạo diễn Lê Hoàng mời vào vai Tấn - một chiến sĩ giải phóng - trong Ai xuôi vạn lý, với hành trình gian nan đưa hài cốt người đồng đội từ Nam ra Bắc khi đất nước vừa thống nhất. Trong phim có nhiều trường đoạn thành công. Diễn xuất mộc mạc, chân thật, hướng vào chiều sâu nội tâm của Công Ninh đã tạo nên một anh Tấn điềm tĩnh, chịu đựng, gan lì, sẵn sàng đương đầu với mọi tình huống éo le, khiến người xem xúc động.
Với nhân vật Tấn, lần đầu tiên Công Ninh vào vai chính trong một bộ phim truyện nhựa nhưng ngay lập tức anh đã đạt được thành công với giải Nam diễn viên xuất sắc tại LHP lần thứ 12 năm 1999, góp phần vào thành tích chung của Ai xuôi vạn lý với nhiều giải quốc tế, trong đó có giải Khinh khí cầu bạc tại LHP Nantes (Pháp).
Sau thành công với Ai xuôi vạn lý, năm 1999, Công Ninh được đạo diễn Nguyễn Thanh Vân mời vào vai Huy "Cụt" trong Đời cát. Huy "Cụt" là người đàn ông thương yêu tha thiết bà Thoa (Mai Hoa đóng) suốt hơn 20 năm từ khi bà còn là cô du kích trẻ có chồng đi tập kết. Tình yêu đơn phương của Huy âm ỉ cháy không gì dập tắt nổi. Thoa lảng tránh Huy, nhưng Hảo (Trần Thị Bé đóng) - người đàn bà bị chiến tranh cướp đi đôi chân - lại khao khát Huy để tìm một “nửa kia” của cuộc đời mình. Và Huy lại lảng tránh Hảo.
Một cuộc rượt đuổi quay vòng kiểu đèn cù. Diễn xuất sâu lắng toát ra từ ánh mắt, từ mỗi bước đi và dáng đứng của Công Ninh có sức khứa vào lòng người xem nỗi đau trước bi kịch chiến tranh và những éo le cuộc đời. Đời cát thành công lớn: Giải Bông sen vàng tại LHP VN lần thứ 13 và Giải phim hay nhất tại LHP châu Á - Thái Bình Dương năm 2000. Trong thành công đó có phần đóng góp không nhỏ của Công Ninh.
Có duyên nợ với trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, tốt nghiệp Đạo diễn sân khấu ở Liên Xô, về nước năm 1990, Công Ninh được nhận vào giảng dạy tại trường. Đến nay, anh đã có hơn chục năm gắn bó với bục giảng của trường. Người thày này tìm thấy một niềm say mê thực sự trong mỗi giờ lên lớp, mỗi bài giảng, mỗi buổi tập với sinh viên. Công Ninh cố gắng truyền cho sinh viên cách diễn chân thực, không lạm dụng kỹ thuật, không chạy theo kiểu diễn xuất ngoại hình. Đối với mỗi vai diễn, anh đều cố gắng phân tích tâm lý nhân vật thật kỹ, tìm nét đặc trưng và khơi dòng cảm xúc từ nhân vật. Khi đã bắt được mạch cảm xúc rồi, anh lại cố gắng diễn thật tiết chế để dồn đẩy kịch tính lên đến cao trào.
Cố gắng tiếp thu những bài học kinh điển, cố gắng chiêm nghiệm thực tế cuộc sống, thế rồi bao nhiêu vốn liếng nghề nghiệp tích luỹ được Công Ninh “trút” cho học trò. Có lẽ vì vậy mà giờ học của thày Công Ninh thường khiến các cô cậu diễn viên tương lai rất hào hứng.
Là người tham công tiếc việc, thời gian của anh chia đều cho giảng dạy, dàn dựng vở và diễn kịch ở sân khấu nhỏ… Nhưng một công việc anh xem rất thiêng liêng: đó là đóng phim. Chính vì thế mà Công Ninh đạt được nhiều thành tích: từ các bằng khen giáo viên dạy giỏi, các giải bình chọn của công chúng cho Diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất, cho đến giải thưởng chuyên nghiệp dành cho diễn viên xuất sắc tại LHP.
Dồn tâm sức cho công việc, “chàng trai không còn trẻ” này dường như không may mắn lắm trong cuộc sống gia đình. Căn hộ độc thân của anh thiếu bàn tay phụ nữ thu vén, chăm chút. Ấy thế nhưng bản thân Công Ninh không thấy sự thiếu thốn đó. Cũng có thể do công việc bận rộn cuốn anh ngày này sang tháng khác, cũng có thể do anh quen sống bình dị và luôn ôm ấp trong mình niềm say mê thực sự với nghề nghiệp, với nghệ thuật.
(Theo Thế Giới Điện Ảnh)