Nhiều người phản đối phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại, nhưng phần lớn là chưa tìm tới sách. Sau khi tìm hiểu, tôi viết bài này chia sẻ để những người phản đối hiểu rõ tại sao nhiều trường ủng hộ cách học này.
Có cần thay đổi phương pháp không?
Nếu chỉ cần biết đọc và biết viết thì có rất nhiều phương pháp để học, nhưng phương pháp cũ khiến chúng ta gặp một số vấn đề sau đây: Không biết tên chữ và âm chữ là gì. Vì vậy chúng ta học hồi bé là a bờ cờ nhưng khi học toán lại gọi là tam giác a bê xê, hay như lớp 1B là một bê chứ không phải một bờ mà không hiểu vì sao? (Tôi đã hỏi rất nhiều người về vấn đề này, không ai học theo phương pháp cũ trả lời được tại sao).
Chúng ta không biết âm là gì. Kiểu đánh vần u-y-ê-nờ ra uyên là một kiểu nhìn mặt chữ để đọc chứ không phải đánh vần ra âm. Không một đứa trẻ nào không biết chữ có thể đánh vần như vậy. Có rất nhiều điều phi logic chúng ta buộc phải chấp nhận. Ví dụ tại sao có chữ ă đọc là á, vậy mà con cá chứ không phải con că? Tại sao có hao, có cao, nhưng có hoa lại không có coa? Các bạn có thấy từ coa này phát âm có giống qua không? Nếu vậy từ qua loa có phải cùng vần oa khi nói không?
Vấn đề này gặp ở tất cả chúng ta học theo phương pháp cũ, vì thế mà có VTV đọc là vê-tê-vê nhưng nhóm G7 lại đọc là gờ 7. Tới đây bạn nào thấy những vấn đề này không cần hiểu cũng không sao thì các bạn có thể cho con cháu mình học theo phương pháp cũ, không cần tìm hiểu phương pháp mới. Và nếu bạn không hiểu được điều này thì đừng tự ái bởi câu của GS Đại là “bố mẹ không dạy được con”, bởi đúng là chúng ta đã không biết, trẻ sẽ được học tất cả những điều trên.
Phương pháp mới học như nào?
Cách cũ chúng ta bị ép phải học thuộc mặt chữ, tức đi từ chữ => âm => tiếng. Vì vậy mà nhiều điều chúng ta lại đánh giá theo từ chứ không phải theo cái nghe được. Ví dụ quan và hoan nếu phát âm rõ ràng là cùng vần oan, nhưng từ quan lại chỉ là vần an. Vần là theo tiếng nói, trước khi có chữ quốc ngữ thì ca dao cũng đã có gieo vần mà chẳng cần biết nó viết là oan hay an.
Cách mới dạy trẻ đi từ tiếng => âm => chữ. Vì vậy các thầy dạy trẻ bắt đầu từ các câu thơ. Ví dụ Trong đầm gì đẹp bằng sen/Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng. Bài học đầu học sinh sẽ được học cách tách tiếng, mỗi tiếng nghe thấy tương ứng với một ô vuông, hình tròn, viên sỏi hay cái vỗ tay... Phụ huynh có con ở nhà học tới bài này thì dạy bé mấy câu ca dao cho bé tập. Học sinh sẽ được hướng dẫn để nhận ra được hai câu này có vần điệu như hát là bởi có tiếng sen và chen có gì đó giống nhau. Lúc này các em vẫn chưa biết chữ, nhưng có thể nhận thấy được sự giống nhau cũng như vần điệu của âm thanh.
Từ đây cô giáo hỏi về các tiếng bé nghe hàng ngày gần giống với sen và chen. Trẻ sẽ tìm được vô số tiếng: khen, len, đen... và cả /ken/ (Trước khi nói về c, q, k thì các từ liên quan tôi đánh dấu trong hai dấu gạch chéo //). Tương tự sau đó trẻ sẽ học về các âm khác. Ví dụ âm a thì có các từ ba, /ka/, ha, ta, pha, nga... Chú ý, lúc này trẻ vẫn nói, chưa học viết. Và cô sẽ dạy mọi vần khác cho trẻ... Học sinh sẽ học một từ đa âm, ví dụ từ ba. Sau đó cô giáo hướng dẫn từ ba được tách thành bờ a => ba. Cô sẽ dạy học sinh âm bờ, và cho học sinh tìm các âm thanh có cùng âm bờ này như: Bố, bán, bung, bóng...
Nhìn chung trẻ sẽ được học về mọi âm trong tiếng Việt. Giai đoạn này trẻ thật sự biết đánh vần bất cứ tiếng nào chúng nghe được. Phụ huynh nên hỏi hôm nay con học được gì trên lớp, và hỏi con về các âm thanh, tên người mà bé biết hàng ngày cho bé luyện tập. Lúc này bé vẫn chưa biết chữ nhé, nên đừng chỉ vào chữ kêu bé đọc, hãy nói để bé phân tích âm thanh và tự đánh vần.
