Nằm ở cực bắc của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội khoảng 300 km, tỉnh Hà Giang với dân số hơn 800.000 chủ yếu là đồng bào thiểu số, bỗng "nổi tiếng" sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia 2018.
Với gần 5.500 thí sinh dự thi, điểm trung bình các môn của thí sinh Hà Giang đều thuộc top thấp nhất cả nước. Cụ thể, điểm môn Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử xếp cuối cùng trong 63 tỉnh thành; điểm Toán, Sinh học, Địa lý, Giáo dục công dân đứng thứ 62; Vật lý, Hóa học thứ 59.
Đỉnh phổ điểm các môn thi THPT quốc gia trừ Giáo dục công dân ở mốc 6, Địa lý mốc 5, bảy môn còn lại đều trong ngưỡng 2,5-3,5. Từ đỉnh này, đồ thị thấp dần về mức 6-7 và đến 8 điểm thì đột ngột tăng.
Sự bất thường thể hiện rõ nhất ở môn Vật lý, Hóa học và Toán. Riêng Vật lý, Hà Giang có đến 65 điểm từ 9 trở lên, chiếm 6,7% tổng thí sinh dự thi. Trong khi đó TP HCM với 49.680 thí sinh thi Vật lý chỉ có 39 điểm từ 9 trở lên (0,07%). Tỷ lệ điểm giỏi của Hà Giang cũng gấp 23 lần Hà Nội.
Với Toán, môn được đánh giá là khó nhất, nhiều giáo viên không đủ thời gian làm hết bài trong 90 phút, Hà Giang có tới 57 thí sinh được từ 9 điểm trở lên. Trong khi đó TP HCM với 78.030 thí sinh dự thi chỉ có 32, Nam Định với hơn 19.600 thí sinh chỉ có 13 em đạt mức điểm này.
Nếu căn cứ vào số điểm giỏi các môn tự nhiên, Hà Giang đứng trên cả ba địa phương vốn có truyền thống học tập tốt là Hà Nội, TP HCM, Nam Định.
Phổ điểm môn Ngoại ngữ của Hà Giang cũng bất thường. Từ đỉnh phổ điểm ở mốc 2,8, đồ thị lao dốc xuống ngưỡng 5 điểm và ở ngưỡng 6,6-8,8 hầu như rất ít thí sinh đạt được. Tuy nhiên, từ điểm 9 trở lên lại nhiều.
So sánh mức điểm trên 27 các khối A (Toán, Lý, Hóa), A1 (Toán, Lý, Ngoại ngữ) giữa Hà Giang và cả nước cũng thấy bất thường. Ở khối A1, cả nước có 76 thí sinh thì Hà Giang tới 36 em. Khối A, cả nước có 82 điểm trên 27, Hà Giang chiếm gần 1/3.
"Đề thi năm nay khó hơn, các thành phố lớn hiếm lắm mới có em trên 27 điểm, nên không thể có chuyện học sinh tỉnh vùng núi biên giới nơi nhiều năm có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất cả nước, lại có nhiều thí sinh đạt điểm trên 27", một giáo viên Hà Nội bày tỏ sự bất bình.
Cô giáo này mong muốn Bộ Giáo dục làm rõ sự bất hợp lý trong điểm thi ở Hà Giang để trả lại sự công bằng cho thí sinh.
Tỉnh Hà Giang chưa bao giờ là điểm sáng giáo dục. Báo cáo tổng kết năm học 2014-2015 của tỉnh cho thấy, tỷ lệ học sinh THCS, THPT học lực trung bình lần lượt là 61,7% và 58,7%. Tỷ lệ học sinh giỏi cấp THPT chỉ 2%.
Sơ kết học kỳ I năm học 2017-2018, Sở Giáo dục tỉnh Hà Giang báo cáo cấp THPT có 57,8% học sinh học lực trung bình, 8,9% loại yếu và chỉ 3,3% loại giỏi. Hai năm 2017, 2018, tỷ lệ học sinh tỉnh miền núi này tốt nghiệp THPT đều không đạt ngưỡng 90%, thuộc diện thấp nhất cả nước.
“Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 97,57%. Một số địa phương có điều kiện dạy và học còn khó khăn như: Cao Bằng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi đạt trên 92%. Tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn Hà Giang có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 89,35%”, thống kê năm 2018 của Bộ Giáo dục nêu.
Lý giải cho thành tích học tập không mấy tươi sáng của Hà Giang, cô giáo Nguyễn Thị Thêu (điểm trường Sảng Pả, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn) cho rằng hầu hết đồng bào ở đây là dân tộc thiểu số, ý thức học chưa cao. Càng lên lớp cao, tỷ lệ học sinh bỏ học càng nhiều.
21 năm dạy học ở Hà Giang, cô Thêu thường xuyên đến nhà vận động học sinh. "Ngày trước họ xích chó ngoài cổng đuổi, giờ không còn cảnh đó nhưng nhiều gia đình vẫn không muốn con tới trường", cô Thêu chia sẻ.
Ngoài lý do ý thức học tập, nguyên nhân quan trọng là điều kiện giảng dạy và học tập ở Hà Giang còn rất khó khăn. Với 3/4 diện tích là đồi núi, Hà Giang có vô vàn dốc cao, đường đèo ngoắt ngoéo. Từ trung tâm xã vào các bản phần lớn là đường đất đá khó đi.
