Cuộc thi tiếng hát dành cho lứa tuổi trung và cao niên lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, thu hút nhiều người quan tâm. Ngoài những người yêu âm nhạc, khán giả còn là người thân, bạn bè của thí sinh. Họ đến để ủng hộ và truyền thêm sức mạnh cho bà ngoại, mẹ, cậu hay dì... của mình tự tin thể hiện đam mê ca hát.
Cổ động viên luôn có mặt đông đủ tại mỗi đêm diễn. Ảnh: L.P. |
Khẩu hiệu 'Bà ngoại ơi, cố lên' luôn dễ nhìn thấy ở hàng ghế khán giả trong mỗi đêm chung kết. Chính sự ủng hộ quá nồng nhiệt của người thân và khán giả đã khiến cho cụ Lê Thị Nhung không tránh khỏi bối rối và lúng túng ở đêm chung kết đầu tiên Tiếng hát mãi xanh. Nghe tiếng reo hò và cổ vũ, cụ "bị khớp" đến nỗi ù tai không nghe được nhạc đệm, hát cứ bị sai nốt cao của bài Đêm đông. MC phải kêu gọi mọi người ổn định, giữ yên lặng để cụ lấy bình tĩnh và thể hiện lại.
Chị Lê Thị Kim Hồng, con gái cụ Nhung, cho biết: "Khi biết mẹ lọt vào vòng bán kết, cả nhà vui mừng khôn xiết vì biết niềm đam mê ca hát của mẹ đã phần nào thành hiện thực trong đời. Từ đó, cả gia đình tập trung để săn sóc, nhắc nhở bà uống thuốc để giữ gìn sức khỏe. Mọi người cũng háo hức làm băng rôn cổ vũ, rồi thay phiên nhau đưa đón mẹ trong mỗi ngày thi".
Chị Hồng kể thêm, em trai chị có chút năng khiếu nghệ thuật, biết chơi nhạc nên thường gõ nhịp, tập hát cùng cụ Nhung. Mỗi đêm diễn, ngồi dưới khán đài thấy mẹ hát là chị lại rơi nước mắt. "Tôi vô cùng hạnh phúc khi thấy mọi người dành cho mẹ tình cảm đặc biệt. Điều đó giúp mẹ thấy rằng, bên bà luôn có nhiều người chia sẻ", chị Hồng nói.
Gia đình 4 thế hệ đi cổ vũ trong chương trình Tiếng hát mãi xanh. Ảnh: st. |
Không chỉ đi cổ vũ mà những người thân của các thí sinh còn là người hướng dẫn, tư vấn trang phục, chăm lo tinh thần cho họ mỗi đêm diễn. Chị Trần Thị Diễm Hương, em gái của thí sinh Trần Thị Kim Loan là một điển hình.
Đang cùng mẹ buôn bán trái cây tận Campuchia, nhưng nghe tin chị gái dự thi, chị Hương lập tức về Việt Nam sát cánh cùng chị mình. Mỗi bộ trang phục thí sinh Trần Thị Kim Loan mặc trên người đều do chính tay chị Hương chọn lựa và tư vấn. Chị Hương nói: "Chị gái tôi quê mùa, không biết cách ăn mặc, mà những bộ váy của chương trình lại không phù hợp. Thế là hai chị em tự lo trang phục". Phong cách ấn tượng, cá tính của thí sinh Nguyễn Thị Loan trên sân khấu có sự góp sức không nhỏ của em gái chị.
Chưa hết, mỗi đêm thi cả gia đình chị Hương thuê chiếc xe chở 15 người từ Đồng Nai lên Sài Gòn để cổ vũ cho chị Loan. Riêng chị Hương cùng cô em gái út thuê hẳn một phòng khách sạn trong thành phố để ở và tập hát cùng chị gái trong những ngày thi.
Chị Hương cho biết, vì ở xa nên ba chị em thuê một khách sạn nhỏ ở TP HCM để ở và tập hát. Ở phòng trọ không có máy đĩa, mỗi ngày, chị phải mở nhạc bằng chiếc điện thoại di động để chị gái hát theo. "Nếu chị gái đậu giải thật mừng vì gia đình chị ấy cũng khó khăn. Chúng tôi cổ vũ bằng cách hét thật to để chị ấy không cảm thấy trơ trọi trên sân khấu. Mẹ tôi lấy ba tôi cũng vì yêu giọng hát của ông, chắc nhờ thế người nào trong nhà cũng hát được. Nếu ba tôi không bị bệnh chắc ông cũng đi thi", giọng chị Hương tự hào.
Cổ động viên trên khán đài của Tiếng hát mãi xanh. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc. |
Hiếm có cuộc thi nào mà đội ngũ cổ động viên lại đông đảo và nhiệt tình như cổ Tiếng hát mãi xanh. Có hai anh em ruột cùng nhau vào bán kết là Trương Quang Nam và Trương Thị Quang Sang, nhưng may mắn chỉ mỉm cười với cô em gái. Thế là, anh trai trở thành cổ động viên nhiệt tình nhất cho em gái tiếp tục "chiến đấu" ở vòng chung kết.
"Hai anh em tôi mà được chọn một là vui lắm rồi. Tôi mừng lắm và luôn cầu chúc cho em mình làm hết khả năng", anh Nam nói.
Cứ như thế cuộc thi đã trở thành một "bữa tiệc" nối kết tình cảm của thí sinh và người thân. Và tình cảm đó còn lan sang cả khán giả, làm bừng lên niềm đam mê mãnh liệt của những tâm hồn yêu ca hát, không kể độ tuổi nào.
Đêm chung kết xếp hạng Tiếng hát mãi xanh sẽ diễn ra vào 20h30 ngày 11/5 tại Nhà hát Truyền hình TP HCM, truyền hình trực tiếp trên HTV9, nối sóng trực tuyến trên VnExpress. |
Hoàng Dung