Xác định nhân tài là rường cột quốc gia, vua Gia Long thiết lập trường Quốc Tử Giám tại Kinh thành Huế (1803) để đưa người tài vào học tập, rèn luyện nhân đức. Việc ăn ở, đèn sách của giám sinh đều được triều đình lo.
Sau khi vua Gia Long mất, vua Minh Mạng lên ngôi đã có những chính sách khuyến tài, khuyến khích sĩ tử học hành bằng cách ban sách vở, đèn dầu và phát lương cho giám sinh.
Theo sách Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ, vào năm thứ 3 vua Minh Mạng chỉ dụ hàng năm mỗi phủ lấy một học sinh, hội đồng Quốc Tử Giám sẽ sát hạch lại trình độ, người nào học rộng thì lập danh sách tâu lên, cấp chi phí cho ăn học ở Quốc Tử Giám.
Để có nơi giám sinh học hành thoải mái, năm 1821 vua Minh Mạng cho xây dựng mở mang thêm tòa Di Luân Đường 5 gian 2 chái; phía sau là giảng đường 7 gian 2 chái; hai dãy nhà học đều 3 gian 2 chái, xung quanh là tường thành.
Vào năm thứ 5 (1824), vua Minh Mạng xuống dụ: "Quốc Tử Giám là nơi giáo dục nhân tài. Triều đình nuôi học trò, nên ưu đãi khiến cho nhân tài đều vui vẻ tu nghiệp tiến đức. Nay nghĩ bọn ấy, tuy có lương bổng cũng không được mấy. Phàm sinh viên đang học ở Giám đều thưởng cho mỗi người 10 quan tiền, để giúp khoản chi dầu đèn".
Ngoài việc chăm lo cho các giám sinh yên tâm học tập rèn tài, vua Minh Mạng cũng quan tâm, cảm thông với gia cảnh của giám sinh nghèo ở Quốc Tử Giám. Vua lệnh cấp 10 quan tiền cho các giám sinh nghèo để làm lộ phí về thăm cha mẹ già yếu 3 tháng, hết hạn giám sinh phải quay trở lại trường tiếp tục học tập.
Năm thứ 6 (1825) vua Minh Mạng nhận thấy giám sinh Quốc Tử Giám phần nhiều quê xa, lương bổng không được nhiều, mà suốt năm học tập cực khổ. Vua xuống chỉ thưởng cấp mỗi giám sinh 10 quan tiền để chi dùng cho dầu đèn, để tỏ rõ ý tốt của nhà vua là không buông lơi việc chăm lo kẻ sĩ.
Đến mùa đông khí trời lạnh rét, vua Minh Mạng ban thưởng mỗi giám sinh 10 quan tiền để mua chăn chiếu, bảo đảm sức khỏe.
Ngoài việc ban phát tiền dầu đèn cho giám sinh. một số người theo học ở Quốc Tử Giám không may chết vì bệnh tật cũng được triều đình lo chu đáo. Năm thứ 10 (1829), giám sinh Tạ Đăng Đài mắc bệnh chết, không thể thi Hội, vua Minh Mạng đã ban cho gia đình 50 quan tiền, 5 tấm vải để tỏ lòng thương xót.
Theo sách Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ, vào năm thứ 21 (1840) trong lễ mừng thọ 54 tuổi, vua Minh Mạng vẫn nghĩ đến các giám sinh học tập ở Quốc Tử Giám. Tất cả học sinh tôn thất, giám sinh, cống sinh, ấm sinh đều được vua thưởng tiền đồng hạng lớn, hạng bé 100 quan.
Sau ba năm theo học tại Quốc Tử Giám, các giám sinh được tham gia kỳ thi Hội, thi Hương do triều đình tổ chức. Những người thi đỗ, đều được triều đình trọng dụng bổ nhiệm làm quan.
Vua Minh Mệnh (còn gọi là Minh Mạng) là hoàng đế thứ hai của nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng Việt Nam. Ông trị vì từ năm 1820 đến khi qua đời 1841, được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Thánh Tổ. Trong 21 năm trị nước, Minh Mạng đã đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao. Ông đổi tên nước Việt Nam thành Đại Nam, cho lập thêm Nội các và Cơ mật viện ở Huế, củng cố chế độ lưu quan ở miền núi. Ông còn tổ chức lại quân đội, chia thành bộ binh, thủy binh, tượng binh, kỵ binh và pháo thủ binh. Minh Mạng cũng cử quan ra chỉ đạo khai hoang ở ven biển Bắc kỳ và Nam kỳ. Đặc biệt, ông rất quan tâm đến việc duy trì nền khoa cử Nho giáo, mở các kỳ thi để tuyển chọn nhân tài. |