- Vì sao đợi đến 62 tuổi đời, 52 tuổi nghề, ông mới bắt tay thực hiện liveshow dành tặng khán giả trong nước?
- Ý tưởng làm liveshow là do Hồng Loan, con gái tôi đề ra và các con chung tay thực hiện cho tôi. Tôi cũng nghĩ, đã đến lúc thực hiện một chương trình riêng nói lời cảm ơn khán giả, bạn bè, người thân, những người ủng hộ tôi trên một chặng đường nghệ thuật khá dài.
Hiện tại, anh em nghệ sĩ đang đợi qua Tết có thời gian hơn để chuẩn bị kịch bản chắc chắn cho chương trình. Dự kiến trong tháng 1, Hồng Loan sẽ về nước để bắt tay vào việc chuẩn bị liveshow. Dự kiến chương trình sẽ diễn ra vào tháng 3 hoặc 4.
NSƯT Bảo Quốc không kén chọn sân khấu lớn hay nhỏ để tham gia diễn xuất. Với ông, những người làm nghề có tâm huyết đều có thể ở chung dưới một mái nhà. |
- Ở độ tuổi này, với ông, công việc diễn xuất có ý nghĩa như thế nào?
- Nhiều khi nhìn lại lịch "chạy sô" của mình, đôi khi tôi cũng giật mình vì nghĩ bản thân đã chủ quan về sức khỏe. Nhưng thật sự, sức khỏe tôi vẫn còn đáp ứng được công việc. Ví dụ, trong một ngày, nếu phải diễn lúc 14h ở Kịch Sài Gòn, đến 16h diễn ở Phú Nhuận và 18h, 20h có suất ở Sài Gòn Phẳng thì tôi vẫn diễn ngon (cười). Hễ ra sân khấu là tôi nhập vai ngay chứ không hề bị nhầm lẫn lời thoại hoặc lộn xộn vở diễn.
Diễn xuất là niềm vui sống. Lúc nào tôi cũng muốn diễn hết mình và lúc nào cũng đầy ắp việc để làm. Hiện giờ, các hãng phim, kịch, cải lương liên tục mời tôi tham gia.
- Thường chỉ nghệ sĩ trẻ, những người đang trên đường xây dựng sự nghiệp và chịu áp lực kinh tế mới phải bận bịu chạy "sô". Còn ông vì sao phải lao vào guồng quay tất bật như thế?
- Tôi đã qua thời kỳ bon chen, tranh giành tiền bạc trong công việc dù rằng, từ xưa đến giờ tôi chưa từng tranh giành với ai trong nghề. Với tôi, chuyện cát-xê hiện giờ không thành vấn đề lắm. Điều tôi quan trọng nhất là bản thân có xứng đáng với số tiền mà người ta trả cho vai trò của mình hay không.
Khi còn trẻ cái gì tôi cũng nhận hết để làm. Còn giờ tôi biết sắp xếp công việc hơn. Cần giữ uy tín của mình.
Điều mà tôi thấy hạnh phúc là được sống qua nhiều giai đoạn thăng trầm của sân khấu Việt Nam. Tôi vui vì có thể xem mình là "chiếc cầu nối" giữa thế hệ nghệ sĩ lão thành và nghệ sĩ đàn em, đàn cháu sau này. Tôi từng học hỏi và diễn chung cùng các bậc lão thành như bác Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân rồi Thành Được, Thanh Nga, Hùng Cường, Bạch Tuyết và bây giờ là nghệ sĩ kế tiếp như Vũ Linh, Vũ Luân cùng một nhóm nghệ sĩ trẻ của Chuông vàng vọng cổ nữa.
Là nghệ sĩ lão thành, Bảo Quốc luôn hòa đồng và gần gũi với các diễn viên trẻ. Ông sẵn sàng đứng chung sân khấu với các gương mặt thuộc thế hệ sau. |
- Diễn chung với nhiều nghệ sĩ trẻ, ông đánh giá thế nào về họ?
- Có nhiều khi 9h sáng tập tuồng, 9h kém15 tôi đã ngồi đợi một mình giữa sân khấu vắng lặng. Nhiều khi 11-12h chúng mới đến tập. Việc này kéo dài thường xuyên, nhưng tôi đã luyện cho mình cách thông cảm với tuổi trẻ. Tôi nghĩ, có thể các em còn trẻ, còn ham vui, tối qua diễn xong còn đi ăn nhậu khuya nên sáng dậy sớm không nổi.
