Ngày 27/12, hội nghị về "Nâng cao thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn", diễn ra tại TP HCM. Có khoảng 30 tham luận gửi về ban tổ chức, trong đó 18 tham luận, ý kiến được chọn trình bày.
Trong chưa đầy một ngày, hội nghị này tung ra quá nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực biểu diễn: nghệ thuật múa, âm nhạc, sân khấu, thời trang... Vì thế, chương trình không tránh khỏi nặng về lý thuyết. Thậm chí, nhiều đại biểu phát biểu sa đà, lan man, "dắt dây" từ bất cập của nghệ thuật biểu diễn sang chuyện của liên đoàn bóng đá Việt Nam, chuyện của hội nhà văn... khiến hội nghị có lúc trở nên dài dòng, thiếu hẳn sự tranh luận, bàn thảo.
Trước khi diễn ra, hội nghị được kỳ vọng sẽ có sự góp mặt của các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực biểu diễn, nhất là các lĩnh vực vấp nhiều sai phạm hiện nay, như sân khấu ca nhạc, hoặc thời trang… Nhưng thực tế, hầu hết người đến dự là các nhà lý luận phê bình, quản lý, các lãnh đạo… Vì thế, hội nghị thiếu hẳn tiếng nói từ phía những người đang trực tiếp cọ xát vào đời sống biểu diễn nghệ thuật của cả nước.
Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, khi nghị định mới ban hành, chuyện xử phạt nghệ sĩ sai phạm trong hoạt động biểu diễn sẽ được quy định cụ thể, mức phạt cũng được điều chỉnh phù hợp với tình kinh phát triển kinh tế xã hội. Gần đây nhất xảy ra vụ việc Đêm mỹ nhân được tổ chức nhằm mục đích từ thiện, giúp đỡ sinh viên nghèo, mồ côi và người già neo đơn của Quảng Bình, diễn ra tại Đồng Hới hôm 14/8. Trong chương trình, ca sĩ Minh Hằng và vài nghệ sĩ khác đã sử dụng trang phục được cho là chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục cũng như hoàn cảnh. Cuối cùng, đợn vị tổ chức "Đêm mỹ nhân" bị phạt 3,5 triệu đồng. |
Ca sĩ Thanh Thúy, đại diện cho lực lượng biểu diễn trẻ của TP HCM, chỉ phát biểu vài ý chung về việc cần nâng cao giáo dục âm nhạc dân tộc và giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật cho giới trẻ. Ông Trần Thanh Long, giám đốc công ty thời trang PL, kiến nghị, cần có môi trường tốt cho hoạt động biểu diễn thời trang, ví dụ: cho phép diễn áo tắm, đồ lót vì đây cũng là nhu cầu của thực tế cuộc sống.
Nhiều đại biểu cho rằng, một bộ phận hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong nước gần đây rơi vào "thời của thảm họa": thảm họa sân khấu, thảm họa âm nhạc, thảm họa thời trang, thảm họa phim Việt...
Nhạc sĩ Hồ Quang Bình, Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội nêu ra, hiện nay, nhiều bài hát xuất hiện trên mạng như: Đừng yêu em của Lê Kiều Như, Da nâu của Phi Thanh Vân, Tím si la bùm của Vũ Hà, Vọng cổ Teen của Vĩnh Thuyên Kim, Ta là nhan sắc của Yến Trang, Mặt trái của sự thật, Thêm một lần đau của HKT, Cấm trẻ em dưới 18 tuổi của Tần Khánh... đều có nội dung dung tục, buông thả, tùy tiện. Ông cũng cho rằng, không ít nghệ sĩ hiện nay có nhiều kiểu thói biểu diễn khó nhìn. "Múa may quay cuồng, xuất hiện những động tác vô nghĩa, trang phục thiếu quá nhiều vải, giọng hát chênh phô... đây đó đã làm phô lệch những giá trị thẩm mỹ, phá vỡ những chuẩn mực lành mạnh, đẹp đẽ của đời sống", ông Hồ Quang Bình viết trong tham luận.