Sau khi học sinh đã biết cách tách âm rồi các cô sẽ dạy, như trước một tiếng đại diện bằng một ô vuông thì giờ một âm sẽ đại diện bằng một chữ cái nào đó. Cụ thể thì âm a được ký tự lại là chữ a, có tên là a. Âm bờ được ký tự lại là chữ b có tên là bê. Âm cờ được ký tự lại là chữ c, k, q có tên là xê, ca, quy... Như vậy trẻ sẽ nhận thấy, a bờ cờ là âm, a bê xê là tên của chữ cái. Khi đánh vần thì dùng âm là a bờ cờ, khi dùng chữ cái để đặt tên cho cái gì đó thì đọc theo tên là a bê xê. Ví dụ tam giác ABC phải đọc là tam giác a bê xê, hay tam giác CKQ thì phải đọc là tam giác xê ca quy, Vitamin C đọc là Vitamin xê, lớp 1B là một bê.
Việc hiểu tên chữ và âm chữ cũng giúp chúng ta học ngoại ngữ rất nhiều. Các cuốn từ điển đều có phần chữ và phần phiên âm bên cạnh. Trước chúng ta học thuộc cả cách viết và cách đọc, rất dễ quên. Vấn đề người Việt Nam gặp phải là có thể nhớ và dịch được nhưng không đọc được có lẽ cùng vì phải ghi nhớ cách đọc của từ một cách thuộc vẹt, lâu không dùng sẽ quên ngay.
Vấn đề c, k, q
Vấn đề khiến chúng ta học theo cách cũ khó hiểu nhất chính là c, k, q. Tại sao ba từ này lại có thể là một âm /k/ - đọc là cờ. Quay lại về tiếng nói, nếu không nhìn mặt chữ mà chỉ nghe, các bạn có thấy chữ qua nếu đọc to thành tiếng /koa/ có cùng vần oa với loa không? /koa/ loa hoa khoa... sẽ phải cùng một vần vì cách phát âm giống nhau. Nếu ta có Ham = Hờ am Ham, Tam = Tờ am Tam, Cam = Cờ am Cam thì Hoa = Hờ oa Hoa, Toa = Tờ oa Toa, /koa/ = Cờ oa /koa/.
Tương tự quang phát âm là /koang/ phải cùng vần với hoang, khoang, loang, oang... Quảng với phát âm /koảng/ phải cùng vần oang với hoảng, khoảng. /kam/ cùng vần am với ham, tam, sam, kham... /kem/ cùng vần em với kem, khem, xem, chem... Tiếng Việt theo quy tắc của ký tự Latin, bởi mấy ông sáng tạo ra chữ quốc ngữ đều là người phương Tây. Họ bị vướng quy tắc của chữ họ dùng nên cũng áp dụng vào chữ quốc ngữ. Cụ thể âm /k/ (âm cờ) khi đứng trước các chữ o, a, u, ư... thì dùng chữ cái C (xê) => Ca, cô, con, cơm... Âm cờ /k/ đứng trước i, e, ê thì dùng chữ cái K (ca) => kem, kềm, kim...
Tiếng Việt có các âm ghép có âm chính và âm đệm: oa, oan, oang, uê, uy... Âm đệm đứng trước là /o/, âm chính là a, ă... (Không phải mọi âm ghép đều có chính và đệm, ví dụ uy là có âm đệm, nhưng ui thì không có). Âm cờ /k/ đứng trước các âm kép có âm chính và âm đệm thì sẽ được ký tự lại là chữ q, âm đệm đổi thành u, tức /koa/ là qua, /koang/ là quang, /koe/ là que.
Hồi tôi học, rất nhiều bạn viết nhầm các từ qua, quăng, que thành quoa, quoăng, quoe bởi vì nghe rõ ràng thấy các từ đó là các vần oa, oăng, oe. Riêng với từ /kuốc/, ban đầu chữ quốc ngữ chỉ dùng một chữ là cuốc, một số vùng phát âm khác thì có ghi là quấc, sau này mới thống nhất lại một từ quốc là từ chỉ cho quốc gia, để khác với mọi cuốc khác. Những quy tắc này và cả các quy tắc chính tả khác các bạn có thể tìm hiểu thêm trong sách Tiếng Việt theo chương trình Công nghệ giáo dục.
Chính vì có những quy tắc này mà chúng ta thấy c, k, q không bao giờ đi với vần trùng nhau ngoại trừ trường hợp là quốc - cuốc. (Vì sao họ có các quy luật này thì các bạn phải nghiên cứu về chữ Latin, họ áp dụng thì ta phải chấp nhận). Chữ quốc ngữ được nghiên cứu và ký tự lại bởi các quy tắc rất chặt chẽ, không có chuyện "nó thế bởi vì được quy định thế", hay chữ này được viết như vậy bởi vì "người ta quy định như vậy".