Nhưng chính vì các bạn thấy hình ảnh tôi ngồi đợi trên sân khấu như thế nên dần dần không tái diễn việc đến trễ nữa. Được như vậy mình cũng thấy vui vì đã làm gương cho tụi nhỏ được chút ít.
Tôi xem ai theo nghề này cũng như là người trong một gia đình. Tôi từng đứng chung sân khấu với những bậc lão thành. Họ đã thương và dẫn dắt tôi thì giờ tôi cũng ứng xử như thế với người trẻ, tính tôi không kỳ thị tuổi trẻ. Cả tấu hài tôi cũng diễn được, "ăn rơ" với Ngọc Giàu, Hồng Nga, Hồng Vân, Việt Hương, Thúy Nga.
NSƯT Bảo Quốc (phải) và Ngọc Trinh trong vở diễn "Điện thoại nửa đêm" trên sân khấu Sài Gòn Phẳng. Ảnh: Ngọc Hùng. |
- Trong gần 52 năm theo công việc diễn xuất, đã có biến động gì khiến ông muốn bỏ nghề?
- Bước đường làm nghề của tôi không nhiều biến động. Tuy nhiên, có kỷ niệm xưa khiến tôi nhớ mãi.
Ngày trước, khi còn trẻ, tôi nhận được một vai chính rất hay trong phim hài Năm vua hề về làng với tiền cát-xê thỏa thuận là 500 đồng. Chẳng may lúc đó tôi có việc đi công tác, nên một nghệ sĩ có tên tuổi hơn tôi lúc bấy giờ chen vào nhận vai đó với giá chỉ 300 đồng. Biết mình bị mất vai, tôi hụt hẫng và mất niềm tin kinh khủng. Nhưng rồi sau chuyện đó, tôi tự dặn mình phải cố gắng hơn nữa. Đến bây giờ, trong đầu tôi lúc nào cũng ghi nhớ câu: "Không bao giờ được chèn ép người trẻ hơn mình".
Thật ra ngay cả khi tôi đã có tên tuổi cũng khó tránh khỏi cảnh cạnh tranh kèn cựa trên sàn diễn. Đến giờ, có người diễn chung với tôi cũng muốn tranh giành mảng miếng với mình. Diễn chung, họ giành nói đủ thứ hết, còn tôi không nói gì nhưng khi tôi nói ra thì khán giả vỗ tay rần rần. Tôi nghĩ hơn hay thua còn do khán giả quyết định nữa.
- Còn kỷ niệm nào khiến ông thấy hạnh phúc mỗi khi nhớ về?
- Năm 2009, chương trình "NSƯT Bảo Quốc - 50 năm vui cười cùng sân khấu" diễn ra tại quận Cam, California và rất thành công. Tôi nhớ nhất là cảnh khán giả đông đến nỗi phải xếp cho họ đứng xem trong rạp hát mà họ vẫn rất nhiệt tình đứng suốt hơn 4 tiếng đồng hồ, không có giải lao.
Tôi đã diễn liên tục các trích đoạn sân khấu như: Bàn thờ tổ của một cô đào, Tiếng hạc trong trăng, Ngao sò ốc hến, rồi còn hát cả hồ quảng... Chương trình này cũng do Hồng Loan con gái tôi đứng ra dàn dựng đúng vào dịp Ngày của Cha. Hai cha con tôi đứng cùng trên sân khấu ca và diễn. Đó là kỷ niệm xúc động.
- Hiện nay, niềm vui của ông ngoài công việc diễn xuất là gì?
- Đó là các con tôi đều ngoan, tình cảm trong gia đình thì gắn bó, đầm ấm. Hồng Loan cũng có cuộc sống ổn định ở Mỹ. Tôi có 5 đứa cháu nội ngoại, đứa nhỏ nhất 4 tuổi cũng từng tham gia với tôi trong chương trình "50 năm vui cười cùng sân khấu".
Tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình tránh được hai thứ đáng sợ của người nghệ sĩ khi lớn tuổi là túng thiếu và cô đơn. 43 năm cưới nhau, tôi tự hào là chưa làm điều gì để phiền lòng vợ mình. Đến giờ, tháng nào vợ chồng tôi cũng thu xếp để mỗi tuần đi du lịch cùng nhau, lúc thì đi nước ngoài, lúc thì Đà Lạt, Đà Nẵng, Phan Thiết...
Thoại Hà thực hiện