Nhà viết kịch Chu Thơm thì đề cập về chuyện nghệ sĩ thích khẳng định cái tôi, tự tin thái quá đến mắc bệnh vĩ cuồng. "Chính vì vậy, một vài cá nhân khi có "vòng một khủng bất thường" liền dương dương tự đắc và dùng ngay nó để tạo cho mình hình ảnh gợi cảm đến "từng centimet", là "vũ khí hủy diệt" các đối thủ khác.... từ đó họ ngạo mạn vô lối tới mức xem thường khán giả", ông Thơm nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Châu nói về các vụ việc liên quan đến trang phục, bản quyền, hát nhép, cấp phép gần đây đã đẩy cơ quan quản lý các cấp vào thế bị động và chữa cháy bằng những giải pháp tình thế, bằng những quyết định cấm đoán khi sự đã rồi. "Không lẽ lại đưa ra những quy định nực cười: váy áo "ngắn cỡ nào, mỏng mức nào, hở đến đâu" thì được phép? Vài triệu đồng phạt mỏng - hở - ngắn thì ăn nhằm gì. Người bị phạt nhờ thế có tiếng tăm, còn đắt sô hơn thì bù lại chẳng mấy hồi!", đại biểu này nói.
Bà Minh Châu cũng cho rằng, cũng cần chấn chỉnh tình trạng "Sở nói có, Bộ bảo không", nay cấp phép, mai hủy phép. “Không lẽ cứ lờ đi những kẽ hở quản lý và nguy cơ lách luật, mặc kệ giới biểu diễn và công chúng chẳng biết đằng nào mà lần?”, bà trình bày trong tham luận.
Ca sĩ Thanh Thúy phát biểu về việc nâng cao giáo dục âm nhạc dân tộc, giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật cho giới trẻ từ nhà trường. |
Vấn đề năng lực, trình độ chuyên môn của nhà quản lý nghệ thuật biểu diễn cũng được các đại biểu xoáy sâu.
Nhiều người cho rằng, nhà quản lý nghệ thuật cần phải am hiểu về nghệ thuật chuyên ngành mà họ quản lý. Tránh tình trạng thiếu “tâm, tầm, tài, tiền, tình” dẫn đến việc buông lỏng, hoặc không theo sát, xử lý không nghiêm minh hoặc dễ dãi cho sai phạm.
Sau khi các thực trạng chung được nêu ra, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao du lịch Đà Nẵng cho rằng, rất cần bổ sung, đổi mới Nghị định 75 của Chính phủ về xử phạt hành chính hoạt động văn hóa nghệ thuật, cũng như Quy chế 47 và Nghị định 103 về biểu diễn nghệ thuật.
"Một chương trình nghệ thuật hiện nay ở Đà Nẵng vé thấp nhất 500.000 nghìn đồng, vé cao có thể lên đến hàng triệu. Doanh thu của một chương trình biểu diễn có thể lên đến hàng tỷ. Vì vậy, chế tài cũng cần nâng lên mức cao hơn so với thu nhập của cá nhân, đơn vị tổ chức sai phạm, thậm chí ở mức tiền tỷ chứ không thể vài chục triệu đồng như hiện nay", vị lãnh đạo này nói.
Trước các ý kiến trên, ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết, những đóng góp hay, thiết thực sẽ được nghiên cứu đưa vào thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định mới vể nghệ thuật biểu diễn.
Nghị định gồm 5 chương và 31 điều đã được Cục trình Chính phủ, sẽ ban hành vào đầu năm 2012 kèm theo thông tư hướng dẫn cụ thể các điều khoản.