Chúng ta trước chỉ học thuộc chữ không hiểu quy tắc nên vẫn có tranh cãi nhiều vấn đề mà cho là bất quy tắc hay phi logic. Ví dụ tiếng (khi nói lên) qua rõ ràng có cùng vần với oa mà trước giờ ta lại coi nó một tiếng có vần a, một tiếng có vần oa, hay quan với hoan, quang với hoang cũng vậy. Với cách học cũ chúng ta bị nhìn vào mặt chữ mà học, vì vậy mà từ qua mọi người đã thắc mắc cách đọc nếu q là âm cờ sẽ thành từ cua, mà không chú ý vào tiếng qua vốn nó có vần oa chứ không phải vần ua hay a.
Cũng theo các quy tắc chính tả thì các từ cem, cuân, kuân... sai chính tả vì vi phạm quy tắc. Nó khác với từ dù vô nghĩa vẫn đúng quy tắc như: nguynh, buyên, khuỵch... hay từ phượt gần đây mới có nghĩa chứ trước giờ là vô nghĩa. Nhiều vấn đề khác liên quan các bạn phải cầm sách trên tay để đánh giá và tìm hiểu, có quá nhiều điều chúng ta buộc chấp nhận mà không biết tại sao.
Vì cách học cũ, có một từ là quý và quí chúng ta dùng lẫn cả hai bởi cách đánh vần cũ là quờ i/y không phân biệt được i hay y. Nhưng theo nguyên tắc của tiếng Việt, tiếng (khi nói) quý/quí rõ ràng cùng vần với huy, thúy thì nó phải có vần uy.
Những quy tắc này có phải thầy Đại sáng tạo ra không? Không. Đó vốn là con đường hình thành chữ quốc ngữ của chúng ta, đã được áp dụng để sáng tạo ra chữ trong suốt mấy trăm năm qua. Thầy Đại chỉ dạy các cháu đi lại con đường đó theo hướng dẫn của giáo viên. Vì vậy mà thầy Đại mới tự tin cách dạy này sẽ tồn tại vĩnh viễn. Tới khi nào chữ quốc ngữ biến mất thì cách dạy này mới không còn, cuốn sách này mới không còn dùng được.
Đã có rất nhiều học sinh học, rất nhiều phụ huynh kiểm chứng được con mình học theo phương pháp này sẽ như nào, các bạn thắc mắc thì hỏi những người đó là chuẩn nhất, sẽ giải đáp được. Hơn nữa, học theo phương pháp này học sinh không cần học chữ trước, không cần cho đi học thêm gì trước khi vào lớp 1. Phụ huynh có thể giúp các bé bằng cách dạy hát, dạy ca dao, dạy thơ theo kiểu thuộc lòng để bé có cảm giác sẵn về âm và vần là tốt nhất.
Theo đánh giá riêng của tôi, phương pháp mới với các quy tắc rất rõ ràng khiến trẻ có thể nắm được nhanh, thực tế cho thấy chỉ hai tháng là trẻ biết đọc biết viết nên các bạn không phải lo là các bé không hiểu được các quy tắc này. Phương pháp mới trẻ học như kiểu đi khám phá, khám phá âm thanh, khám phá tiếng nói, khám phá và để ý từ những gì xung quanh mình nữa. Rất khác so với phương pháp cũ trẻ chỉ tập trung vào sách tập tô chữ.
Bạn tôi nhiều người đã học và nói hồi đó mỗi ngày đều rất háo hức đến trường. Khác với phương pháp ép học thuộc như trước thì có bạn được bố mẹ dạy chữ trước, có bạn lại không được dạy. Đến học lớp 1 bạn biết rồi thì thấy chán, bạn chưa biết thì thấy tự ti vì bạn mình giỏi dẫn đến tâm lý của trẻ rất khác so với phương pháp mới cả lớp cùng tìm hiểu.
Nhìn chung tôi ủng hộ phương pháp mới, cả về mặt tư duy cho trẻ, cả về mặt giúp trẻ đỡ dốt hơn chúng ta khi học theo phương pháp cũ.
(Bài viết của một người học theo phương pháp cũ, không nghiên cứu về ngôn ngữ nên nếu có vấn đề sai sót nào khi dùng từ chuyên ngành mong các bạn bỏ qua).
Cuối tháng 8, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó là theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục cho phát hành.
Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục - PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu gây tranh cãi, tuy nhiên thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đến nay gần 50 tỉnh, thành phố với khoảng 800.000 học sinh đang dùng cuốn sách này.
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ sách được xây dựng trên nguyên tắc "muốn học cái gì thì phải tự tay làm cái đấy". Khi áp dụng, học sinh sẽ là người làm việc, còn giáo viên chỉ giao nhiệm vụ và quan sát, hướng dẫn phương pháp. Ông tự tin sách tồn tại vĩnh viễn, nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn vì có nền tảng lý thuyết là triết học, tâm lý học, có công nghệ giáo dục hỗ trợ.
Nhữ Hoạt