Cô giáo Thêu khi dạy ở Trường Tiểu học Lũng Thầu (Đồng Văn) luôn phải đi men qua khe núi để tới lớp. Lớp học lợp mái lá, tứ bề trống hoác. Mùa đông mưa phùn gió bấc, thầy trò co ro vì giá rét; mùa mưa lại nơm nớp lo lũ quét, sạt lở đất.
Điểm thi của nhiều thí sinh cao đột biến khiến việc coi thi, chấm thi, giám sát... đều bị nghi vấn.
Riêng về đề thi, trừ Ngữ văn, 8 môn còn lại đều là trắc nghiệm. Mỗi phòng thi có 24 thí sinh và mỗi em một mã đề riêng. Do đề thi THPT quốc gia năm nay dài và khó, thách thức cả với giáo viên, do đó chuyện gian lận khi làm bài được cho là khó có thể xảy ra.
Theo quy chế thi THPT quốc gia, ngoài trưởng điểm coi thi là lãnh đạo Sở Giáo dục địa phương, các phó trưởng điểm, ủy viên, thư ký, cán bộ coi thi, giám sát, thanh tra đều có sự tham gia của trường đại học. Năm nay, Học viện Ngân hàng (Hà Nội) và Cao đẳng Sư phạm Hà Giang coi thi ở Hà Giang.
Chia sẻ về công tác này, cả Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang và Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng Phạm Quốc Khánh đều khẳng định, mọi việc được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế. Hơn 200 cán sự được cử đi Hà Giang làm thi của trường Ngân hàng phần lớn có nhiều năm kinh nghiệm coi thi, tinh thần trách nhiệm cao.
Cũng theo quy chế, mỗi túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm có số lượng bằng số thí sinh dự thi trong phòng, tránh lợi dụng phiếu thừa để làm sai. Xong mỗi môn thi thành phần trong bài tổ hợp, giám thị thu toàn bộ giấy nháp, tài liệu, vật dụng có ghi thông tin về bài tổ hợp để tránh thí sinh sử dụng thời gian của môn thi thành phần sau giải nốt đề thi môn trước.
Nhằm tăng cường tính bảo mật cho bài làm của thí sinh, năm 2018 Bộ Giáo dục yêu cầu mỗi túi bài thi đều dán giấy mỏng niêm phong, trên đó có chữ ký của cán bộ coi thi, phó trưởng điểm thi là đại diện trường đại học. Các túi bài này khi vận chuyển, trao cho hội đồng chấm thi, phải có sự giám sát của công an PA83, có biên bản xác nhận tình trạng.
Việc chấm thi cũng được quy định chặt chẽ. Bài Ngữ văn được làm phách một hoặc hai vòng, trong khu vực cách ly độc lập, có sự giám sát của công an. Khi đến tay người chấm, bài thi không còn thông tin của thí sinh. Ở vòng một, ngoài những nét gạch chéo trên phần giấy thừa, cán bộ chấm không được ghi gì vào bài làm của thí sinh. Ít nhất 5% số bài sẽ được chọn ngẫu nhiên để chấm kiểm tra, những bài điểm cao được chấm kiểm tra lại.
Việc chấm bài trắc nghiệm được thực hiện ở khu vực cách ly, vòng trong - ngoài đều có giám sát của công an. Năm 2018, Bộ Giáo dục quy định thêm, ở mỗi hội đồng chấm thi của 63 tỉnh thành sẽ có 2 thanh tra cắm chốt, một của trường đại học và một của Sở Giáo dục địa phương. Khi quét phiếu trả lời trắc nghiệm, mở đĩa CD chứa dữ liệu chấm, đều phải có cán bộ thanh tra, công an trực tiếp giám sát. Tổ xử lý bài trắc nghiệm sau đó chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang 10.
"Chấm trắc nghiệm thực hiện trên phần mềm máy tính, kết quả trả về được liên kết ngay với dữ liệu của thí sinh, không có sự can thiệp của con người ở khâu này", đại diện Cục Quản lý chất lượng nói.
Khẳng định sẽ xử lý nghiêm khắc nếu phát hiện sai phạm trong thi THPT quốc gia ở Hà Giang, Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Hữu Độ cho rằng với quy định hiện nay, việc gian lận trong lúc làm bài thi rất khó và “gần như không thể”. Việc thi bài trắc nghiệm với mỗi thí sinh một mã đề, cán bộ coi thi nghiêm túc thì thí sinh không thể nhìn bài hay hỗ trợ bạn.
“Nếu thực sự có gian lận thi cử thì việc phát hiện cũng dễ dàng, bằng cách rà soát quy trình xem đã thực hiện chặt chẽ không. Quy chế thi cũng cho phép nếu phát hiện bất thường trong kết quả điểm thi THPT quốc gia, Bộ có thể chấm thẩm định”, ông Độ nói.
Sự việc ở Hà Giang, Thứ trưởng Độ cho rằng, trước hết để địa phương giải quyết. Nếu kết quả không thỏa đáng, Bộ sẽ thành lập đoàn về kiểm tra.
Trước đó chiều 12/7, Bộ Giáo dục đã gửi công văn yêu cầu Ban chỉ đạo thi của tỉnh kiểm tra, rà soát tất cả khâu làm thi, coi thi, chấm bài.... và gửi báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 17/7.
Quỳnh Trang