Trả lời về việc mức xử phạt sai phạm còn thấp, đại diện Cục giải thích: Nghị định nghệ thuật biểu diễn chỉ quy định về hành vi, còn mức quy định xử phạt thuộc về cơ quan khác. Hiện nay, pháp lệnh của Quốc hội quy định mức phạt tối đa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch chỉ 40 triệu đồng. Vì thế, nghị định về xử phạt không thể vượt quá khung này, muốn phạt tiền tỷ cũng không thể.
Tuy vậy, Cục không cho rằng mức phạt hiện nay là thấp. Nếu một nghệ sĩ, một tổ chức tái phạm liên tục thì tiếp tục bị phạt, và mức cao nhất là ngừng biểu diễn.
Về vấn đề chồng chéo trong việc cấp phép, Cục cho rằng, các cơ quan quản lý ban ngành của từng địa phương phải nâng cao trách nhiệm, tránh buông lỏng việc quản lý. Dù đã cấp phép vẫn phải giám sát thường xuyên chứ Cục và Bộ không thể nào quản nổi hoạt động của 63 tỉnh thành. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nâng cao nhận thức và hiệu quả của công tác lý luận phê bình, giáo dục thẩm mỹ thưởng thức văn học nghệ thuật...
NSƯT Đặng Hùng (hàng đầu, từ trái qua), Giám đốc Nhà hát Bông Sen, dành thời gian đến lắng nghe các tham luận tại hội nghị. |
"Tôi thấy sau hội nghị này, mọi việc vẫn còn ngổn ngang trước mắt Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, vốn là một bộ quá lớn, quá nhiều ngành nghề nên sự theo dõi các hoạt động nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật biểu diễn không thể nào quán xuyến hết...", nhà viết kịch Chu Thơm nhận xét.
Còn NSƯT Đặng Hùng cho rằng các ý kiến, bài tham luận tại hội nghị này cũng không có gì mới. Dù vậy, ông vẫn dành thời gian bận rộn cuối năm để ngồi lắng nghe vì ít nhiều cũng khái quát được tình hình chung để rút kinh nghiệm. "Tôi mong chờ có Luật biểu diễn. Có luật rồi thì căn theo đó mà xử phạt, tránh tình trạng đổ trách nhiệm cho nhau khi xảy ra sự cố", ông Hùng nói.
Theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Cục nghệ thuật biểu diễn chủ trì xây dựng dự thảo nghị định trình lên Chính phủ. Đây là lần đầu tiên, một văn bản có tính pháp quy cao nhất của ngành nghệ thuật biểu diễn được xây dựng, bao quát rất nhiều lĩnh vực đang được Bộ quản lý: biểu diễn, phát hành băng đĩa, tổ chức thi hoa hậu, thi người mẫu, thời trang... Nghị định có vài điểm mới, như: Bãi bỏ giấy tiếp nhận biểu diễn tại các địa phương. Khi các đơn vị nghệ thuật đã được cấp phép biểu diễn rồi thì đến địa phương nào, chỉ cần có bản báo cáo về địa điểm biểu diễn, thời gian, nội dung biểu diễn kèm theo bản sao giấy phép... Chỉ khi địa phương phát hiện ra những sai phạm thuộc những điều nghị định cấm hoặc chương trình chưa phù hợp với tình hình địa phương thì địa phương có quyền không cho phép tổ chức. Về hoạt động thi hoa hậu, trước đây, trong một năm chỉ có một cuộc thi cấp quốc gia nhưng trong dự thảo nghị định mới đề xuất có hai cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia mỗi năm. Bởi, Cục Nghệ thuật biểu diễn đánh giá hoạt động tổ chức hoa hậu có yếu tố tốt, hoàn toàn xã hội hóa và do các doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư. Bên cạnh đó, nếu Nghị định 103 cũ chỉ quy định chung chung, chưa rõ ràng, chưa đề cập nhiều đến hoạt động tổ chức thi người mẫu, thì nghị định mới sẽ cụ thể, rõ ràng hơn lĩnh vực hoạt động trình diễn thời trang. |
Bài, ảnh Thoại Hà